Tiến độ thực hiện còn chậm

Sau 6 tháng triển khai Quyết định 23 về đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động từ nguồn vốn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tới nay có hàng nghìn lao động đã được hỗ trợ đào tạo. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đã có 13 đơn vị trong cả nước được hỗ trợ đào tạo

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ dành hơn 4.500 tỷ đồng để hỗ trợ tái đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Tái đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc.

Để triển khai hoạt động này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ban hành 7 văn bản hướng dẫn triển khai chính sách cho các địa phương, cơ sở. Cùng với đó, tổ chức 5 hội nghị quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc triển khai chính sách với các địa phương, cơ sở. Tổ chức làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI để triển khai thực hiện chính sách. Các địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện chính sách và triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ, Tổng cục cho người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để triển khai thực hiện.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục GDNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2021 đã có 13 đơn vị trong cả nước được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

Dẫn đầu trong công tác chi hỗ trợ tái đào tạo lao động trong cả nước là Thái Bình. Tới hết tháng 11/2021, tỉnh đã phê duyệt đào tạo cho 606 lao động tại Công ty CP Trung tâm thương mại và sản xuất công nghệ cao Hưng Hà (thuộc Tổng công ty May 10) với số tiền hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Nguyên (lao động tại Công ty CP Trung tâm thương mại và sản xuất công nghệ cao Hưng Hà) là một trong nhiều lao động được tái đào tạo nghề cho biết: "Nhờ được đào tạo lại nghề mà tôi nắm bắt thêm được nhiều kiến thức, kỹ thuật mới trong dây chuyền may. Vì thế năng suất lao động cũng gia tăng, giảm nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất". Sau học nghề anh Nguyên cùng các lao động của công ty còn được cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo nghề.

Theo báo cáo của các địa phương, cuối tháng 11/2021 có 35 doanh nghiệp đã được xác nhận BHTN và đang xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động với gần 4.000 lao động.

Còn gặp nhiều vướng mắc

Mặc dù nguồn kinh phí từ quỹ BHTN phục vụ cho việc tái đào tạo nghề khá dồi dào, nhưng thực tế công tác triển khai lại gặp phải nhiều vướng mắc vì vậy tiến độ còn chậm.

Ông Đào Trọng Độ cho biết, qua làm việc một số doanh nghiệp khi kiểm tra tại địa phương cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ chính sách, nên e ngại và chưa quan tâm đến chính sách. Bên cạnh đó, cơ sở GDNN chưa chủ động trong việc tiếp cận với doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

"Do tình hình dịch bệnh từ tháng 7/2021 đến nay diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; doanh nghiệp phải dừng hoặc thu hẹp sản xuất nên việc hoàn thiện hồ sơ, triển khai chính sách khó khăn. Khi tình hình giãn cách được nới lỏng thì các doanh nghiệp bắt tay vào khôi phục sản xuất, hoàn thành các đơn hàng nợ đọng, vì thế không có thời gian cho lao động nghỉ để đào tạo"- ông Độ nói.

Đó là chưa kể tới việc một bộ phận doanh nghiệp hiểu lầm phải đáp ứng "điều kiện thay đổi về cơ cấu công nghệ" mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, còn tình trạng doanh nghiệp ngại làm hồ sơ; tình trạng lao động bỏ về quê, doanh nghiệp vắng lao động không đảm bảo yếu tố để đào tạo...

Ông Độ cho biết thêm, về việc này Tổng cục GDNN đã chỉ đạo Sở LĐTBXH, cơ sở GDNN đẩy mạnh tuyên truyền cho người sử dụng lao động và chủ động phối hợp trong triển khai thực hiện. Do vậy, hiện đã có nhiều tín hiệu tích cực từ các địa phương.

Để gỡ bỏ những khó khăn, rào cản tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tái đào tạo nghề cho lao động, Tổng cục GDNN tiếp tục yêu cầu các cơ sở GDNN chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

"Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, nắm bắt nhu cầu của các lao động và doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Phương châm chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với với các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh hoặc ít bị ảnh hưởng thì đào tạo ngay và xem xét cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động sau đào tạo"- ông Độ nói.

Một số địa phương đã phê duyệt hỗ trợ đào tạo việc làm

Tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt hỗ trợ 2 doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 319,5 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Bình phê duyệt hỗ trợ cho 1 doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 252 triệu đồng.

Tỉnh Lạng Sơn phê duyệt hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 426 triệu đồng.

Tỉnh Cao Bằng hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp (kết hợp để mở lớp đào tạo) cho 28 lao động với kinh phí 151,5 triệu đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh, phê duyệt hỗ trợ cho 1 doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 122,5 triệu đồng.

Tỉnh An Giang phê duyệt hỗ trợ 2 doanh nghiệp, tổng kinh phí 1 tỷ 485 triệu đồng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-do-thuc-hien-con-cham-97041.html