Tiền Giang chấm điểm các sở, ngành, địa phương

Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương thông qua các chỉ số đo lường, đánh giá cụ thể. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Tiền Giang nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tập trung cải cách hành chính là bước đi quan trọng mà Tiền Giang đã và đang theo đuổi trong nhiều năm qua. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, ngày 6-10-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể hóa chủ trương này, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc chấm điểm các sở, ngành, địa phương thông qua việc triển khai thực hiện Kế hoạch đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và địa phương (gọi tắt là DDCI). Năm 2022 là năm đầu tiên Tiền Giang bắt đầu triển khai thực hiện chỉ số này.

Tiền Giang quyết tâm cải cách hành chính nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Ảnh: VĂN THẢO.

Tiền Giang quyết tâm cải cách hành chính nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Ảnh: VĂN THẢO.

Thông qua DDCI, Tiền Giang muốn hướng đến việc khảo sát ý kiến, nhận xét, đánh giá, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) về công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, Tiền Giang cũng mong muốn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, thi đua giữa các sở, ban, ngành tỉnh và giữa UBND các huyện, thành phố, thị xã để nâng cao chất lượng điều hành phát triển kinh tế và phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua DDCI, sẽ đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

Trong những năm gần đây, bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được xây dựng, lựa chọn phù hợp với bộ Chỉ số PCI, có tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Tiền Giang; đồng thời, có kế thừa các chỉ số đã được thực hiện trước đó để có thể đánh giá, so sánh được sự biến động theo thời gian. Một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra là các nội dung khảo sát, đánh giá DDCI phải phản ánh được những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm, liên quan đến kết quả xử lý thủ tục hành chính, năng lực và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trong phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời, phản ánh khách quan tình hình hoạt động, cũng như những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tiền Giang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: VĂN THẢO.

Tiền Giang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: VĂN THẢO.

Tiếp nối thành công, năm 2024, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 ban hành tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 11-1-2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành 19 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện đối với các sở, ngành và UBND cấp huyện, gồm: 7 kế hoạch, 3 quyết định, 2 thông báo, 7 công văn. Ngày 22-2-2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo kết quả đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện năm 2023, Sở Tài chính đứng đầu nhóm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 102,27 điểm; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang đứng đầu nhóm các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh với 103,75 điểm; huyện Cai Lậy đứng đầu các địa phương trong tỉnh với 98,48 điểm. Đây là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương đánh giá lại hoạt động và nỗ lực hơn nữa trong lãnh đạo, điều hành thời gian tới.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngày 5-12-2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 467/KH-UBND triển khai đánh giá DDCI năm 2024 của tỉnh Tiền Giang. Bộ Chỉ số thành phần đánh giá DDCI tỉnh Tiền Giang năm 2024 có cấu trúc tương tự với bộ Chỉ số PCI và điều chỉnh phù hợp với công tác quản lý của chính quyền tỉnh Tiền Giang, gồm các chỉ số thành phần sau: Chi phí gia nhập thị trường; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong; Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp cận đất đai. Cụ thể sẽ có Chỉ số thành phần DDCI của khối sở, ban, ngành tỉnh gồm 8 chỉ số và Chỉ số thành phần DDCI của khối địa phương gồm 9 chỉ số. Theo kế hoạch, sẽ có 3.000 doanh nghiệp được khảo sát; trong đó, có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đánh giá khối địa phương; 1.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đánh giá khối sở, ban, ngành tỉnh; 500 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đánh giá cho cả hai khối. Kết quả khảo sát, đánh giá DDCI được tổng hợp, phân tích, đảm bảo chính xác, đầy đủ, khách quan và minh bạch; bảo mật thông tin kết quả xếp hạng DDCI cho đến thời điểm UBND tỉnh công bố.

Bên cạnh triển khai thực hiện DDCI, những năm qua, Tiền Giang cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là chú trọng Chỉ số PCI. Nhờ đó, PCI của Tiền Giang đã có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số lẫn thứ hạng. Theo đó, điểm số PCI từ 62.78 của năm 2020 tăng lên 66.8 vào năm 2023 và thứ hạng tương ứng tăng từ vị trí thứ 45 lên hạng 29. Kết quả này là nỗ lực không ngừng của tỉnh Tiền Giang trong cải cách môi trường đầu tư, đặc biệt ở các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ công; đồng thời, khẳng định hiệu quả của các giải pháp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua nhiều giải pháp và quyết tâm đã giúp cho Tiền Giang thu hút được nhiều dự án đầu tư. Theo kết quả đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2025, Tiền Giang dự kiến thu hút mới 80 dự án, có 44 dự án đăng ký tăng vốn, tổng vốn thu hút mới và đăng ký tăng vốn dự kiến khoảng 61.898 tỷ đồng, tăng 43% so với giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, dự án FDI dự kiến thu hút được 33 dự án và 38 dự án đăng ký tăng vốn, tổng vốn thu hút dự án FDI là 1.252,5 triệu USD (tương đương 30.302,8 tỷ đồng), tăng 14% so với giai đoạn 2016 - 2020.

P.V - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202502/tien-giang-cham-diem-cac-so-nganh-dia-phuong-1034695/