Tiêm kích tàng hình Trung Quốc - chiếc Chengdu J-20 sẽ được sản xuất hàng loạt cùng với động cơ nội địa WS-10, mặc dù trước đó Bắc Kinh đã thông báo rằng những máy bay chiến đấu này sẽ vẫn được trang bị động cơ AL-31F của Nga.
Theo báo chí Trung Quốc, nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc quân đội nước này không hài lòng với chất lượng của động cơ hàng không do Nga chế tạo. Trước thực tế trên, họ đã quyết định từ chối tiếp tục sử dụng chúng.
Trang Sohu nhấn mạnh: “Động cơ WS-10 có tổng hệ số áp suất lên đến 32 và nhiệt độ turbine phía trước là 1710 độ K. Trong khi đó động cơ AL-31FN có khiếm khuyết về mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như thiết kế trục".
"Tai nạn từng xảy ra với một chiếc máy bay chiến đấu J-10 đời đầu của Trung Quốc lắp động cơ AL-31F được xác định là do rò rỉ dầu và mất khả năng bôi trơn trong hệ thống trục động cơ AL-31FN, cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu quá cao".
"Mức tiêu thụ nhiên liệu của động cơ WS-10 hiện giảm xuống 0,67 kg / (kgf · h), trong khi lực đẩy tối đa đạt 13,2 tấn, so với tiêm kích J-10A lắp động cơ AL-31FN chỉ có lực đẩy tối đa 12,8 tấn và hiệu suất tổng thể không tin cậy bằng".
"Tiêm kích tàng hình thế hệ năm J-20 ban đầu được trang bị động cơ AL-31FM2 của Nga, đây chính là một phiên bản cải tiến dựa trên AL-31F. Do đó, lực đẩy tối đa được nâng lên 13,5 tấn".
"Nhưng động cơ WS-10C Taihang hiện đã thay thế hoàn toàn sản phẩm của Nga trên tiêm kích J-20. Trung Quốc không còn phải dựa vào động cơ của Nga để nâng cao hiệu quả chiến đấu cho máy bay của mình", tờ Sohu khẳng định.
Theo giới phân tích, tuyên bố của Trung Quốc về độ tin cậy thấp của động cơ máy bay Nga là khá bất ngờ, đặc biệt là trong bối cảnh trước đó họ không cho rằng lý do dẫn tới các vụ tai nạn máy bay của họ là do lỗi của động cơ.
Các chuyên gia quân sự quốc tế không loại trừ rằng thông tin về vấn đề này có thể được đưa ra với mục đích để làm mất uy tín của động cơ Nga và thúc đẩy động cơ sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó cần lưu ý thêm, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2021, Trung Quốc đã giới thiệu phiên bản nâng cấp của tiêm kích tàng hình J-20 với mã định danh J-20B lắp động cơ nội địa.
Đánh giá chuyến bay trình diễn của J-20B, giới quan sát cho rằng rất dễ nhận thấy tiêm kích Trung Quốc "bị thiếu động lực". Cụ thể khi thể hiện khả năng thao diễn, J-20 “không thể hiện được sự nhẹ nhàng”, đặc biệt khi thực hiện một số động tác nhào lộn phức tạp.
Bất chấp động tác nhào lộn đã được lựa chọn sao cho những vấn đề xảy ra với chiếc máy bay không trở nên quá nổi bật, đồng thời J-20 chỉ mang trọng tải tối thiểu, tuy nhiên nhược điểm của nó vẫn chẳng thể che giấu.
Như vậy bất chấp những lời quảng cáo được Trung Quốc đưa ra, động cơ trang bị cho tiêm kích J-20 thậm chí còn chưa giúp nó thực hiện được những bài thao diễn tương đối bình thường.
Động cơ WS-10 Taihang chính vì vậy cũng bị nhận xét chỉ là sự lựa chọn tạm thời cho tiêm kích tàng hình J-20 cho đến khi bản nâng cấp sâu WS-15 sẵn sàng.
Bạch Dương