Người phụ nữ Ê Đê nỗ lực phát triển nghề truyền thống
Đôi chân khuyết tật khiến việc đi lại khó khăn nhưng không vì thế mà chị H Yar Kbuôr (buôn Kla, xã Drai Sáp, Krông Ana, Đắk Lắk) chịu buông xuôi, chấp nhận số phận. Thay vào đó, chị đã nỗ lực vươn lên, tích cực làm kinh tế, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.
Những ngày cuối năm, chị H Yar Kbuôr (sinh năm 1965, dân tộc Êđê) bận rộn bên khung dệt với những đơn hàng chờ giao. Chị H Yar Kbuôr cho biết, từ khi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2021 với đề án "Dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống", khách hàng biết và tìm đến chị ngày càng nhiều hơn. Các đơn hàng không còn chỉ là những mẫu váy áo truyền thống mà đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm mới như túi đeo, giỏ xách, dây thắt lưng, vòng đeo tay, túi đựng điện thoại,…
Để kịp đơn hàng giao cho khách, các thành viên trong tổ dệt phải tăng tốc công việc. Điều này góp phần tạo thêm thu nhập cho các chị em, đồng thời tiếp tục phát huy nghề dệt truyền thống của phụ nữ Ê Đê.
Kể về quá trình gắn bó với khung dệt, chị H Yar nhớ lại, khi còn nhỏ, một bên chân bị ảnh hưởng sau trận sốt bại liệt khiến teo cơ, đi lại khó khăn Chị không theo cha mẹ lên rẫy mà ở nhà quanh quẩn tự đọc sách, học chữ rồi theo dõi các bà, các mẹ dệt vải. Những đường hoa văn trên tấm thổ cẩm thu hút sự quan tâm của chị, lúc ấy mới 10 tuổi. Chị tự quan sát, chăm chú xem cách bà và mẹ làm ra từng loại hoa văn rồi tập tành dệt cho đến khi thành thạo.
Thấy con gái yêu thích khung dệt, mẹ chị H Yar luôn động viên và hướng dẫn, giảng giải cho con gái về cách phối màu, tạo hoa văn. Thậm chí những kỹ thuật khó như Kteh, chị cũng được mẹ hướng dẫn từng chút một.
Khi lớn hơn một chút, chị H Yar lại xin mẹ đi học thêm nghề may và mua một chiếc máy may để tự may vá trang phục cá nhân. Dần dà, nhiều người quen đưa đồ đến sửa, đặt may đồng phục cho học sinh và cả những bộ trang phục đi tiệc, đồ công sở. Cứ thế, tiệm may nhỏ của chị H Yar dần được những người trong buôn rồi trong vùng biết đến và tìm đến may đồ. Tiếng lành đồn xa, ai cùng biết chị H Yar khéo tay, may vá giỏi lại biết dệt thổ cẩm và dệt rất đẹp.
Dù đi lại khó khăn nhưng chị H Yar vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Mỗi khi có các cuộc thi do xã, huyện tổ chức, chị đều đăng ký tham gia dệt thổ cẩm và giành nhiều giải cao. Chị còn đi truyền dạy nghề dệt tại các lớp do Hội LHPN mở, thậm chí còn được mời đi dạy ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk).
Chị H Yar cũng là một trong số ít người biết nhiều loại họa tiết cổ của người Ê Đê, và tự tay dệt được các họa tiết rất sắc sảo. Một số kỹ thuật khó của nghề dệt cũng được chị thực hiện một cách nhuần nhuyễn. "Tuy chân tay không lành lặn như người bình thường nhưng nỗ lực của chị H Yar rất phi thường. Chị không nề hà việc gì, không ỷ lại vào người khác mà tự lao động bằng công sức của bản thân" - chị H Mên Apuôr, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Drai Sáp, huyện Krông Ana chia sẻ.
Lợi thế biết nghề may, lại dệt đẹp, chị H Yar có thể tự làm được nhiều sản phẩm khác nhau như: váy, áo, chăn, địu, giỏ xách bằng vải thổ cẩm hay váy áo cách tân đắp hoa văn thổ cẩm lên vải thun, vải umi. Chị còn tự mày mò, thiết kế dây nịt, vòng tay bằng vải thổ cẩm để tạo sự phong phú cho sản phẩm bán ra.
Nhờ đó, tiệm may nhỏ của chị ngày càng đông khách. Nhất là khi tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức, từ chỗ không nói sõi tiếng Việt, không quen nói chuyện trước đám đông, với sự hỗ trợ từ các cấp Hội Phụ nữ, chị dần tự tin, mạnh dạn diễn đạt ý tưởng của mình, tiếp nhận thêm nhiều ý kiến góp ý từ ban giám khảo và hội đồng tư vấn để hoàn thiện hơn các sản phẩm.
Lần lượt vượt qua từng vòng loại để đến với vòng chung kết, chị H Yar đã thể hiện được ý tưởng, suy nghĩ, mong muốn để đưa sản phẩm mang bản sắc văn hóa của dân tộc đến với thị trường và ổn định trong quá trình phát triển sau này.
Giải khuyến khích với tên gọi "ươm mầm" từ Cuộc thi giúp công việc của chị có nhiều hướng phát triển mới. Chị đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của hội đồng tư vấn. Đó là chiếc máy may và máy vắt sổ mới, những đơn hàng mới, thị trường tiêu thụ dần rộng hơn, vượt ra khỏi phạm vi buôn làng quanh đó, trở thành quà lưu niệm bày bán tại cửa hàng hay các điểm tham quan du lịch trong tỉnh.
Chị H Yar tâm sự, công việc hiện tại đem lại cho chị thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và chăm lo cho các con. Đối với chị, dệt thổ cẩm là sự đam mê tiếp nối truyền thống của bà và mẹ. Công việc này đem lại cho chị nhiều niềm vui, động lực.
Trước đây, chị từng trăn trở về sự mai một của nghề dệt khi mà xung quanh chị không còn nhiều người biết dệt hay còn đam mê lưu giữ nghề dệt. Chính vì thế, chị luôn cố gắng tham gia các hoạt động giới thiệu, truyền dạy nghề do Hội LHPN tổ chức. Bản thân chị cũng mong muốn sẽ có những cộng sự để cùng phát triển. Chị sẵn sàng san sẻ đơn hàng, hướng dẫn công việc nếu các chị em khác có nhu cầu và mong muốn giữ nghề.
Khi sản xuất được mở rộng, chị có điều kiện tập hợp các chị em lên ý tưởng thành lập tổ hợp tác để kết nối, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ trong buôn. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ tháng 8/2022, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla được thành lập với 18 thành viên, chị H Yar Kbuôr làm tổ trưởng. Từ đó đến nay, sắc màu trang phục thổ cẩm dần hiện diện rõ rệt hơn trong buôn làng.
Trong các dịp lễ, Tết, hội hè, ngày càng nhiều khách hàng tìm đến đặt may hay mua các sản phẩm từ thổ cẩm. Chị H Yar phấn khởi cho biết, điều này không chỉ tạo ra thu nhập tốt cho chị em trong tổ dệt thổ cẩm, mà còn góp phần gìn giữ và phát triển nghề dệt, giúp đưa các sản phẩm thổ cẩm của người Ê Đê đi xa hơn, được nhiều người biết đến và sử dụng.