Tiền Giang: Đề xuất Bộ Công Thương tháo gỡ vướng mắc ở các khu, cụm công nghiệp

Hai cụm công nghiệp (CCN) lớn của Tiền Giang là An Thạnh và Trung An đang gặp vấn đề về hệ thống xử lý nước thải.

Vướng mắc về hệ thống xử lý nước thải tại CCN An Thạnh

Ngày 10/7, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực cụm công nghiệp, an toàn thực phẩm, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về tình hình hoạt động của Cụm công nghiệp (CCN) An Thạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đại diện UBND tỉnh cho biết đây là CCN có diện tích 10 ha (trong đó có khoảng 5,2 ha đất xây dựng nhà máy), đã hình thành và hoạt động từ năm 2006.

Hiện nay, có 29 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động trong CCN, lao động chủ yếu theo thời vụ. Trong quá trình sản xuất, CCN không phát sinh nước thải sản xuất, chỉ có nước thải sinh hoạt với lưu lượng rất ít.

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương Địa phương (Ảnh: Tiến Phòng)

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương Địa phương (Ảnh: Tiến Phòng)

Theo hồ sơ môi trường của các doanh nghiệp trong CCN, nước thải sinh hoạt của doanh nghiệp sau khi xử lý qua hầm tự hoại xả ra sông hoặc tự thấm vào đất. Do đó, để thu gom nước thải của doanh nghiệp về hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung thì mỗi doanh nghiệp phải cải tạo lại hệ thống hầm tự hoại có đáy kín và có đường ống đấu nối vào HTXLNT tập trung của CCN sẽ tốn nhiều chi phí.

Đồng thời, việc xây dựng HTXLNT đối với CCN này rất khó khăn do không có quỹ đất để xây dựng; tốn chi phí từ nguồn ngân sách và không hiệu quả do lưu lượng thấp; không đảm bảo về tỷ lệ cây xanh và khoảng cách an toàn theo quy định của QCVN 01:2021/BXD.

Trên cơ sở tình hình đó, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn tỉnh các phương án không đầu tư xây dựng HTXLNT tập trung tại CCN An Thạnh; các doanh nghiệp thứ cấp trong CCN tự xử lý theo phương án bảo vệ môi trường được duyệt.

Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương Địa phương dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường đối với CCN, trong đó quy định hạ tầng bảo vệ môi trường cần phải có đối với CCN; quy định tiêu chí cần đáp ứng của các CCN đang hoạt động.

Đồng thời, tại điểm b, khoản 2 Điều 52 cũng có quy định rất rõ đối với các trường hợp đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường; có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật.

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại UBND tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Tiến Phòng)

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại UBND tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Tiến Phòng)

Như vậy, theo quy định vẫn có trường hợp miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý tập trung. Do đó, đại diện Cục Công Thương Địa phương đề nghị tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu trường hợp cụ thể để thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng tình với kiến nghị đấu nối nước thải tại CCN Trung An qua HTXLNT của KCN Mỹ Tho

Liên quan đến HTXLNT tại các CCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, một CCN khác dù đã hoạt động gần 20 năm nhưng chưa có HTXLNT tập trung, đó là CCN Trung An với diện tích 17,46 ha (diện tích đất công nghiệp 12,46 ha, đã lấp đầy 100%).

UBND tỉnh cho biết, theo dự án CCN được duyệt không có quỹ đất để xây dựng HTXLNT tập trung của CCN. Hiện quỹ đất không đủ để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường và không bố trí dãy cây xanh cách ly theo quy định.

Do đó, UBND tỉnh dự kiến đề xuất phương án đấu nối nước thải của các doanh nghiệp tại CCN Trung An với HTXLNT tập trung của Khu công nghiệp Mỹ Tho (KCN Mỹ Tho giáp với CCN Trung An), phương án này vừa đảm bảo xử lý được môi trường CCN, vừa tiết kiệm được ngân sách.

Đối với kiến nghị của tỉnh về việc dùng chung HTXLNT tập trung giữa KCN Mỹ Tho và CCN Trung An do hạn chế về quỹ đất nếu việc dùng chung vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương thể hiện quan điểm đồng tình và đề nghị UBND tỉnh rà soát việc đảm bảo này, cũng như rà soát đảm bảo khả năng đáp ứng công suất của hệ thống xử lý nước thải của KCN khi sử dụng chung để báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường), là cơ sở xem xét chấp thuận.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-giang-de-xuat-bo-cong-thuong-thao-go-vuong-mac-o-cac-khu-cum-cong-nghiep-331161.html