Tiềm năng phát triển du lịch ở Bạch Thông

Huyện Bạch Thông có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng hấp dẫn. Nếu được đầu tư bài bản, ngành “công nghiệp không khói” của địa phương sẽ có triển vọng phát triển trong tương lai.

Nét đẹp miền sơn cước tại xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Nét đẹp miền sơn cước tại xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Nằm uốn mình bên dòng sông Cầu hiền hòa, bản người Dao Phiêng An (xã Quang Thuận) bình yên và thơ mộng, cộng với nét văn hóa truyền thống đặc sắc là những điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến thôn Phiêng An, ấn tượng đầu tiên là những vườn ổi quanh năm sai trĩu quả xen lẫn với màu xanh của những vạt chè diện tích gần 15ha. Hai bên trục đường chính của thôn là các bụi hoa hồng, hoa cúc đua nhau nở rộ. Các loại cây ăn quả ở đây chủ yếu là ổi, cam, quýt, bưởi được chăm sóc theo tiêu chí sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm, đặc biệt là quả ổi ngon, ngọt nhiều người ưa chuộng. Được chính quyền ủng hộ và tuyên truyền vận động, người dân trong thôn tích cực chỉnh trang khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống, tăng nguồn thu nhập.

Cách thị trấn Phủ Thông không xa là khu thác nước Vằng Áng, xã Vi Hương. Cứ mỗi dịp hè, rất nhiều bạn trẻ đến đây để khám phá, trải nghiệm. Điều mà mọi người ưa thích chính là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với các tầng thác nước từ đỉnh núi Phja Boóc nối nhau chảy xuống, mang theo dòng nước mát trong lành, các bãi tắm lớn nhỏ, xen kẽ những hòn đá mồ côi. Với vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, Vằng Áng thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá thiên nhiên.

Ngoài ra, Bạch Thông còn có điểm du lịch sinh thái mang vẻ đẹp tự nhiên nhưng chưa được khai phá như bãi đá ở thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong nằm trên dải suối Nặm Cắt.

Tiềm năng về lịch sử, văn hóa, huyện Bạch Thông có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia là Di tích Đồn Phủ Thông và Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng. Nằm cạnh Quốc lộ 3, Di tích lịch sử Nà Tu chính là nơi Bác Hồ tặng thanh niên xung phong 04 câu thơ bất hủ vào năm 1951. Điểm di tích này đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng, ý chí cho các thế hệ thanh niên phấn đấu, vươn lên. Năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Nà Tu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Để xứng tầm với quy mô cũng như giá trị lịch sử, năm 2016 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng khu Di tích lịch sử Nà Tu để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Trong đó, xây mới và nâng cấp một số hạng mục gồm: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, nhà cắm trại, hệ thống sân vườn, hàng rào và tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong..., tổng diện tích được mở rộng lên đến 11.000m2. Việc hoàn thành công trình này là rất cần thiết để định hình, thu hút phát triển du lịch giai đoạn hiện nay.

Cách thị trấn Phủ Thông 300m, nằm trên điểm giao nhau giữa Quốc lộ 3 với đường tỉnh 258, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng nước nhà, nơi quân đội ta đã có trận đánh công kiên, phá tan cứ điểm quan trọng của địch, phá bỏ âm mưu tiến công lên Tây Bắc của địch. Di tích Đồn Phủ Thông ngày nay đã được tôn tạo, sửa chữa trên nền diện tích 5.000m2. Đối diện với Đồn là Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. Năm 1996, nơi đây được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, công trình gồm nhà truyền thống, bia đá di tích, cây xanh, cây cảnh, 02 công trình ghi tên liệt sĩ.

Trên địa bàn huyện Bạch Thông còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử Khau Cưởm, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Văn Lường, xã Quân Hà. Ngoài ra, huyện còn có Lễ hội Lồng tồng Hà Vị tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng và Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm.

Đồng chí Đồng Văn Lưu- Bí thư Huyện ủy Bạch Thông cho biết: “Với những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa, truyền thống lịch sử, Bạch Thông có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Huyện xác định cần xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù; hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Kêu gọi hỗ trợ nguồn lực để khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nơi họ sinh sống”./.

X.N

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/tin-noi-bat/202107/tiem-nang-phat-trien-du-lich-o-bach-thong-f6d6d29/