Tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi là giải pháp tối ưu để chủ động bảo vệ đàn heo
Ngày 20-12, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tập huấn phòng, chống dịch bệnh động vật với chủ đề 'Thông tin xoay quanh về vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP)'.
Theo Chi cục CN&TY, cùng với các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học, vắc xin vẫn là giải pháp tối ưu để chủ động bảo vệ đàn heo trước bệnh DTHCP.
Trong khuôn khổ hội nghị, 4 nhà gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà chăn nuôi có những chia sẻ, ý kiến xoay quanh vắc xin phòng bệnh DTHCP.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục CN&TY cho biết, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, cùng với biến động bất lợi về giá cả vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi, bệnh DTHCP đã và đang tác động tiêu cực đến ngành Chăn nuôi heo trong từng thời điểm qua các năm.
Điều này gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ngân sách của Nhà nước.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, DTHCP đã xảy ra ở 42 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng số 727 ổ dịch. Tổng số heo chết, tiêu hủy là 35.118 con.
Hiện nay, diễn biến DTHCP ngày càng phức tạp, làm giá heo liên tục giảm. Nhằm định hướng kiểm soát hiệu quả DTHCP để phát triển chăn nuôi heo bền vững, nhiều công trình khoa học công nghệ đã được nghiên cứu, đặc biệt là sản xuất vắc xin DTHCP thương mại.
Ở Việt Nam, hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh DTHCP là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành trên phạm vi cả nước.
Để trở thành vắc xin DTHCP thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y 40 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng giám sát.
Kết quả đã có hơn 650.000 liều vắc xin DTHCP được sử dụng, đạt chất lượng đạt 100%. Heo sau tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Có 2 quốc gia đã sử dụng vắc xin DTHCP Việt Nam gồm: Vắc xin NAVET-ASFVAC đã được sử dụng để tiêm cho các đàn heo tại Cộng hòa Dominica; vắc xin AVAC ASF LIVE đã được sử dụng để tiêm cho các đàn heo tại Philippines.
Bộ Nông nghiệp của 2 quốc gia này đều công bố kết quả đánh giá vắc xin đạt an toàn. 100% heo được tiêm vắc xin phòng bệnh DTHCP đều có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể.
Ở Tiền Giang, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Chi cục CN&TY đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI và chính quyền địa phương các cấp tổ chức tiêm phòng giám sát vắc xin NAVET-ASFVAC cho 7 đàn heo tại 4 cơ sở chăn nuôi của 3 đơn vị huyện (Chợ Gạo, Gò Công Tây và TX. Cai Lậy) với 1.430 liều.
Kết quả cho thấy, heo sau 28 ngày tiêm phòng vắc xin phòng bệnh DTHCP đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt 100%.
Theo thông tin từ các cửa hàng thuốc thú y của tỉnh, có 103 hộ chăn nuôi heo đã sử dụng vắc xin DTHCP cho đàn heo với tổng số trên 10.000 liều. Tính đến thời điểm này, đàn heo sau khi tiêm các loại vắc xin trên đều ổn định và phát triển bình thường.
Đặc biệt, tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (xã đã công bố dịch DTHCP ngày 13-11-2023), có 6 hộ với 257 con heo sau 28 ngày tiêm vắc xin đều được bảo hộ đối với bệnh DTHCP.
Số heo còn lại của 6 hộ không tiêm vắc xin (do không thuộc nhóm heo khuyến cáo tiêm phòng) đều bị mắc bệnh và đốt hủy trong đợt dịch này.
Điều này đã xác định, nếu heo sau 28 tiêm vắc xin thì sẽ được bảo hộ đối với bệnh DTHCP.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho biết thêm: “Trong khuôn khổ lớp tập huấn hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội chia sẻ với các báo cáo viên và diễn giả để hiểu một cách khoa học về sử dụng vắc xin đúng nguyên lý.
Đây chính là chìa khóa vàng mở ra mọi cánh cửa thành công của giải pháp phòng ngừa và kiểm soát DTHCP ở Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng”.