Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục mới, tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố số liệu thống kê liên quan đến tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tháng 4/2024.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ trong tháng 4.
Cả tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng trưởng dương trong tháng 4. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 81 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do sụt giảm khá mạnh trong tháng 1 và tháng 2 nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận sụt giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 1,95%.
Tiền gửi của dân cư cũng tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, là mức kỷ lục mới. Lũy kế từ đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 2,8%.
Bất chấp lãi suất thấp kỷ lục giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với tín dụng. Cụ thể, tiền gửi khách hàng của hệ thống tăng 0,91% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 2,01%.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các tổ chức tín dụng, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.
Thực tế cũng cho thấy, từ tháng 5 trở lại đây, lãi suất huy động đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng trở lại. Trong vòng 10 ngày đầu tháng 7/2024, thị trường đã chứng kiến thêm 8 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank và MB. Trước đó, riêng tháng 6/2024, có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Như vậy, làn sóng tăng lãi suất huy động đã diễn ra 3 tháng liên tiếp.
Theo các chuyên gia phân tích, huy động vốn chậm, tín dụng phục hồi là nguyên nhân khiến lãi suất huy động đi lên. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB cho rằng, các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đưa kênh tiết kiệm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Theo ông Quang, trong nửa cuối năm 2024, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm, tùy kỳ hạn.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 7 của Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cũng cho thấy, trong tháng 6, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,1% - 0,5 %.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền. Trên thực tế, với tính an toàn và khả năng thanh khoản cao, tiền gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn với số đông.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo và Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,3% trong quý 3/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024.