Tiền nhàn rỗi từ dân cư vẫn chảy mạnh vào ngân hàng

Trước bối cảnh các kênh đầu tư khác khó như bất động sản, chứng khoán và vàng sinh lời cao hoặc rủi ro lớn, nguồn tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn ngân hàng trú ẩn.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).

Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 3, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.

Trước đó, số liệu mới nhất của NHNN đưa ra, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.

Giới phân tích tài chính cho rằng, tiền gửi của người dân tiếp tục lập đỉnh bất chấp lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã chạm đáy trong tháng 3/2024. Đây là mức cao kỷ lục về lượng tiền gửi cá nhân vào hệ thống ngân hàng. Điểm đáng lưu ý là vào thời điểm tháng 3, lãi suất huy động tiền đồng của hệ thống NH gần như ở mức đáy, dao động từ 1,6 - 5%/năm ở các kỳ hạn nhưng như nói trên, tiền gửi vẫn tăng nhanh.

WiChart thống kê cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã chạm đáy 4,35%/năm vào cuối tháng 3/2024. Lãi suất huy động cùng kỳ hạn với nhóm NHTM khác và nhóm Big4 chạm đáy lần lượt là 4,52%/năm và 4,68%/năm vào đầu tháng 4.

Cho đến nay, lãi suất của nhóm NHTM lớn và NHTM khác đã nhích lên, lần lượt đạt 4,75%/năm và 4,98%/năm. Tuy nhiên, 4 ông lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,68%/năm.

VCBS dự báo lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.

Các chuyên viên phân tích của VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5-1%. Tuy nhiên, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác khó tăng cao, kể cả bất động sản, chứng khoán và vàng nên nguồn tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn ngân hàng trú ẩn.

Vả lại, trong bối cảnh tín dụng nền kinh tế có phần cải thiện hơn với đầu năm, các nhà băng chuẩn bị thanh khoản đón đầu cầu tín dụng tăng trong các quý còn lại của năm. Theo NHNN, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.

Từ nay đến cuối năm, NHNN chỉ đạo các ngân hàng hướng tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản…); rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông...

T.V

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-nhan-roi-tu-dan-cu-van-chay-manh-vao-ngan-hang-post347948.html