Tiền Giang: Ai 'chống lưng' cho nhiều bãi vật liệu xây dựng hoạt động gây ảnh hưởng cộng đồng?
Nhiều bãi vật liệu xây dụng lấn chiếm hành lang đường bộ và đường thủy, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông tồn tại nhiều năm nay vẫn không được chính quyền xử lý, dù người dân đã có đơn khiếu nại, tố cáo.
Nhiều năm qua, các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng tại ấp 4, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hoạt động lấn chiếm hành lang đường thủy, đường bộ gây cản trở, kém an giao thông; đồng thời phát sinh khói bụi làm ô nhiễm môi trường, đảo lộn cuộc sống của khu dân cư.
Nhiều người dân bức xúc, gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên cơ quan chức năng và chính quyền.
Người dân bức xúc hơn khi nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các ngành, các cấp trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.
Bà Lê Thị Phượng, ở ấp 5, xã Tân Lập cho biết: đã 7 năm qua sống chung khói bụi do xe tải của Công ty Đại Phước Thành ra vào các bãi cát đá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và sức khỏe. Theo bà Phượng, hơn 5 năm qua bà đã liên tục vác đơn đến “gõ cửa” các ngành chức năng và UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị xử lý nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Cùng chung bức xúc, chị Lê Thị Hà ở ấp 4, xã Tân Lập 1 than thở, “ở đây khói bụi, rồi ô nhiễm môi trường, đường thì lầy lội, cần cẩu quơ ngang lộ chúng tôi đi rất nguy hiểm. Chúng tôi yêu cầu di dời bãi cát, đá đi nơi khác trả lại hiện trường ban đầu cho người dân có cuộc sống bình yên”.
Trên bờ, mặt đường dân sinh bị xe ben trọng tải lớn cày xới nát.
Ghi nhận của phóng viên, trên đoạn đường chỉ hơn 500m bên bờ kênh Năng, xã Tân Lập 1, có 4 doanh nghiệp lập bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Đáng lưu ý là bãi vật liệu của Công ty TNHH Đại Phước Thành, có quy mô lớn nhất bất chấp luật pháp và ý kiến người dân vô tư cho tàu neo đậu, lên xuống cát gây ảnh hưởng trầm trọng đến khu dân cư.
Mỗi ngày, nơi đây có hơn 10 sà lan có trọng tải hàng trăm tấn neo đậu bốc xếp cát đá lên bãi; hàng trăm lượt xe tải ra vào vận chuyển vật liệu xây dựng đi các nơi.
Dưới nước, các xà lan lấn chiếm hết mặt kênh.
Tuyến đường bờ Đông kênh Năng dùng để phục vụ đi lại của người dân nay đã bị các đống cát “khủng” lấn chiếm gây cản trở lưu thông, sau những cơn mưa mặt đường lầy lội, thường gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt khi bốc xếp hàng hóa, các cây cần cẩu quơ ngang mặt đường kém an toàn cho người qua lại. Riêng đoạn kênh Năng khu vực này, sà lan thường xuyên neo đậu, nằm ngang dọc, bất ổn về giao thông đường thủy.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước thừa nhận: đã biết các bãi vật liệu xây dựng này từ lâu gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người dân lân cận. Mới đây, UBND xã đã cử đoàn đến kiểm tra và lập biên bản 3/4 bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy bộ; yêu cầu các doanh nghiệp này phải khắc phục hiện trạng. Nếu tái phạm sẽ đề nghị cấp trên xử lý.
Nhiều lần người dân lên tỉnh phản ánh bức xúc.
Được biết, về việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy bộ, gây khói bụi, gây tiếng ồn do các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã 3 lần tổ chức họp với các ngành và chính quyền địa phương để giải quyết nhưng đến nay vẫn tái vi phạm. Theo chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang là sẽ quy hoạch địa điểm khác để cho các doanh nghiệp di dời bến bãi này.
Tuy nhiên, trong khi chờ di dời thì hàng ngày người dân phải chịu đựng cảnh tra tấn do bụi bẩn ở các bãi tập kết gây ra. Đặc biệt, gần với các bãi vật liệu xây dựng còn có Trường Tiểu học xã Tân Lập 1 vừa mới xây dựng, đưa vào hoạt động nên gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhà trường, sức khỏe các em học sinh.
Điều càng làm cho người dân bức xúc khi mới đây ông Phan Vĩnh Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang tiếp tục ký cho phép các doanh nghiệp này cho sà lan neo đậu tạm đến giữa năm 2021.
Giải thích về việc này ông Thanh cho rằng, do có tờ trình của chính quyền địa phương và nhu cầu của các doanh nghiệp; đồng thời cấp phép neo đậu để đảm bản an toàn giao thông (!)
Người dân không hiểu sao, Sở GTVT Tiền Giang vẫn cấp giấy phép neo đậu tạm cho các phương tiện gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Phan Vĩnh Thanh, trước đây Sở ngưng cấp phép bến thủy nội địa đối với tất cả các doanh nghiệp này nhưng họ vẫn ngang nhiên hoạt động. Đúng ra chính quyền địa phương phải cưỡng chế nhưng họ làm chưa được. Trước phản ánh của người dân, Sở sẽ chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành tiến hành kiểm tra nếu các bến bãi này không đảm bảo an toàn sẽ rút giấy phép neo đậu tạm.
Trước thực trạng trên, người dân địa phương đang đặt nhiều dấu hỏi, liệu không có sự 'bảo kê' của chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang thì các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng coi thường pháp luật và sức khỏe người dân có còn tồn tại?