Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đang trên hải trình tiến vào Biển Đông, dự kiến hội quân và diễn tập chung với nhóm đổ bộ tấn công USS Essex tại khu vực. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công tới Biển Đông trong năm nay.
Các máy bay thuộc không đoàn tàu sân bay số 2 trên chiến hạm Carl Vinson tổ chức nhiều đợt huấn luyện xuất kích trên biển Philippines và biển Sulu, cửa ngõ Biển Đông.
Phi công tiêm kích tàng hình F-35C thảo luận với kỹ thuật viên vận hành máy phóng và cáp hãm đà của tàu sân bay Carl Vinson trên biển Sulu ngày 10/1.
Trong số các máy bay trên tàu Carl Vinson có một phi đội tiêm kích tàng hình F-35C cũng tham gia hoạt động huấn luyện của không đoàn khi tàu sân bay chuẩn bị vào Biển Đông.
Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai đến khu vực phụ trách của Hạm đội 7 nhằm tăng cường khả năng phối hợp với đồng minh, đồng thời hoạt động với tư cách lực lượng sẵn sàng ứng phó nhằm ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hình ảnh các tiêm kích tàng hình F-35C đáp xuống tàu sân bay Carl Vinson trên biển Philippines ngày 12/1 đã được Hải quân Mỹ công bố rộng rãi.
Mỹ gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông.
F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình chuyên hoạt động trên các tàu sân bay của Mỹ. Chúng dự định sẽ thay thế hoạt động của tiêm kích hạm F/A-18C/D Hornet trên các tàu sân bay hạt nhân.
F-35C cùng với F/A-18E/F Super Hornet sẽ tạo thành cặp đôi tiêm kích hạm mạnh nhất thế giới của Hải quân Mỹ.
Trong khi F-35C nổi bật với khả năng tàng hình thì F/A-18E/F có tiếng về tải trọng vũ khí cũng như kinh nghiệm chiến đấu.
Do được thiết kế để hoạt động trên hạm nên F-35C có một vài thay đổi trong cấu trúc thiết kế.
Cụ thể phần cánh của F-35C lớn hơn và những thiết bị hỗ trợ hạ cánh khiến nó cơ động và linh hoạt hơn những phiên bản khác.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, phiên bản F-35C sở hữu khả năng mang nhiên liệu bên trong lớn hơn so với F-35A và F-35B, giúp tăng tầm tác chiến xa hơn.
Khung thân và càng đáp được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, ngoài phiên bản này cũng sử dụng các vật liệu chế tạo tốt hơn để tránh sự xâm hại và ăn mòn từ nước biển.
Cánh của tiêm kích F-35C được thiết kế để có thể gấp lại, tránh chiếm dụng diện tích chung vốn hạn chế trên tàu sân bay.
Lớp sơn tàng hình trên tiêm kích F-35C dày hơn các phiên bản khác để có thể hoạt động tốt trong môi trường nước biển.
“F-35C áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không chiến thuật, bao gồm tất cả l từ cảm biến tối tân, vũ khí mới cải thiện tầm bắn và mức độ bền bỉ”, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết.
Phi công trên F-35C cũng sẽ được trang bị mũ bay đặc biệt giúp gia tăng khả năng tác chiến trong những cuộc không chiến quần vòng.
Khi ở chế độ tàng hình, F-35C chỉ có khả năng mang theo khoảng 2,8 tấn vũ khí, tất cả đều được giấu trong thân máy bay.
Tuy nhiên khi không cần tàng hình, F-35C có khả năng mang theo 10,5 tấn vũ khí, đây là một con số cực kỳ ấn tượng cho chiếc tiêm kích một động cơ.
Với sự góp mặt của F-35C, năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ thực sự được nâng lên một tầm cao mới.
F-35C sẽ giúp Hải quân Mỹ tiếp tục duy trì sức mạnh vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng.
Trong bối cảnh Nga ngày càng tụt lại phía sau (tàu sân bay duy nhất của họ đang hư hỏng nằm bờ và viễn cảnh tái triển khai vẫn còn xa vời) thì Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ lớn nhất của Mỹ, cạnh tranh sức mạnh trực tiếp trên đại dương.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tiêm kích hạm cũng như tăng cường đóng mới cả tàu sân bay hạt nhân để vươn ra biển lớn. Với việc biên chế tiêm kích F-35C, Mỹ kỳ vọng kiềm chế được tham vọng của hải quân Trung Quốc.
F-35C là phiên bản duy nhất chưa thực chiến, trong khi F-35A và F-35B đã tham chiến tại Syria và Afghanistan, tại các chiến trường này chúng được đánh giá hiệu suất chiến đấu vượt cả sự mong đợi.
Tuy vậy Hải quân Mỹ từng cảnh báo những khó khăn trong việc bảo trì F-35C do thiếu các kỹ thuật viên trình độ cao.
Việt Hùng