Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất trắng mùa vụ
Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre… đang gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn lan rộng và kéo dài. Tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), hàng trăm héc-ta hoa màu đang thiếu nguồn nước ngọt tưới tiêu và có nguy cơ mất trắng vụ.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2024 đến sớm hơn và lấn sâu hơn. Độ mặn khu vực sông Tiền cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023. Trên hệ thống sông Tiền, sông Hàm Luông, xâm nhập mặn vào sâu hơn năm các năm 2016 và 2023 từ 5 đến 15km. Dự báo, sau ngày 15-4, độ mặn sẽ giảm dần về cửa sông. Biên mặn 1g/l sẽ giảm dần cho đến ngày 20-4 còn lấn sâu vào nội đồng khoảng 50 – 55km. Về cuối tháng 4 và tháng 5 độ mặn sẽ giảm dần tại các sông rạch tại Tiền Giang.
Mùa khô kéo dài, khắc nghiệt cùng với xâm nhập mặn ngày một lan rộng đã khiến cho tình trạng thiếu nước sạch tại tỉnh Tiền Giang trở nên nghiêm trọng hơn. Thiếu nước ngọt đã bắt đầu ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp tại các khu vực trên địa bàn, hàng trăm hec-ta hoa màu đang vào vụ ở huyện Gò Công Đông đang có nguy cơ mất trắng.
Theo ông Võ Công Thành, Giám đốc Hợp tác Xã Rau An toàn Bình Nghị, hiện nay các hộ dân trong hợp tác xã đều đang trong tình trạng thiếu nước ngọt để canh tác hoa màu, chỉ có khoảng 50% hộ dân có ao lắng thì đủ nước để cầm cự trong vài ngày tới. Hạn mặn khiến vụ mùa hiện nay bị chậm lại, người dân xuống giống chậm và chờ mưa vì sợ không đủ nước tưới.
Hợp tác Xã Rau An Toàn Bình Nghị có hơn 100 hộ tham gia với khoảng 1.200 hec-ta đất canh tác hoa màu. Hiện tại, hợp tác xã trồng khoảng 15 loại rau ăn lá, chủ yếu là cải thìa, cải ngọt, cải ngọt bông, mồng tơi. Đa phần các loại rau này đều cần tưới nước mỗi ngày mới có thể sinh trưởng tốt, năng suất cao.
Xâm nhập mặn khiến năng suất sản xuất rau năm nay giảm, gây mất mùa dẫn đến thu nhập của người nông dân chỉ bằng khoảng 50% so với bình thường. Nếu như trước kia, mỗi ngày hợp tác xã giao khoảng 20 tấn rau cho thị trường thì nay chỉ còn khoảng 7-8 tấn rau một ngày. Nguồn rau giảm sút, chất lượng rau cũng kém đi bởi hạn mặn nên giá bán ra thấp hơn 30% so với trước tết. Đơn cử như cải bẹ xanh, nếu như trước tết được thương lái mua với giá 13.000 đồng /kg thì hiện tại chỉ còn khoảng 8.000 đồng – 9.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, mặc dù giá phân bón tương đối ổn định nhưng giá nhân công và giống tăng cao đột biến, làm cho chi phí đầu vào vụ tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của bà con ở đây. Để ứng phó với tình hình này, hợp tác xã cũng chủ động trợ giá và hoán giá một phần chi phí xuống giống của bà con. Đồng thời, hợp tác xã sẽ chủ động đầu tư nhà lưới, tự tìm nguồn cung ứng giống, phân bón để giảm chi phí sản xuất.
Hạn mặn tại Gò Công Đông còn ảnh hưởng đến tình hình canh tác rau màu của bà con nông nhân canh tác nhỏ lẻ. Ông Trương Văn Phô, một nông dân trồng khoảng 2 hec-ta rau màu tại đây cho biết, từ đầu tháng 4, gia đình ông gần như không còn nước để tưới cho vườn rau của mình. Tình trạng thiếu nước tưới diễn ra trên diện rộng, nếu không có ao dự trữ, nông dân buộc phải bỏ vụ, chờ vụ tiếp theo.
Hiện nay, ông Phô và một số nông dân ở đây chỉ xuống giống các loại rau chịu được mặn hoặc ít cần nước tưới, còn lại thì đợi đến vụ tiếp theo hoặc khi mưa xuống mới trồng tiếp. Năng suất thấp do không được tưới nước đủ cùng với việc bỏ trống đất, nên thu nhập của nông dân tại huyện Gò Công Đông bị thiệt hại nặng nề, giảm 60-70% so với bình thường. Nếu ở vụ trước, mỗi công đất trồng rau thu về khoảng 4-5 triệu đồng/tháng; thì ở vụ này, bà con chỉ còn lời khoảng 1-2 triệu đồng/ tháng.
Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, người dân khu vực Gò Công Đông ở Tiền Giang đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp như dự trữ nước ngọt, đào kênh giữ nước, xuống giống rau chịu được mặn tốt, ít cần nước để phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập.