Tiền Giang tìm giải pháp kiểm soát chất Cadimi trong trái sầu riêng
Ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã phân tích được các loại phân bón có gốc lân, nhưng không có hàm lượng Cadimi, hoặc hàm lượng dưới mức giới hạn để khuyến cáo nông dân sử dụng.
Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng lớn nhất trong 11 loại cây ăn trái đặc sản của địa phương với hơn 24.500 ha, cho sản lượng đạt khoảng 458.000 tấn, đứng đầu khu vực ĐBSCL.
Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đến nay ngành Nông nghiệp địa phương đã hỗ trợ nhà vườn được cấp 320 mã số vùng trồng cho gần 12.000 ha sầu riêng, chiếm gần 50% diện tích vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Tuy năng suất, sản lượng cao nhưng đầu ra trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang gần đây gặp khó khăn, giá giảm
Gần đây, việc xuất khẩu trái sầu riêng gặp khó khăn do phía đối tác phát hiện một số lô sầu riêng của nước ta nhiễm chất Vàng O, Cadimi. Để kiểm soát chất Cadimi trong trái sầu riêng, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện thử nghiệm các mô hình khắc phục Cadimi.

Ở một số thời điểm trái sầu riêng chỉ tiêu thụ nội địa do đối tác ngoài nước kiểm tra có nhiễm chất Cadimi
Theo đó, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh đang triển khai thực hiện 6 mô hình trên địa bàn 2 huyện có diện tích cây sầu riêng lớn là huyện Cái Bè và Cai Lậy. Tại các mô hình này, sẽ sử dụng các vi sinh vật để cố định lại chất Cadimi giúp cây không hấp thụ, đồng thời trồng các loại cây cỏ hấp thụ chất Cadimi…
Bước đầu, ngành Nông nghiệp đã phân tích được các loại phân bón có gốc lân, nhưng không có hàm lượng Cadimi, hoặc hàm lượng dưới mức giới hạn để khuyến cáo nông dân sử dụng thay thế cho những loại phân có hàm lượng Cadimi cao để cách ly, không để Cadimi có trong đất.