Tiêm liều thứ ba có hại nhiều hơn cho thế giới
Những người đứng đầu Tổ chức Vắc-xin Oxford và Liên minh Vắc-xin (GAVI) nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây không được 'từ chối trách nhiệm của họ với phần còn lại của nhân loại'.
Một số nước vẫn tiếp tục tổ chức tiêm tăng cường bất chấp cảnh báo của WHO
Sẽ có thêm nhiều người trên thế giới chết vì Covid nếu các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây “từ chối trách nhiệm của họ với phần còn lại của nhân loại”, Giáo sư Siir Andrew Pollard, giám đốc Tổ chức Vắc-xin Oxford cảnh báo.
Cùng với Giáo sư Pollard, ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của GAVI cũng nói rằng việc tiêm liều tăng cường (liều thứ ba) quy mô lớn chưa nên thực hiện vì nó có thể gây ra hậu quả sâu rộng ở các quốc gia khác.
“Đây là thời điểm mấu chốt đối với những người ra quyết định”, họ viết trong một tuyên bố. “Việc tiêm tăng cường quy mô lớn ở một quốc gia giàu có sẽ gửi một tín hiệu tới toàn thế giới rằng việc đó là cần thiết ở khắp mọi nơi. Điều này lại gây ra cái chết cho nhiều người không có cơ hội được tiêm dù chỉ một liều. Nếu hàng triệu người được tiêm tăng cường trong khi chưa có bằng chứng khoa học đáng thuyết phục, lịch sử sẽ ghi nhớ khoảnh khắc mà các nhà lãnh đạo chính trị quyết định từ chối trách nhiệm của họ với phần còn lại của nhân loại, trong cuộc khủng hoảng lớn nhất cuộc đời chúng ta”.
Vào thứ Ba (10/8), Bộ trưởng Y tế Anh, ông Sajid Javid, cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành kế hoạch cung cấp cho tất cả những người trên 50 tuổi một liều vắc-xin Covid tăng cường. Nhưng Giáo sư Adam Finn, trong Ủy ban Tiêm chủng và Miễn dịch (JCVI), cơ quan tư vấn cho chính phủ Anh, cho biết việc triển khai hàng loạt như vậy có thể không cần thiết, bởi các liều tăng cường chỉ có tác dụng bảo vệ một số lượng nhỏ những người dễ bị tổn thương nhất.
Trong khi đó, Đức, Pháp và Israel đều đang lên kế hoạch hoặc đã bắt đầu các chương trình tiêm liều tăng cường cho các công dân lớn tuổi, cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên rằng việc ngừng tiêm tăng cường cho đến ít nhất cuối tháng 9 sẽ giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc xin giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Ông Pollard và ông Berkley viết rằng, trong khi vắc-xin có thể cứu sống hàng triệu người toàn cầu, hàng nghìn người vẫn đang chết vì Covid mỗi tuần và nhiều quốc gia vẫn trong tình cảnh tuyệt vọng, với các bệnh viện bị quá tải.
“Phần lớn những người chết vì Covid trong năm nay đã có thể được cứu nếu chúng ta lựa chọn đúng”, họ nói. “Việc tiêm phòng cho mọi người ở mọi nơi là vì lợi ích của chính chúng ta. Nó có thể làm giảm nguy cơ phát sinh các biến thể mới và giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế, mở cửa cho du lịch, phục hồi nền kinh tế toàn cầu và nâng cao thẩm quyền quốc tế của các chính trị gia sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo đạo đức như vậy”.
Họ cũng nhấn mạnh, hiện chưa thể đo được mức độ kháng thể cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ bị bệnh nặng. Trong khi vắc-xin của bệnh sốt vàng da cung cấp sự bảo vệ suốt đời chỉ với một liều, thuốc tiêm ngừa cúm cần được tiêm hàng năm, và vắc-xin uốn ván cần từ năm đến sáu liều mới đảm bảo hiệu quả. Ông Pollard và ông Berkley nói rằng hiện vẫn chưa rõ vắc-xin Covid thuộc loại nào nhưng cho đến nay, rõ ràng là nó có đem lại khả năng chống lại bệnh nặng, bao gồm cả bệnh do các biến thể gây ra.
“Tập trung vào mức độ kháng thể, chúng ta sẽ phải liên tục tiêm chủng cho tất cả mọi người để đối phó với một loại vi-rút liên tục đột biến”. Giáo sư Pollard và ông Seth Berkley viết: “Nếu được tiêm đầy đủ hai liều, chúng ta đã có thời gian, vì vậy chúng ta không nên vội vàng tiêm tăng cường cho hàng triệu người, trong khi thời gian không còn nhiều cho những người không có gì”, hai người kết luận. “Liều đầu tiên là ưu tiên. Nó chỉ đơn giản vậy thôi”.
Để đáp lại, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết: “Nước Anh cam kết hỗ trợ cho sự phục hồi toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 và cải thiện cơ hội tiếp cận vắc-xin - và chúng tôi đã cam kết tài trợ 100 triệu liều trước tháng 6/2022, với những đợt vận chuyển đầu tiên bắt đầu từ tuần trước”.