Trong hành trình đi tìm hương vị phở Bắc tại Sài Gòn, chúng tôi đến thăm tiệm Phú Gia nằm khiêm nhường trên con phố không quá tấp nập Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM). Hàng phở này vẫn ngày ngày đón hàng trăm thực khách ghé thăm.
Phở Phú Gia mở cửa từ 6h đến 10h và từ 17h đến 22h. Dịp cuối tuần, thực khách từ nhiều nơi cùng chen nhau trong không gian gần 300 m2 để tự thưởng cho mình tô phở đặc biệt không thể tìm thấy ở nơi nào khác tại Sài Gòn.
Cũng vì lượng khách hàng đến quán vào dịp cuối tuần quá đông, nên toàn thể nhân viên của quán phải làm việc trong không khí khẩn trương, gấp rút, kéo dài suốt cả buổi sáng.
Nổi tiếng nhất ở Phú Gia có lẽ là phở bò tái lăn. Dưới cái nắng gắt của Sài Gòn, chảo thịt bò lửa to trở thành điểm thu hút thú vị. Khách qua đường cũng ấn tượng với chảo thịt bò phi tỏi thơm nức ngay trước quán.
Trước khi cho thịt bò vào xào lăn, người đứng bếp phải phi tỏi cho đến khi chín già, trong cái nóng của chảo dầu sôi sùng sục. Bởi vậy, thực khách khó tính nhất cũng phải nức lời khen ngợi về vị đặc biệt.
Phở ở Phú Gia không hề có tương đen hay rau, giá như thường thấy ở các tiệm phở Sài Gòn. Ăn kèm với phở chỉ có chanh, tỏi ngâm giấm, tương ớt và quẩy chiên giòn tùy ý. Gần 30 năm kinh doanh, Phú Gia vẫn "bảo thủ" giữ nguyên hương vị phở Hà Nội, chỉ thêm hành tây dậy mùi.
Bên trên tô phở là rất nhiều hành tây và hành lá chẻ dài. Người sành ăn còn gọi thêm một chén hành, vắt thêm ít chanh. “Tôi chỉ tập trung thưởng thức phở thay vì để các loại rau làm pha lẫn mùi vị”, một vị khách lớn tuổi chia sẻ.
Cái "bảo thủ" của Phú Gia còn nằm ở nước dùng giữ nguyên vị phở miền Bắc. Nồi nước dùng trong veo lúc nào cũng sôi sục và tỏa khói. Chén trứng thả nổi trong nồi, khi vớt lên được chan thêm ít nước dùng là món ăn kèm hấp dẫn ở Phú Gia. Mỗi tô phở ở đây có giá khoảng 65.000-70.000 đồng, tô đặc biệt với đầy đủ các loại thịt bò được bán với giá 90.000 đồng, có phần cao hơn nhiều tiệm phở khác.
“Năm 1997, bố mẹ tôi từ Bắc vào đây sinh sống, mở quán phở Phú Gia ở quận 5. Đến đầu năm 2000, quán chuyển sang Lý Chính Thắng và từ bấy đến giờ chúng tôi gần như không sửa sang thay đổi gì, chỉ mở rộng để đón tiếp nhiều khách hơn”, anh Trung - chủ quán chia sẻ. Theo lời kể, Phú Gia có truyền thống 3 đời từ thời ông nội anh Trung.
Bởi thế mà thực khách ở đây đa phần là khách quen trung thành. Có người ăn phở Phú Gia suốt 15 năm từ khi còn là sinh viên cho đến lúc "tay bồng tay bế". Cũng có người Sài Gòn 4 năm qua luôn coi Phú Gia là địa chỉ ăn sáng quen thuộc. Nhân viên và thực khách quen biết lâu năm, mỗi dịp gặp nhau lại cùng trò chuyện thân tình. Có khi khách chưa kịp dừng xe, nhân viên đã gọi tên được món phở họ sắp gọi.
Hiện tại, Phú Gia có 3 căn nhà cạnh nhau với tổng diện tích phục vụ khách gần 300 m2. Tuy vậy, không gian quán vẫn khá chật chội so với lượng khách ghé thăm hàng ngày. Điều này có thể khiến có nhiều thực khách không thoải mái. Ngoài phở, quán vẫn phục vụ thêm xôi xéo vào buổi sáng. Xôi xéo của người Hà Nội với thịt và pate gan ngỗng được lấy trực tiếp từ trang trại gia đình anh ở Đồng Nai.
Tuy nhiên, một điểm trừ lớn ở Phú Gia là thu phí gửi xe của khách hàng. "3.000 đồng không đáng là bao, nhưng nếu quán tăng giá phở lên 68.000 đồng mà gửi xe miễn phí chắc chắn khách sẽ hài lòng hơn", một khách hàng cho biết.
Liêu Lãm - Lan Anh