Tiền Giang: Sức hút từ 2 cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức 2 Cuộc thi 'Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học và mầm non' năm học 2024 - 2025. Cuộc thi không chỉ là sân chơi chuyên môn dành cho những nhà giáo xuất sắc, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần học hỏi, đổi mới sáng tạo trong toàn ngành Giáo dục địa phương.SỨC HẤP DẪN TỪ CÁC CUỘC THI
Trong không khí thi đua sôi nổi của năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công 2 Cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học và mầm non”, thu hút 273 giáo viên tiêu biểu đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã và đang để lại nhiều dấu ấn sâu sắc; đồng thời, đây cũng là dịp để đội ngũ nhà giáo thể hiện tài năng, khơi dậy lòng yêu nghề, yêu trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Trao giải Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc mầm non.
Ở bậc mầm non, năm học 2024 - 2025, cuộc thi diễn ra từ tháng 2 đến cuối tháng 3, quy tụ 96 giáo viên được tuyển chọn kỹ từ các vòng thi cấp cơ sở. Các phần thi được tổ chức chuyên nghiệp gồm: Thi thuyết trình tại 6 cụm (từ ngày 18-2 đến 21-2) và thi thực hành tại lớp học (từ ngày 11-3 đến 26-3). Các giáo viên đã hoàn thành xuất sắc cả hai phần thi, thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ, xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm và tạo dựng nhiều hoạt động giàu tính trải nghiệm.
Ở bậc tiểu học, 177 giáo viên tham gia cuộc thi là những người có năng lực chuyên môn tốt, được tuyển chọn kỹ từ các trường trong toàn tỉnh. Cuộc thi gồm hai phần thi: Thuyết trình giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và thực hành giảng dạy ngay tại lớp học. Cách tổ chức này vừa đảm bảo tính thực tiễn, vừa tạo điều kiện để giáo viên thể hiện sự sáng tạo và khả năng vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại.
Điểm nhấn nổi bật từ cả hai cuộc thi là sự xuất hiện của các giải pháp sư phạm sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến như: Trí tuệ nhân tạo (AI), các phần mềm dạy học tương tác (Wordwall, Educaplay), cùng phương pháp giáo dục hiện đại như STEAM… Từ âm nhạc, kể chuyện sáng tạo, đến hoạt động khám phá khoa học, giáo viên đã khơi dậy niềm hứng thú và sáng tạo nơi học sinh - đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Theo cô Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT, sức hút của Cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc mầm non” không chỉ đến từ quy mô tổ chức hay tính cạnh tranh, mà còn nằm ở chất lượng nội dung và sự chuẩn bị bài bản từ cấp trường đến cấp tỉnh.
Các phần thi được thiết kế thực tiễn, khuyến khích giáo viên sáng tạo và đổi mới trong dạy học; đồng thời, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Nhiều giáo viên đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với những giải pháp sư phạm giàu tính nhân văn và sáng tạo.
Không dừng lại ở việc đánh giá năng lực chuyên môn, hai cuộc thi còn thể hiện quyết tâm của ngành Giáo dục Tiền Giang trong việc xây dựng một đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu giáo dục trong thời đại số. Đây chính là bước đệm quan trọng để ngành tiếp tục phát triển bền vững, tạo môi trường học tập thân thiện, hiện đại cho trẻ em ngay từ những năm đầu đời.
Từ thành công của 2 cuộc thi, có thể thấy rõ chiến lược đầu tư nghiêm túc của ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo chất lượng cao. Những gương mặt nổi bật, những sáng kiến hiệu quả sẽ tiếp tục được nhân rộng, tạo động lực lan tỏa tinh thần đổi mới đến từng ngôi trường, từng lớp học - nơi khởi đầu hành trình tri thức của hàng ngàn học sinh mỗi năm.
NÂNG CHẤT CUỘC THI
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT, cùng với sự chuẩn bị nghiêm túc từ cấp trường đến cấp tỉnh, cuộc thi không chỉ là nơi vinh danh những giáo viên xuất sắc mà còn khẳng định cách làm bài bản trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Những kết quả đạt được từ cuộc thi sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới, hướng đến một môi trường giáo dục thân thiện, sáng tạo và hiệu quả cho trẻ em và học sinh bậc phổ thông.
Để lan tỏa sâu rộng tinh thần đổi mới, sáng tạo từ cuộc thi giáo viên dạy giỏi, theo Sở GD-ĐT, trước hết cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong và ngoài ngành Giáo dục. Các phòng GD-ĐT, trường học cần tích cực chia sẻ thông tin, hình ảnh, câu chuyện truyền cảm hứng về thầy cô tiêu biểu thông qua mạng xã hội, bản tin nội bộ, báo chí và các nền tảng truyền thông số. Việc ghi nhận kịp thời những nỗ lực, sáng tạo của giáo viên sẽ góp phần nhân rộng các mô hình hiệu quả, lan tỏa cảm hứng nghề nghiệp trong toàn ngành.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng, nhấn mạnh các cuộc thi giáo viên dạy giỏi là cơ hội để tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến dạy học hiệu quả.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, khuyến khích giáo viên sáng tạo, học hỏi và áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới.
Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên nâng cao chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy, góp phần xây dựng môi trường giáo dục sáng tạo, thân thiện.
Một giải pháp quan trọng khác là tiếp tục quán triệt mục tiêu, ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi đến từng cán bộ quản lý và giáo viên. Đây không chỉ là sân chơi để thể hiện kỹ năng, mà còn là dịp để tự học, tự rèn, thể hiện tinh thần nghề nghiệp. Khi nhận thức được nâng cao, giáo viên sẽ chủ động tham gia với tinh thần cầu thị, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.
Việc tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, hội giảng định kỳ… sẽ tạo điều kiện để giáo viên rèn luyện tay nghề, cập nhật xu hướng mới và chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo hướng thực tiễn, lấy người học làm trung tâm, từ đó giúp giáo viên từng bước xây dựng phong cách giảng dạy riêng, vừa hiệu quả, vừa truyền cảm hứng.
Một trong những giải pháp giúp lan tỏa hiệu quả cuộc thi là đổi mới công tác kiểm tra, dự giờ tại các cơ sở giáo dục. Không nên chỉ xem đây là “thủ tục” mà cần tổ chức bài bản, khoa học, vừa là kênh đánh giá, vừa là cơ hội học hỏi, phản biện và hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Khi việc dự giờ trở thành một thói quen học tập lẫn nhau trong nhà trường, các ý tưởng từ cuộc thi sẽ được duy trì và nhân rộng bền vững hơn.
Sở GD-ĐT và các đơn vị cần có cơ chế cụ thể để phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các gương mặt xuất sắc, sáng kiến hay từ cuộc thi. Những mô hình dạy học ứng dụng công nghệ, phương pháp mới như STEAM, AI, hay các tiết dạy mang tính trải nghiệm cao cần được phổ biến rộng rãi thông qua các buổi báo cáo điển hình, chia sẻ chuyên môn liên cụm trường. Đây là bước quan trọng để cuộc thi không “khép lại” sau phần trao giải, mà tiếp tục sống động trong từng tiết dạy hằng ngày.
Cuối cùng, để cuộc thi thật sự lan tỏa, không thể thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại; đồng thời, hỗ trợ về mặt thời gian, chính sách để giáo viên có điều kiện học tập, sáng tạo. Một môi trường giáo dục thân thiện, đổi mới, nơi giáo viên được lắng nghe, được tôn vinh, chính là bệ phóng để cuộc thi trở thành động lực đổi mới thực sự trong toàn ngành.