Tiền Giang: Đẩy mạnh phòng, chống tội phạm mua, bán người

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa ghi nhận trường hợp mua bán người xảy ra. Tuy nhiên, trước tình hình chung trên cả nước, những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước.

Hội ý nghiệp vụ phòng, chống tội phạm. Ảnh: THANH VIỆT

Hội ý nghiệp vụ phòng, chống tội phạm. Ảnh: THANH VIỆT

Năm 2021, 2022, trên địa bàn Tiền Giang cũng đã xảy ra vài trường hợp bị dụ dỗ ra nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”. Sau đó, bị hành hạ, đánh đập, buộc phải đưa tiền chuộc để trở về nước. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có cả nam giới.

Các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt lao động Việt Nam sang các nước để làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn nhã, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

Đơn cử như 1 cô gái sinh sống trên địa bàn huyện Tân Phước, bản thân cô đã tốt nghiệp 1 trường cao đẳng và có việc làm ổn định, nhưng vẫn bị “cuốn” bởi sự hấp dẫn của những lời mời gọi về các công việc nhàn nhã ở nước ngoài.

Năm 2022, cô trốn nhà, xuất cảnh dưới dạng du lịch sang Thái Lan, rồi từ đó theo chỉ dẫn của đối tượng trên mạng, theo đường tiểu ngạch, cô trốn sang 1 nước khác, rồi bị lọt vào 1 công ty game trá hình, bị bắt làm việc lừa đảo qua mạng. Cô không làm thì bị đánh dập, hành hung, làm không đủ “chỉ tiêu” cũng bị đánh. Sau 2 tháng cô xin về. Gia cảnh khó khăn, cha mẹ cô phải vay mượn vài chục triệu để chuộc cô trở về nước.

Một trường hợp khác, nam thanh niên ngụ TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công) bị chính người thân lừa đảo, đưa ra ngước ngoài làm việc. Khi biết bị lừa, anh đòi về nước và cha mẹ anh cũng mất vài chục triệu đồng tiền chuộc. Kẻ lừa đảo sau đó bị bắt, bị xử phạt 7 năm tù giam.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an, của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện trong năm 2024. Trong đó, lực lượng Công an chủ động làm tốt vai trò thường trực, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán người.

Đồng thời, thường xuyên thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

Các đơn vị và Công an địa phương chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và mua bán người, thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đã tổ chức họp dân trên 1.500 cuộc với gần 28.000 lượt người dự, tổ chức tuyên truyền lưu động được gần 3.800 lượt.

Nội dung: Tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thông báo tình hình an ninh trật tự, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhất là tội phạm mua bán người để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, kịp thời phát hiện tố giác các đối tượng đang hoạt động hoặc có biểu hiện nghi vấn về mua bán người.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, quản lý cư trú, tập trung quản lý các ngành, nghề có điều kiện; quan trọng nhất là ý thức cảnh giác của mọi người dân, nắm rõ luật pháp. Khi cần xuất khẩu lao động, nên đến những cơ quan, đoàn thể có uy tín để được hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn. Hết sức cảnh giác với các chiêu thức dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”.

BÚT XANH - M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202408/tien-giang-day-manh-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-1017343/