Tiềm năng của Việt Nam khi tham gia thị trường carbon giá trị cao

Tính đến năm 2021, hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế bày tỏ sự quan tâm với thị trường tín chỉ carbon có giá trị cao tại Việt Nam.

Tham gia thị trường carbon giá trị cao có thể đem lại lợi ích to lớn cho Việt Nam.

Tham gia thị trường carbon giá trị cao có thể đem lại lợi ích to lớn cho Việt Nam.

Trước những cam kết đầy tham vọng được các quốc gia đưa ra tại COP26, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đang trở thành tâm điểm được nhiều doanh nghiệp quốc tế quan tâm. Mặt khác, với nhu cầu tăng cao, giá bán tín chỉ carbon cũng được dự báo sẽ ngày càng tăng, đem lại cơ hội tài chính lớn đối với những quốc gia có tiềm năng.

Đánh giá về tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam, TS. Phạm Thu Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển carbon thấp, Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Nông lâm quốc tế (ICRAF), cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đang bày tỏ nhu cầu mua tín chỉ carbon có giá trị cao của Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu từ CIFOR, nếu năm 2017 chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam thì đến hết năm 2021, con số này đã tăng gấp 4 – 5 lần, tương đương với khoảng hơn 2 nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực tế, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia buôn bán tín chỉ carbon có giá trị cao, cụ thể là tín chỉ carbon dựa vào rừng.

Đầu tiên phải kể đến là việc Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về thị trường carbon. Đầu năm nay, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đã chính thức được ban hành, với lộ trình chi tiết về việc thành lập thị trường carbon.

Theo đó, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được khởi động thí điểm vào năm 2025 và chính thức hoạt động vào năm 2028. Năm 2028 cũng được đặt làm mốc để kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam với thế giới.

Theo bà Thủy, với nghị định này, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á có cơ sở pháp lý về thị trường tín chỉ carbon, cùng với Malaysia, Indonesia và Campuchia.

Thứ hai, Việt Nam có diện tích rừng lớn với cộng đồng dân cư sinh sống và có sinh kế liên quan tới rừng lên đến 25 triệu người. Đây là cơ hội lớn để các dự án tạo tín chỉ carbon có thể đáp ứng điều kiện về đảm bảo sinh kế cộng đồng bản địa, một trong những yêu cầu bắt buộc của tín chỉ carbon có giá trị cao.

Thứ ba, những năm vừa qua, công tác trồng mới và phục hồi rừng tuy vẫn còn bất cập nhưng đã được cải thiện đáng kể. Khả năng giám sát khí thải nhà kính cũng được nâng cao, giúp hạn chế chi phí theo dõi, thẩm định tín chỉ carbon cho nhà đầu tư.

Thứ tư, ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng tham vọng giảm phát thải khí nhà kính.

Rừng là nguồn tín chỉ carbon có giá trị cao

Tuy nhiên, việc triển khai dự án trồng mới, phục hồi và nâng cao khả năng hấp thụ carbon của rừng để tạo ra tín chỉ carbon tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản cần được giải quyết.

Đầu tiên phải kể đến là việc chưa có quy định rõ ràng về “quyền carbon”, cụ thể là cơ chế quy định rõ ràng quyền sở hữu đối với tín chỉ carbon được tạo ra từ rừng cũng như cơ chế chia sẻ lợi ích và đánh giá các tác động của dự án.

Thứ hai, so với các quốc gia có diện tích và chất lượng rừng tương tự, Việt Nam vẫn còn yếu hơn về hệ thống giám sát, đánh giá khả năng phát thải, hấp thụ carbon.

Thứ ba, nhận thức về rừng chưa cao, nạn phá rừng vẫn còn tiếp diễn. Tại một số địa phương, rừng bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến hiện tượng hoang hóa, rất khó phục hồi.

Từ góc độ chuyên gia quốc tế về thị trường carbon, bà Thủy đưa ra một số đề xuất để Việt Nam có thể khai thác lợi ích từ thị trường mới đầy hấp dẫn này.

Đầu tiên, ưu tiên phát triển thị trường carbon rừng. Thứ hai, hợp pháp hóa quyền và cơ chế chuyển quyền carbon dựa vào sở hữu đất, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong cơ chế này.

Thứ ba, hướng tới việc tham gia cả thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon bắt buộc. Theo đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường được thành lập nhằm thực hiện hóa quy định, luật lệ về giảm phát thải tại các quốc gia, còn thị trường carbon tự nguyện được xây dựng dựa trên nhu cầu giảm phát thải phục vụ mục đích riêng của mỗi doanh nghiệp.

Thông thường, các tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường bắt buộc đều có thể giao dịch trên thị trường tự nguyện, tuy nhiên tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện chưa chắc đã giao dịch được trên thị trường bắt buộc. Chuyên gia CIFOR cho biết, xu thế chung hiện nay khi xây dựng thị trường carbon là các quốc gia đều tập trung vào loại tín chỉ có thể giao dịch trên cả 2 thị trường để tăng thanh khoản, tối ưu hóa lợi ích.

Thứ tư, kết nối với thị trường carbon quốc tế. Tuy nhiên, để kết nối được với thị trường quốc tế, nhiều cơ chế liên quan đến công cụ tài chính, công cụ kinh tế cần được đa dạng hóa và hoàn thiện.

Mặt khác, theo bà Thủy, cần có sự xác định rõ ràng vùng nào phục vụ thị trường carbon trong nước, vùng nào phục vụ thị trường quốc tế. Đây là điều đặc biệt quan trọng để hạn chế rủi ro gian lận trên thị trường carbon.

Cam kết tại COP26 mở ra những cơ hội lớn

Thứ năm, cân nhắc tới cam kết giảm phát thải của Việt Nam. Thực tế, trên thế giới có một số quốc gia như Brazil hay Peru, dù có diện tích rừng rất lớn nhưng đã từ chối tham gia thị trường carbon quốc tế, bởi muốn “để dành” hạn ngạch phát thải phục vụ cho doanh nghiệp trong nước.

Cuối cùng, chính sách liên quan đến quyền carbon cần phải đảm bảo cả 2 yếu tố là “quyền” và “nghĩa vụ”. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đã ban hành các công cụ phục vụ thị trường carbon nhưng chỉ nhấn mạnh về “quyền” mà không có “trách nhiệm”.

Vị chuyên gia nhận định, khi quyết định giao đất cho doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân để xây dựng dự án giảm phát thải, bên cạnh quyền được bán tín chỉ carbon, những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ấy phải chịu trách nhiệm nếu dự án không có hiệu quả, không giảm được phát thải hoặc tín chỉ không bán được. Nếu chính sách không đảm bảo, điều này sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý rất lớn, dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tiem-nang-cua-viet-nam-khi-tham-gia-thi-truong-carbon-gia-tri-cao-1653577562758.htm