Tiêm kích tàng hình Su-57 thuộc thế hệ thứ năm sẽ nhận thêm nhiều tính năng mới như một phần của chương trình hiện đại hóa trong những năm tới, thể hiện trên những máy bay thuộc lô sản xuất hàng loạt tiếp theo.
Ông Vadim Badekha, Giám đốc điều hành Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) cho biết, Su-57 có nền tảng kiến trúc mở, cho phép sử dụng nhiều công nghệ khác nhau, với những thay đổi tối thiểu cho mỗi giải pháp cơ bản.
Nền tảng tiêm kích Su-57 được thiết kế để hoạt động trong 40 - 50 năm tới. Vào lúc này, máy bay đang trong quá trình hiện đại hóa, khi các công nghệ chính của tiêm kích thế hệ thứ sáu sẽ được thử nghiệm.
Khi tính đến sự phát triển của máy bay không người lái và khả năng tích hợp với tiêm kích có người điều khiển, Su-57 dự kiến sẽ trở thành yếu tố trung tâm của hệ thống chiến đấu trong tương lai.
CEO của UAC nói thêm, trong những năm tới, nhiều tính năng mới sẽ được đưa vào Su-57 Felon. Tất cả những đặc tính này, khi được tích hợp vào nền tảng máy bay chiến đấu, sẽ giúp nó phản ứng nhanh chóng với mọi thách thức hiện đại.
Ông Vadim Badekha đã liệt kê các lĩnh vực hiện đại hóa chính dành cho Su-57 bao gồm tổ hợp thiết bị trên máy bay, vũ khí hàng không, động cơ, hệ thống thông tin và điều khiển, trí tuệ nhân tạo tích hợp sẵn...
Nga hy vọng với những cải tiến mới, phiên bản xuất khẩu Su-57E sẽ giành được đơn đặt hàng lớn tại Ấn Độ, khi New Delhi đang muốn mua một chiến đấu cơ thế hệ năm đủ mạnh nhằm san bằng ưu thế của Trung Quốc.
Tại triển lãm hàng không quân sự ở Ấn Độ, đã có những tuyên bố rằng nếu quốc gia Nam Á quyết định tiếp tục tham gia dự án và đặt hàng Su-57E, họ sẽ có thể nhanh chóng nhận được chiến đấu cơ mới.
Hơn nữa, việc sản xuất tiêm kích Su-57E có thể được thực hiện tại doanh nghiệp Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL), nơi các chiến đấu cơ Su-30MKI hiện đang được lắp ráp.
Đề xuất của phía Nga không chỉ bao gồm việc chuyển giao công nghệ nhanh chóng và tổ chức lắp ráp tại các nhà máy của Ấn Độ mà còn bao gồm việc tham gia phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm AMCA (Tiêm kích hạng trung tiên tiến) của Ấn Độ.
Theo thông báo, Moskva sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho dự án đầy tham vọng này, đặc biệt khi chương trình AMCA vốn có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ.
Phía Nga nhấn mạnh rằng Su-57E đã vượt qua giai đoạn tinh chỉnh và sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt và giao hàng xuất khẩu. Đây là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm có các yếu tố tàng hình, hệ thống điều khiển vũ khí hiện đại và khả năng cơ động cao.
Việc nội địa hóa sản xuất tại Ấn Độ sẽ cho phép Delhi không chỉ tăng cường lực lượng không quân mà còn nâng cao trình độ ngành công nghiệp quốc phòng, tạo thêm việc làm và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài.
Mặc dù vậy, sẽ cần thêm khá nhiều thời gian để chứng minh những tính năng "kỳ diệu" mà tiêm kích Su-57 sẽ được trang bị như những gì các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn thường thông báo.
Việt Dũng
Theo Rossiskaya Gazeta