Tiềm năng du lịch nông thôn
Thêm việc làm cho nông dân, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sự gắn kết giữa nông dân với chính mảnh đất quê hương... là những lợi ích thấy rõ từ việc phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn.
Thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, một số huyện và thành phố đã có nhiều cách tiếp cận trong việc khai thác tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn có sẵn của địa phương, xây dựng thành các chương trình du lịch đặc trưng như du lịch lịch sử - văn hóa (Khu di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên, Khu ủy Khu VI..., huyện Đạ Huoai), du lịch miệt vườn (Vườn trái cây Nam Nhi, huyện Đạ Huoai), du lịch sinh thái - văn hóa (trải nghiệm văn hóa trà, văn hóa người Mạ, huyện Bảo Lâm), du lịch tham quan sản xuất tơ lụa ở TP Bảo Lộc, du lịch trải nghiệm âm nhạc cồng chiêng tại huyện Lạc Dương, du lịch tắm suối nước nóng ở huyện Đam Rông...
Ngoài ra, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà cũng đã tận dụng những di sản văn hóa xã hội, cùng cảnh quan thiên nhiên tại địa phương để thu hút du khách đến trải nghiệm. “Qua khảo sát các tài nguyên du lịch tại địa phương, chúng tôi nhận thấy xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà) có đủ tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề... Tuy nhiên, muốn biến những tiềm năng đó thành hiện thực, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp lữ hành, sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của cộng đồng Nhân dân xã Đạ Đờn”, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn Ka Điệp chia sẻ.
Từ góc nhìn của người tổ chức tour, ông Touneh Tín - Công ty We For U - bày tỏ: “Tôi phải khẳng định rằng, du lịch nông thôn chính là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng: Đơn Dương - vựa rau lớn nhất nước, Bảo Lộc - thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam, Bảo Lâm - vùng trồng trà nguyên liệu đứng vị trí thứ nhì cả nước, Đức Trọng - nơi trồng hoa lay ơn lớn nhất Việt Nam... Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn sở hữu nhiều nguồn tài nguyên nhân văn phong phú: văn hóa, lịch sử, kiến trúc, khảo cổ, giáo dục... để hình thành những sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn đặc trưng tại các địa phương”. Theo ông Touneh Tín, việc khai thác tiềm năng du lịch nông thôn thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân, còn tạo ra những giá trị kết nối kinh tế - văn hóa - nhân văn. Quan trọng nhất, khi du lịch nông nghiệp - nông thôn phát triển, mỗi người nông dân sẽ là những “hướng dẫn viên du lịch” trên chính mảnh đất của mình, biến cảnh sắc nông thôn, lối sống và văn hóa của nông dân thành sản phẩm du lịch cho du khách trải nghiệm.
“Thời gian qua, các hoạt động du lịch nông thôn đã tạo ra “kênh” quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại chỗ. Thông qua quà tặng là những sản phẩm OCOP, địa phương một mặt giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm tại chỗ, mặt khác phát triển loại hình du lịch trải nghiệm nông sản đặc trưng của địa phương”, ông Touneh Tín cho hay. Theo ông Touneh Tín, du lịch nông nghiệp - nông thôn là loại hình du lịch mở, lấy bối cảnh nông thôn và văn hóa nông dân làm sản phẩm. Do vậy, cần phải có những khảo sát kỹ các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để xây dựng tour, tuyến phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng, tránh sản phẩm du lịch na ná nhau giữa các địa phương. Mỗi địa phương phải dựa trên tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của địa phương mình để tạo ra những sản phẩm du lịch riêng biệt thực sự hút du khách.
Từ thực tiễn du lịch nông thôn ở Lâm Đồng cho thấy, việc kết nối giữa các địa phương cũng rất cần thiết. Bên cạnh việc thể hiện được tính đa dạng về cảnh quan, kinh tế, lịch sử, văn hóa của mỗi điểm đến trên đất Lâm Đồng, việc kết nối giữa các địa phương còn tăng thêm tính trải nghiệm cho du khách, giúp du khách thấy các tài nguyên tự nhiên và nhân văn ở vùng nông thôn tỉnh Lâm Đồng thật phong phú.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202501/tiem-nang-du-lich-nong-thon-8a16411/