Tiền Giang: Làng nghề truyền thống vào vụ tết
Tết Nguyên đán 2024 đang cận kề, thời điểm này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tập trung sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Đến Làng nghề Bánh phồng Cái Bè (huyện Cái Bè) vào những ngày này, không khí sản xuất tết đã rộn ràng hơn so với ngày thường. Làng nghề tập trung tại ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp và khu 4, thị trấn Cái Bè với khoảng 100 hộ sản xuất.
Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc gia đình ông Sơn (khu 4, thị trấn Cái Bè) vừa tráng xong số bánh phồng và mang ra sân phơi. Theo ông Sơn, dù số lượng bánh sản xuất có tăng so với ngày thường, nhưng không bằng so với mọi năm. Một phần nguyên nhân là do gia đình ông sản xuất bánh thủ công, không thể cạnh tranh lại với những cơ sở đầu tư máy tráng bánh. Mặt khác, do tình hình kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ cũng chậm hơn thời điểm này của những năm trước.
“Gia đình tôi làm bánh phồng chủ yếu để bán lẻ. Tuy nhiên, năm nay, số lượng sản xuất mùa tết giảm nhiều. Hiện mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất khoảng vài trăm bánh. Mấy năm trước, tết tới là ngày nào nhà tôi cũng tráng mấy ngàn cái” - ông Sơn cho biết.
Cũng tại khu 4, thị trấn Cái Bè, Cơ sở sản xuất bánh phồng sữa Thanh Tuyến cũng đang bước vào giai đoạn tập trung sản xuất phục vụ tết. Nguồn nguyên liệu được cơ sở chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất bánh từ đường, sữa, dừa, mì…
Lúc chúng tôi đến, cơ sở này có khoảng 20 người đang tất bật thực hiện các công đoạn làm bánh. Do việc tráng bánh được làm bằng máy nên số lượng sản xuất nhiều và năng suất cao hơn so với truyền thống. Tuy nhiên, theo chủ Cơ sở sản xuất bánh phồng sữa Thanh Tuyến, đến thời điểm này, cơ sở sản xuất chỉ bằng khoảng 1/5 so với năm trước. Các đại lý bán hàng giảm nên không dám đặt bánh nhiều.
“Năm rồi sức tiêu thụ vụ tết mạnh nên ngày nào cũng làm. Tuy nhiên, năm nay cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng, vài ngày mới sản xuất một ngày. Sức tiêu thụ giảm, nhưng chi phí đầu vào tăng cao nên lợi nhuận rất ít. Tôi làm 1, 2 ngày nữa rồi ngừng lại xem thị trường tiêu thụ như thế nào mới tính toán sản xuất tiếp” - chủ Cơ sở sản xuất bánh phồng sữa Thanh Tuyến chia sẻ.
Tìm về Làng nghề Bánh Hậu Thành (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) vào những ngày này, các hộ dân nơi đây cũng tất bật với công việc làm bánh tráng. Hiện nay, làng nghề có khoảng 40 hộ chuyên sản xuất bánh tráng, nằm trải đều tại 5 ấp của xã Hậu Thành. Trong đó, các hộ sản xuất bánh tráng tập trung nhiều ở ấp Hậu Thuận. Ngay từ 3, 4 giờ sáng, nhiều gia đình đã “đỏ lửa”, tất bật với công việc làm bánh. Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên nhiều gia đình phải tăng số lượng sản xuất lên khoảng gấp đôi so với ngày thường.
Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm vợ chồng ông Trương Văn Đức (ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành) tất bật với các công đoạn làm bánh tráng. Người thì hấp bánh, người cho bánh lên sàn để mang đi phơi. Tất cả các công đoạn được thực hiện liên tục từ giờ này sang giờ khác.
“Hiện bánh tráng được gia đình bỏ mối với giá 43.000 đồng/kg. Tuy nhiên, qua rằm tháng Chạp, giá bán sẽ tăng lên 45.000 đồng/kg, do càng cận tết bánh càng hút hàng. Giá bán bánh tráng tết năm nay không thay đổi nhiều so với năm rồi, nhưng giá gạo tăng cao dẫn đến chi phí tăng, nên sản xuất bánh tráng ít có lời hơn những năm trước. Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất khoảng 50 kg bánh, tăng gấp đôi so với ngày thường. Dù cơ sở làm hết công suất vẫn không đủ hàng để bán” - ông Đức chia sẻ.
Tương tự, những ngày qua, gia đình bà Trương Thị Cương (ấp Hậu Thuận, xã Hậu Thành) cũng tất bật với việc sản xuất bánh tráng. Từ 3 giờ sáng, gia đình đã bắt tay vào công đoạn khuấy bột. Hiện trung bình mỗi ngày, gia đình bà Cương sản xuất khoảng 25 kg bánh. “Năm nay, giá gạo cao quá, nhưng giá bán bánh tráng không tăng so với năm rồi nên lợi nhuận giảm xuống. Đến thời điểm này, sức tiêu thụ bánh tráng mùa tết đang khá tốt” - bà Cương cho biết thêm.
Xuôi về các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đến với Làng nghề Cá khô Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông). Thời điểm này, các cơ sở sản xuất cá khô nơi đây đang bước vào giai đoạn cuối của vụ tết. Năm nay, các phương tiện đánh bắt hải sản về bờ nghỉ tết sớm nên mùa vụ sản xuất cá khô tết cũng kết thúc sớm.
Ghi nhận tại Vựa cá khô Thắng Loan (thị trấn Vàm Láng), hiện cơ sở đang tranh thủ nguồn nguyên liệu từ những chuyến ghe cuối để làm cá khô. Theo chủ cơ sở, năm nay, sản lượng đánh bắt hải sản giảm, ghe tàu về bờ sớm nên vựa sản xuất ít hơn so với năm trước. Nguồn cung hạn chế nên giá khô các loại tăng khoảng 10% so với tết năm 2023. Cụ thể, khô mực các loại tăng khoảng 130.000 đồng/kg so với năm 2023; khô cá đù có giá 95.000 đồng/kg, khô cá mối 90.000 đồng/kg…
Cũng theo chủ Vựa cá khô Thắng Loan, với việc nguồn cung cá khô hạn chế như hiện nay, thời điểm cận tết, giá khô các loại sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ cao.