Tiền công đức trích cho Ban Quản lý di tích Yên Tử chỉ 320 triệu đồng năm 2024
Năm 2024, tổng số tiền công đức của Yên Tử là khoảng 8 tỉ đồng. Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử được trích lại 320 triệu đồng
Ngày 20-2, thông tin từ Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) cho biết năm 2024, tổng số tiền công đức được trích lại cho Ban Quản lý khoảng 320 triệu đồng.

Du khách hành hương lên chùa Đồng, Yên Tử
Con số này thấp hơn nhiều so với những năm trước và khiến không ít người ngạc nhiên bởi lượng khách, tăng ni, phật tử hành hương đến Yên Tử rất đông.
Trước thông tin gây băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết số lượng người dân ghi công đức ngày càng giảm trong khi tỉ lệ trích tiền công đức vẫn giữ nguyên như lâu nay: 4% cho Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, 96% còn lại thuộc về nhà chùa.
Năm 2024, tổng số tiền công đức của Yên Tử là khoảng 8 tỉ đồng. Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử được trích lại tỉ lệ 4%, khoảng 320 triệu đồng.
Theo thống kê, số tiền công đức tại Yên Tử năm cao nhất được trên 30 tỉ đồng. Với mức 4% trích lại, mỗi năm, Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhận được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chùa dọc đường hành hương lên chùa Đồng Yên Tử, tại mỗi chùa chỉ có một hòm và bàn ghi công đức nhưng lượng người ghi công đức khá ít so với những người đặt tiền trên các ban thờ, tượng, trên mâm lễ và các hòm công đức khác, mà tiền này thường được gọi là tiền giọt dầu.
Không ít người vẫn cho rằng tất cả số tiền được người dân, tăng ni, phật tử cho vào hòm công đức hay đặt trên các ban thờ… ở Yên Tử đều được đưa về một mối.
Tuy nhiên, thực tế, Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử chỉ biết được tổng số tiền trong hòm công đức; còn tiền giọt dầu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của nhà chùa, mà khoản này cũng rất lớn.
Đối với tiền công đức, UBND TP Uông Bí lập ra một hội đồng để quản lý, giám sát, gồm các đại diện của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Ban Quản lý dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa), Công an TP Uông Bí, Phòng tài chính kế hoạch TP Uông Bí. Sau khi kiểm đếm, tiền công đức mới được phân bổ theo tỉ lệ: 96% cho nhà chùa, 4% còn lại thuộc về Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.
Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh cho biết tiền giọt dầu không phải thực hiện theo Thông tư 04, ngày 19-3-2023 của Bộ Tài chính nên cơ quan chức năng cũng không nắm được con số.
Theo Thông tư 04, các cơ sở tôn giáo - di tích chỉ báo cáo về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; Không phải báo cáo về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức cho hoạt động tôn giáo.
Trong khi đó, "hoạt động tôn giáo" theo khoản 10 và khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 được hiểu là bao gồm hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Trong đó, sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Như vậy, các loại tiền như cúng lễ, cầu an, cầu siêu, giọt dầu, cúng dường cho nhà tu hành… không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 04 và không thuộc đối tượng, phạm vi phải báo cáo theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.