Tiền Giang: Tăng liên kết sản xuất lúa vụ Hè Thu, nâng cao thu nhập cho nông dân

Hiện tỉnh Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp; trong đó có liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo nông dân giành vụ Hè Thu 2024 thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp; trong đó có liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo nông dân giành vụ Hè Thu 2024 thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cũng như bù đắp những thiệt hại trong vụ Đông Xuân 2023-2024 do ảnh hưởng thiên tai hạn mặn khốc liệt vừa qua.

Trong vụ Hè Thu 2024, Tiền Giang có kế hoạch xuống giống trên 43.400ha, tập trung tại hai vùng sản xuất trọng điểm là: vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh.

Tỉnh bắt đầu xuống giống từ đầu tháng Sáu năm nay theo lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy, đến giữa tháng Sáu, nông dân trong tỉnh đã xuống giống được gần 19.000ha, đạt gần 43% kế hoạch. Bà con đang khẩn trương xuống giống dứt điểm trà lúa Hè Thu trong tháng này.

Để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất-tiêu thụ, bao tiêu như VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…

Mặt khác, ngành nông nghiệp các huyện, thành, thị trong tỉnh tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm giúp nông dân thâm canh đạt hiệu quả, năng suất và sản lượng cao, chất lượng lúa hàng hóa tốt được thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ưa chuộng.

Từ đó hướng mục tiêu cho nông dân quan tâm áp dụng đồng bộ biện pháp cơ giới hóa trong sản xuất, sử dụng công cụ sạ hàng hoặc máy cấy lúa 3 trong 1, sạ thưa với mật độ gieo sạ bình quân từ 80 đến 100kg giống/ha kết hợp sử dụng giống lúa xác nhận, giúp tiết kiệm hạt giống, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Trong quá trình chăm sóc áp dụng biện pháp thâm canh theo “1 phải 5 giảm,” “3 giảm 3 tăng” hoặc trồng lúa theo tiêu chí VietGAP, bón phân cân đối giúp lúa phát triển tốt cho năng suất và sản lượng cao.

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu vào và đầu ra cho hạt lúa hàng hóa, nông dân thu lợi nhuận khá và an tâm đẩy mạnh thâm canh giành những vụ mùa mới bội thu.

Trung bình mỗi vụ canh tác, các hợp tác xã trên chủ động liên kết với doanh nghiệp liên kết xây dựng các cánh đồng lớn qui mô từ 2.500ha đến 3.000ha. Đồng thời, tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nông dân được bao tiêu đầu ra với giá ổn định, cao hơn thị trường bên ngoài từ 200-300 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành Nam, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, ông Lê Văn Hưng cho biết Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành Nam nhiều năm nay liên kết với Công ty ADC sản xuất 100ha theo tiêu chí GlobalGAP.

Trong vụ Đông Xuân 2023-2024 vừa qua, Công ty ADC thu mua lúa trong cánh đồng liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam cao hơn thị trường 600 đồng/kg, trừ chi phí nông dân vẫn còn lãi gần 50 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất không liên kết.

Trong vụ Hè Thu 2024, Công ty ADC tiếp tục liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam sản xuất 100ha giống OM 5451 chất lượng cao theo tiêu chí GlobalGAP. Doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường nên bà con rất phấn khởi.

Ngoài ra, trong vụ Hè Thu 2024, công tác thủy lợi được tỉnh hết sức chú trọng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, là tiền đề cho nông dân giành vụ lúa mới thắng lợi.

Tại vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, kịp thời sửa chữa những cống đập bị hư hỏng trong mùa khô 2024 vừa qua, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất, đồng thời tiến hành xổ xả, rửa phèn mặn, cải tạo môi trường nước trước khi nông dân xuống giống.

Bên cạnh đó, xây dựng lịch vận hành các công trình thủy lợi hợp lý bảo đảm nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất khoảng 19.900ha lúa vụ Hè Thu, không để hạn hán hoặc ngập úng do mưa lũ làm thiệt hại.

Các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy cũng tập trung huy động nhân lực, tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, kiện toàn mạng lưới kênh mương thủy lợi cũng như củng cố bờ vùng, bờ thửa vừa phục vụ sạ đồng loạt trên diện rộng vừa đảm bảo ngăn lũ và triều cường, giảm nhẹ thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-tang-lien-ket-san-xuat-lua-vu-he-thu-nang-cao-thu-nhap-cho-nong-dan-post960366.vnp