Tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?

Bạn đọc Hoàng Thanh Quyển ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, tiền ký quỹ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

2. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.

3. Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

4. Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ.

* Bạn đọc Hà Văn Thắng ở phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, hỏi:Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện đường thủy nội địa bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 18 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tien-ky-quy-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-726131