Mang ngày hội hạnh phúc đến với 450 học sinh tại Nghệ An
Hào hứng, sôi nổi và hạnh phúc là cảm xúc của gần 450 em học sinh tại trường Tiểu học Hạ Sơn khi được hòa mình vào các hoạt động tại Ngày hội Thúc đẩy văn hóa đọc do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Hợp tổ chức vào ngày 21/4 vừa qua. Hoạt động thuộc khuôn khổ dự án Trường học hạnh phúc.

Đến với ngày hội, các em học sinh được trải nghiệm 11 gian trò chơi tương tác, giúp củng cố các kiến thức về bình đẳng giới, vệ sinh răng miệng, dinh dưỡng hợp lý, kỹ năng bảo vệ bản thân và thói quen đọc sách.

Tại các gian trò chơi “Nhanh trí – đoàn kết” và “Hộp quà bí mật”, các em học sinh được học cách phân biệt khái niệm giới và giới tính cũng như cách nhận diện khuôn mẫu và định kiến giới thông qua đồ vật. Hai gian trò chơi đã giúp các em có cái nhìn rõ ràng và trực quan hơn về sự khác biệt giữa yếu tố sinh học bẩm sinh và những khác biệt do định kiến xã hội tạo nên.

Trong khi đó, gian trò chơi “Trí nhớ siêu phàm” và “Cá sấu lên bờ” đưa các em tiếp cận với các kiến thức về dinh dưỡng như tháp dinh dưỡng, cách phân loại nhóm thực phẩm theo dưỡng chất,... thông qua hình thức sinh động dễ hiểu với lứa tuổi tiểu học. Em Khánh Lan, học sinh lớp 4A, hào hứng chia sẻ: “Trong tất cả các trò em thích nhất là gian trò chơi Trí nhớ siêu phàm. Em có được tìm hiểu qua về tháp dinh dưỡng trên lớp rồi nhưng đây là lần đầu tiên em thực sự ghi nhớ thứ tự và phân loại của từng đồ ăn.”

Được tổ chức đúng vào ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày hội còn mang đến nhiều hoạt động xoay quanh sách, với mong muốn khơi dậy và lan tỏa tình yêu đọc sách trong mỗi em nhỏ. Thông qua các trò chơi “Truy tìm đồng đội – Ý chính, ý phụ”, “Trang trí bìa sách” và “Tam sao thất bản”, các em được củng cố thêm kiến thức về truyện cổ tích cũng như tham gia trải nghiệm công đoạn vẽ, trang trí bìa sách. Em Hoàng Giáp, học sinh lớp 4D chia sẻ: “Trên lớp em thích nhất là học Tiếng Việt. Gian ‘Ý chính, ý phụ’ giúp em hiểu rõ hơn về việc sắp xếp ý trong một đoạn văn thế nào cho hợp lý.”

Gian “Rung chuông vàng” giúp các bạn nhỏ ôn lại kiến thức tổng quan về bình đẳng giới và dinh dưỡng hợp lý, nước sạch, vệ sinh cá nhân – những nội dung đã được dự án Trường học hạnh phúc truyền thông và tập huấn tới thầy cô và học sinh xuyên suốt một năm triển khai vừa qua.

Trực tiếp chuẩn bị và điều hành các gian trò chơi là 12 tình nguyện viên đến từ Công ty TNHH Mía đường Nghệ An NASU (Tập đoàn TH). Chị Vi Thị Kim Chi, nhân viên Công ty NASU bày tỏ:“Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là năng lượng tích cực và hồn nhiên của các em học sinh. Nhìn thấy các em được vui chơi, được thể hiện bản thân và được lắng nghe, tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết ý nghĩa của cụm từ 'trường học hạnh phúc'.”

Bên cạnh các gian trò chơi kiến thức, các em còn có dịp thỏa sức nô đùa cùng bạn bè với những trò chơi dân gian bao gồm kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đập trống.

Một điểm nhấn đặc biệt của ngày hội là cuộc thi “Truyền thông măng non”, nơi 18 em học sinh đến từ 5 đội thi thể hiện sự sáng tạo và góc nhìn đa dạng của mình về các chủ đề bình đẳng giới, vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường, nguồn nước sạch và bạo lực học đường. Giải Nhất đã thuộc về tác phẩm mang tên “Mái trường hạnh phúc” với ước mong về một môi trường học tập không bạo lực, tràn đầy tiếng cười, sự yêu thương và tôn trọng.

Nhân dịp này, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã trao tặng gần 5.000 cuốn sách cho 22 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đồng thời trao 20 suất học bổng với tổng trị giá 30 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, hệ thống TH School cũng đã trao tặng 33 máy tính xách tay đã qua sử dụng cho Trường Tiểu học Hạ Sơn, góp phần tạo điều kiện cho học sinh được làm quen với công nghệ và rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính ngay từ bậc tiểu học.
Dự án Trường học hạnh phúc được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á. Dự án là một giải pháp tổng thể nhằm góp phần cải thiện cơ sở vật chất đồng thời nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh ở các trường học ở các vùng miền khó khăn. Trong năm học 2024-2025, với tổng ngân sách gần 1,2 tỷ đồng, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như nâng cấp cơ sở vật chất, trao tặng sách, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức tập huấn, truyền thông cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về các chủ đề như y học cộng đồng, bình đẳng giới, kỷ luật tích cực, giáo dục thể chất... Tính đến cuối năm học, hơn 13.000 người đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong đó có 12.881 học sinh.