Tiền Giang: Kinh tế tháng 8 tiếp tục khởi sắc

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, trong tháng 8-2023, cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường, chăn nuôi được phục hồi, sản xuất thủy sản ổn định.

Tình hình sâu, bệnh trên cây lúa và các loại cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi đã được các ngành chức năng hướng dẫn, xử lý kịp thời, người nông dân yên tâm sản xuất và nuôi trồng. Công tác phòng, chống thiên tai luôn được quan tâm, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; tích cực triển khai các biện pháp, lực lượng hỗ trợ người dân. Tiếp tục phấn đấu thực hiện, nâng chất các tiêu chí ở xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện nông thôn mới năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2023 tăng 4,64% so cùng kỳ. Ảnh: Trọng Đạt

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2023 tăng 4,64% so cùng kỳ. Ảnh: Trọng Đạt

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2023 tăng 4,64% so cùng kỳ năm 2022 (gọi tắt là so cùng kỳ), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,73%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 2,6% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,52%. Có 21/41 sản phẩm tăng so cùng kỳ.

Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp hoạt động sản xuất ổn định. Hoạt động thương mại ổn định, lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Các cửa hàng tiện ích đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ và phong phú; các chợ truyền thống hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Kênh phân phối trực tuyến tăng hiệu quả kinh doanh. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 7.024 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ.

Xuất khẩu tháng 8 thực hiện 423 triệu USD, tăng 53,5% so cùng kỳ; lũy kế 8 tháng xuất khẩu 3.338 triệu USD, đạt 85,6% kế hoạch, tăng 22,2% so cùng kỳ.

Du khách quốc tế đến Tiền Giang. Ảnh: Trọng Đạt

Du khách quốc tế đến Tiền Giang. Ảnh: Trọng Đạt

Khách du lịch trong tháng 8-2023 ước đạt 95 ngàn lượt khách, tăng 58,6% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2023, lượt khách du lịch đến Tiền Giang được 754 ngàn lượt, đạt 60,3% kế hoạch, tăng 99,2% so cùng kỳ; trong đó: Khách quốc tế 74 ngàn lượt khách, đạt 29,6% kế hoạch, tăng 6 lần so cùng kỳ; khách nội địa 680 ngàn lượt khách, tăng 84,8% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông trong tháng 8-2023 đạt 330 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ

Thu ngân sách trên địa bàn trong tháng 8 ước thực hiện được 765 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 6.541 tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán. Chi đầu tư phát triển 3.518 tỷ đồng, đạt 66,4% dự toán, tăng 20,7% so cùng kỳ.

 Hoàn thành cống ngăn mặn Phú Phong (huyện Châu Thành) trên đường tỉnh 864. Ảnh: Trọng Đạt

Hoàn thành cống ngăn mặn Phú Phong (huyện Châu Thành) trên đường tỉnh 864. Ảnh: Trọng Đạt

Ước giá trị giải ngân đầu tư công tháng 8 được 304 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng được 3.230 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ. Tiếp tục triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công 2023 thêm 816 tỷ đồng.

Trong tháng 8, tỉnh thu hút được 2 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.892 tỷ đồng, bằng về số dự án với vốn đầu tư gấp 12,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng năm 2023, tỉnh thu hút được 11 dự án, tăng 1 dự án so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư đăng ký 5.400 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến tháng 8/2023 được 5.690 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Ước đến cuối tháng 8-2023, vốn huy động đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 90.116 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ.

Ước thực hiện tháng 8-2023 có 90 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,8% so cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký là 400 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8, thành lập mới được 576 doanh nghiệp (trong đó có 42 doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh), đạt 69,4% kế hoạch năm 2023; tổng vốn đăng ký 3.579 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9-2023 trong các lĩnh vực phát triển kinh tế:

Thứ nhất, tăng cường dự báo trong sản xuất nông nghiệp; theo dõi diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, vận hành công trình phục vụ sản xuất và mực nước nội đồng các vùng dự án, sản xuất vụ Hè Thu năm 2023, sản xuất và thu hoạch các loại cây trồng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi và bệnh trên các loài thủy sản; kiểm tra công tác triển khai chống khai thác IUU; hỗ trợ nghề nghêu Gò Công đạt chứng nhận ASC.

Thứ hai, kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... có giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.

Nắm chắc diễn biến của thị trường, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối hàng hóa phục vụ kịp thời cho nhu cầu của nhân dân. Tích cực kết nối tiêu thụ hàng hóa, nhất là các hàng hóa nông sản của tỉnh (rau quả, thịt gia cầm, thủy sản, gạo,...) với các kênh phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối,...) trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó tập trung thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp,...

Thứ ba, tăng cường huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó:

Về đầu tư công: Tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn sử dụng ngân sách Trung ương (Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định; Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười,...).

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh phục vụ xây dựng 04 xã nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 02 huyện nông thôn thôn mới Cái Bè, Châu Thành trong năm 2023 và các dự án có quy mô lớn như cầu Tân Phong, cầu Tân Thạnh,...; các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới), 02 dự án khẩn cấp sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022.

Tiếp tục rà soát việc bố trí kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện; điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Tiếp tục thực hiện tạm ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng để đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2023 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Về tăng cường công tác xúc tiến và thu hút đầu tư: Xem xét, ban hành: Quy chế hoạt động của Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định kiện toàn thành viên Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2023; Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư 2023.

Đẩy nhanh thẩm định các dự án: Trung tâm Giáo dục Anh văn Hội Việt Mỹ 62; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đào tạo và sát hạch lái xe Sông Tiền; Khu dân cư phường 1, thị xã Cai Lậy; Dự án Công ty Cổ phần Kaiyuan Việt Nam; Hồ sơ mua phần vốn góp Công ty TNHH MTV TM-DV may mặc Honghao; Chi nhánh Công ty cổ phần may Phương Đông; Tổ hợp nhà máy sản xuất khí Bio-LNG, CO, lỏng và phân bón hữu cơ Việt Nam - Hà Lan; Hồ sơ mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH may mặc SDA; Nhà máy sản xuất Hydro xanh Tiền Giang; Dự án Thương mại dịch vụ tại số 89, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, TP. Mỹ Tho; Nhà máy xử lý rác thải Tân Lập 1; các dự án viện trợ phi Chính phủ,...

Xem xét ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 480 ngày 7-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 481 ngày 7-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 516 ngày 8-8-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13 ngày 31-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202308/tien-giang-kinh-te-thang-8-tiep-tuc-khoi-sac-988574/