Tiêm vắc-xin COVID-19: Để phát huy tối đa hiệu quả cần minh bạch, công khai!

Các chuyên gia Y tế đều khẳng định vắc-xin Covid-19 sẽ là giải pháp bền vững đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Để tạo điều kiện cho người dân tham gia tiêm chủng thì tất cả công tác liên quan phải công khai, minh bạch.

Vắc-xin - phao cứu sinh

Hiện nay, nước ta đang trong làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 với quy mô lan ra hơn 10 tỉnh, thành phố, trong đó Hải Dương, Quảng Ninh là tâm dịch. Kể từ ngày 27/1, khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Hải Dương được phát hiện, đến nay cả nước ghi nhận trên 800 ca dương tính trong cộng đồng. Các bệnh nhân ở Hải Dương, Quảng Ninh trong đợt dịch lần này đã mắc biến thể SARS–CoV-2 ở Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn vi-rút trước đây 70%. Điều này, khiến công tác dập dịch hết sức khó khăn.

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 được đánh giá nguy hiểm hơn nhiều so với đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh đó, trên thế giới nhiều quốc gia đã đưa vắc-xin Covid-19 vào tiêm chủng mở rộng. Trong nước, đợt thử nghiệm giai đoạn 1 của vắc-xin Nanocvax kết thúc, những người được tiêm đều sinh kháng thể tăng đột biến. Chính vì thế, vắc-xin Covid-19 đang mở ra hy vọng lớn có thể đẩy lùi đại dịch thế kỷ một cách nhanh chóng.

Công tác chuẩn bị tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở nước ta đang được chuẩn bị nhanh chóng để thực hiện tiêm chủng trên quy mô lớn. Ước tính trong năm 2021 để có đủ vắc xin cho người dân cần tới 150 triệu liều. Hiện nay, thực tế cam kết của COVAX dành cho Việt Nam vào 6 tháng cuối năm 2021 là 30 triệu liều và thỏa thuận của Bộ Y tế với AstraZeneca là 30 triệu liều. Các cơ quan chức năng cũng đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Công ty Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ)... để có vắc-xin cho toàn bộ người dân. Cuối tháng 2/2021, những lô vắc-xin đầu tiên sẽ được nhập vào Việt Nam - sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta.

Bên cạnh tâm trạng lạc quan, đặt niềm tin vào vắc-xin, không ít người xuất hiện tâm lý lo lắng, hoài nghi điều này có thể ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng đại trà. Đặc biệt, có nhiều thông tin liên quan đến các biến thể đột biến của vi-rút SARS-CoV-2 có thể kháng vắc xin hay những tai biến liên quan đến việc tiêm vắc-xin chưa được kiểm chứng.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của vắc-xin trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL) đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về y học. Theo đó, các chuyên gia đều đồng ý vắc-xin sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để dập dịch. Có vắc-xin, công tác chống dịch ở nước ta và trên toàn thế giới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, giúp nhân loại nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo NB&CL, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, vắc-xin là phao cứu sinh của tất cả các nước. Những vắc-xin hiện nay đưa vào tiêm đều được thử nghiệm và chứng minh có tác dụng phòng ngừa hơn 90%. Đây là minh chứng cho những giá trị mà vắc-xin mang lại trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) khẳng định: Vắc-xin sẽ giúp rút ngắn được thời gian chấm dứt dịch bệnh Covid-19. Theo phân tích của vị này, dịch Covid-19 đang rất phức tạp, khó khăn. Để dập dịch phải sử dụng tất cả các biện pháp. Những biện pháp cụ thể, làm ngay như thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế)… Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt. Còn để dập dịch bền vững, lâu dài phải có vắc-xin.

Liệu pháp vắc-xin sử dụng để tiêm vào cơ thể giúp con người tự sinh kháng thể. Đây là kháng thể chủ động do cơ thể con người sinh ra, tự chống được sự xâm nhập của vi-rút. Nhiều người trong cộng đồng tham gia tiêm chủng tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Vắc-xin là giải pháp mang tính bền vững giải quyết vấn đề không cho vi-rút SARS–CoV–2 xâm nhập vào cơ thể. Nếu không có vắc xin, để tự nhiên đến cuối năm 2021 dịch Covid-19 mới có thể dịu đi. Dịch chấm dứt vào quý II, hoặc quý III năm 2022. Nhưng có vắc-xin sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng thì dịch sẽ chấm dứt nhanh hơn rất nhiều. Có thể 3 tháng nữa hoặc chưa tới 3 tháng nữa dịch sẽ được chấm dứt.

Hiện nay Đảng, Nhà nước quyết tâm để tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân. Tôi rất mừng, nhận thấy đây là điều tuyệt vời”.

Cần minh bạch, công khai

Việc đặt kỳ vọng vào vắc-xin hoàn toàn có căn cứ khoa học. Nhưng khi có vắc-xin sẽ nảy sinh ra tâm lý chủ quan phòng dịch, điều này cũng là tác nhân khiến dịch bệnh trở nên phức tạp vì vậy các chuyên gia khuyến cáo không được lơ là mà tập trung chống dịch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí còn cho rằng, nhân loại cần vắc-xin để dập tắt dịch Covid-19 một cách bền vững và nhanh nhưng bên cạnh đó không nên duy nhất trông chờ vào vắc-xin. Liệu pháp vắc-xin mang tính bền vững nhưng câu chuyện dịch xâm nhập vào mỗi con người là ngay lập tức, ngay bây giờ, rất dữ dội nên trước mắt phải tuyệt đối tuân thủ quyết định 5K của Bộ Y tế.

Tiêm vắc-xin sẽ giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, rút ngắn thời gian dập dịch Covid-19.

Đừng trông chờ, hy vọng ngày một ngày hai vắc-xin sẽ phát huy được tác dụng tức thì. Bởi, công tác tổ chức tiêm, tiêm xong cần có thời gian sinh kháng thể, có thời gian kháng thể mới đủ nồng độ để ngăn cản được vi-rút xâm nhập vào cơ thể.

Do vậy, trước mắt người dân phải thực hiện 5K - biện pháp hữu hiệu nhất thời điểm này. Tôi mừng vì thế giới thừa nhận nước ta là một trong hai nước chống dịch tốt nhất. Tốt vì chúng ta đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhưng trong đó có biện pháp 5K”.

Hiện nay công tác tổ chức tiêm chủng đang là vấn đề người dân quan tâm. Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia đều cho rằng, Chính phủ, Bộ Y tế phải giải quyết ngay các vấn đề xác định đúng tối tượng cần tiêm để triển khai hiệu quả. Cần xác định đơn vị thay mặt Chính phủ nhập, phân phối, triển khai tổ chức tiêm chủng. Công bố thời gian, địa điểm, cách thức tiêm chủng của vắc-xin Covid-19 rõ ràng, minh bạch để người dân yên tâm, tiếp cận, ủng hộ công tác tiêm chủng. Ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Tất cả những vấn đề liên quan đến vắc-xin Covid-19 cần minh bạch, công khai. Ông cũng rất mong Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp được bỏ tiền mua vắc-xin tiêm cho cán bộ nhân viên nhằm giảm bớt gánh nặng kinh phí cho Nhà nước”.

11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19

Bộ Y tế vừa xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 - toàn cầu) hỗ trợ.

Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam bao gồm 11 nhóm đối tượng, cụ thể: Nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, lực lượng quân đội, lực lượng công an, giáo viên, người trên 65 tuổi, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước, người mắc các bệnh mãn tính, người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiem-vac-xin-covid-19-de-phat-huy-toi-da-hieu-qua-can-minh-bach-cong-khai-post120511.html