Tiền Giang giao mỏ cát cho nhà thầu theo cơ chế 'đặc thù'

Ngày 21/12, Công ty cổ phần Xây lắp 368 -nhà thầu thi công Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1) tổ chức Lễ khởi công Dự án khai thác khoáng sản cát san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần 2, áp dụng cơ chế đặc thù.

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp bản xác nhận cho Công ty cổ phần Xây lắp 368 khai thác cát đối với khu vực II của mỏ Hòa Hưng 2 (sông Tiền thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để phục vụ thi công Dự án thành phần 2.

Nghi thức khởi công khai thác cát tại mỏ cát Hòa Hưng 2 theo cơ chế đặc thù

Nghi thức khởi công khai thác cát tại mỏ cát Hòa Hưng 2 theo cơ chế đặc thù

Theo đó, khu vực khai thác khoáng sản cát san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền của Công ty cổ phần Xây lắp 368 thuộc xã Hòa Hưng, có diện tích hơn 12,5 ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác phục vụ cho Dự án thành phần 2 là 656.000 m3. Mức sâu khai thác đến mức -20m, phương pháp khai thác lộ thiên.

Thời gian khai thác là 9 tháng, kể từ ngày cấp bản xác nhận; trường hợp khai thác đủ khối lượng cho dự án trước thời gian 9 tháng thì phải dừng khai thác theo quy định. Thời gian thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ là 3 tháng.

Đối với Tiền Giang, Chính phủ giao hỗ trợ nguồn cát san lấp cho 5 dự án, trong đó có Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cát san lấp cho các dự án trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Tiền Giang đã cấp phép khai thác 4 mỏ cát gồm: mỏ cát Hòa Hưng 5 (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), mỏ cát Vàm Cái Thia (xã Mỹ Lương và xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè), mỏ cát Hòa Khánh 1 (huyện Cái Bè).

Tiền Giang đã cấp phép khai thác 3 mỏ cát trên sông Tiền nhưng đến nay khu vực mỏ cát vẫn "im lìm".

Tiền Giang đã cấp phép khai thác 3 mỏ cát trên sông Tiền nhưng đến nay khu vực mỏ cát vẫn "im lìm".

Tuy nhiên, đến nay, chưa có mỏ cát này chính thức hoạt động. Riêng mỏ Hòa Hưng 05 sau 2 tháng khởi công vẫn “án binh bất động” do phía tỉnh chậm ban hành mức đơn giá vật liệu cát và hiện nay chủ đầu tư dự án Vành đai 3 TP.HCM và công ty cổ phần Hoàng Hải (chủ mỏ) chưa thống nhất được mức giá vật liệu cát. Như vậy, do khâu thủ tục nên đến này Tiền Giang chưa có khối lượng vật liệu cát nào phục vụ các dự án, công trình trọng điểm.

Chu Trinh-VOV/ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-giao-mo-cat-cho-nha-thau-theo-co-che-dac-thu-post1143635.vov