Tiến sĩ họ Lưu thanh danh vang động Yên Kinh
Tiến sĩ Lưu Đình Chất tỏ rõ khí chất dĩnh ngộ, trở thành nhà khoa bảng khiến thanh danh vang động bốn phương.
Dù được tập ấm nghiệp quan do là con đại thần - vị Quận công hiển hách triều Lê, nhưng Lưu Đình Chất vẫn tỏ rõ khí chất dĩnh ngộ, trở thành nhà khoa bảng khiến thanh danh vang động bốn phương.
Đỗ đầu khoa thi
Lưu Đình Chất (1566 - 1627), người làng Đông Khê, xã Quỳ Chử (nay là xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ông là vị đại quan được đánh giá cao ở cả mặt tham chính trị quốc, ngoại giao đến văn chương, đóng góp nhiều công tích cho dân tộc. Nhưng trên hết, ở Lưu Đình Chất toát lên ý chí và phẩm hạnh cao quý của một nhà nho, một nhà khoa bảng lớn.
Theo tư liệu lịch sử và gia phả dòng họ Lưu, Lưu Đình Chất là cháu đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ. Ông lại là con của Lâm Quận công Lưu Đình Thường - một đại thần triều Lê. Bởi vậy, theo phong lệ thì ông được tập ấm chức quan và được phong tới chức Cấp sự trung Lại khoa hàm Chánh bát phẩm.
Với gia thế này, ngay cả khi không đỗ đạt thì Lưu Đình Chất vẫn có thể thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, với quan niệm lập thân độc lập dựa vào tài năng và phẩm hạnh nên vào năm Đinh Mùi (1607), Lưu Đình Chất tham gia ứng thí, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Vì khoa thi này không lấy tam khôi, lại là thủ khoa - đứng đầu khoa thi ấy nên Lưu Đình Chất được gọi là Đình nguyên Hoàng giáp.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1607 do Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận, Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đăng Minh vâng sắc soạn, có đoạn: “Hoàng đế kế nối cơ nghiệp lớn, suy tính lâu dài, noi phép tổ tiên lập ra quy tắc điển chế, thu dùng các bậc hiền thần, mở mang sự nghiệp, vừa lập võ công hiển hách đã liền để tâm văn trị. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương giúp mưu trù hoạch, dẹp xong loạn lạc, lấy lại kinh đô, giữ yên xã tắc.
Mặc dầu đang gấp việc dụng binh nhưng vẫn lấy việc thi chọn sĩ tử làm đầu. Năm Đinh Mùi mở khoa thi Hội… Vâng tiến hành phép thi, chọn được hạng xuất sắc 5 người. Lại vâng vào Điện thí, ban cho Lưu Đình Chất đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Nhân Triệt và 4 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Thứ bậc ơn vinh, thảy đều phép cũ…”.
Như vậy, xét theo năm sinh và năm đỗ, khi lưu danh bảng vàng thì Lưu Đình Chất đã ở tuổi 42. Chưa rõ sau khi đỗ đầu, ông được ban chức quan gì nhưng đến năm 1613, ông được thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá, được cử làm Chánh sứ sang cống nhà Minh.
Đây không chỉ là sự kiện lớn trong sự nghiệp làm quan của ông, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với quốc gia láng giềng. Không phụ sự kỳ vọng, trong chuyến đi này Lưu Đình Chất đã khéo léo gia tăng tình hòa hiếu với không chỉ nhà Minh mà còn mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly.
Khi về nước, ông được thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Nhân Lĩnh hầu. Sách “Hoằng Hóa phong vật” có chép, Tiến sĩ Lưu Đình Chất “dĩnh ngộ hơn người, văn chương nổi tiếng ở đời… Đi sứ phương Bắc, vịnh thơ thù tạc, ứng đáp, thanh danh vang động Yên Kinh”.
Năm 1614, Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thủy (Nam Định). Tại đây, ông đã xuất tiền đắp đê, lấn biển lập ra 12 làng xã mới, trong đó có hai làng Hạ Cát (xã Hồng Thuận) và Diêm Điền (xã Bình Hòa) ngày nay.
Mưu lợi cho nước, trừ hại cho dân
Trong cuộc đời làm quan, Tiến sĩ Lưu Đình Chất từng hai lần dâng khải lên chúa Trịnh Tùng xin hoãn tuyển binh ở Thanh Hóa (năm Bính Thìn - 1616) vì hai vụ lúa đều mất mùa do bị thiên tai, làm cho cuộc sống dân chúng bị đói khổ: “Một năm hai lần hạn, tai dị xuất hiện liền liền, dân thôn quê bao người la oán, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay.
Nay nghe có lệnh thúc các huyện xã tuyển thêm binh lính. Sợ rằng bây giờ không phải lúc duyệt tuyển. Nếu lệnh ấy thi hành thì những người quyền thế cai quản cũng theo đấy mà bắt chước, dân chịu sao nổi? (Đại Việt sử ký toàn thư).
Năm Mậu Ngọ (1618), Lưu Đình Chất lại dâng chúa Trịnh Tùng tờ khải “Sửa đức để dẹp điềm tai dị”, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép: “Trời xuống điềm lành hay điềm dữ là bởi người có đức hay không đức.
Nay chính sự thi hành, mệnh lệnh ban ra các tướng không thể theo lòng khoan hòa thương xót của người trên, chỉ chăm làm việc cay nghiệt, vét hết của cải của dân. Tiếng kêu sầu khổ cũng đã cảm động đến trời nên sinh ra điềm quái gở để răn bảo. Bậc nhân chủ của dân trông thấy thế nên tự xét minh”.
Năm Quý Hợi (1623), Tiến sĩ Lưu Đình Chất có công lớn trong việc dẹp loạn Hoàng tử Vạn quận công Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử, được chúa Trịnh Tráng biết tài và mến đức. Ông được thăng Đô ngự sử, sau đó là Thượng thư bộ Hộ, Tả lý công thần, làm Tham tụng (Tể tướng), hàm Thiếu bảo, gia tước Phúc quận công.
Đánh giá về Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã dành sự khen ngợi: “Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều”.
Năm 1627, Tiến sĩ Lưu Đình Chất qua đời ở tuổi 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư, được phối thờ tại đình Đông Khê, thờ tự tại nhà thờ họ Lưu ở thôn Đông Khê và tại chùa Hà Cát - Diêm Điền (Giao Thủy, Nam Định). Đình Đông Khê và lăng mộ ông được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1993. Tên của ông cũng được chọn để đặt tên cho một ngôi trường tại xã Hoằng Quỳ - quê hương ông.
Đề xuất tôn vinh nhà khoa bảng
Đầu tháng 7/2024, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản”, nhằm xác định rõ thân thế, sự nghiệp, công trạng và truyền thống tốt đẹp của Tiến sĩ Lưu Đình Chất. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp tôn vinh xứng tầm với công trạng của một nhà khoa bảng tiêu biểu cùng sự nghiệp quan trường mưu lợi cho nước, trừ hại cho dân.
Theo PGS.TS Hoàng Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa, tuy đã làm quan trong triều, nhưng Lưu Đình Chất vẫn nuôi hoài bão lớn, mong đỗ đạt cao với ý thức “tự học” và “học thật”. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng vẫn tham dự khoa thi và đạt danh hiệu Đình nguyên Hoàng giáp, được triều đình vua Lê - chúa Trịnh tin dùng.
TS Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam nhận định, trong bối cảnh chung của giáo dục nho học Đàng Ngoài thời Lê trung hưng, Tiến sĩ Lưu Đình Chất là nhân vật nổi trội nhất, cả về con đường làm quan cũng như công lao, đóng góp với quê hương, đất nước.
Không chỉ vậy, với tư cách một nhà khoa bảng lớn, Tiến sĩ Lưu Đình Chất còn để lại cho hậu thế những trước tác văn học có giá trị. Mặc dù sách “Toàn Việt thi lục” chỉ chép lại được 18 bài thơ sứ trình của Lưu Đình Chất, nhưng chỉ ngần ấy đã đủ để người nay thấy được phẩm chất, tài năng thơ ca và phần nào tài năng ngoại giao của ông.
“Đối với người được chọn làm Chánh sứ sang Trung Hoa, một trong những tiêu chí hàng đầu là người đó phải có tài “chuyên đối”, tức khả năng ứng đối một cách sắc bén, linh động, thỏa đáng. Sự ứng đối đó không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng thơ văn. Nói cách khác, người làm Chánh sứ phải có tài văn chương”, TS Phạm Văn Ánh - Viện Văn học Việt Nam nhận xét.
Là một nhà khoa bảng, một vị đại thần có công lớn đối với đất nước, song những di tích liên quan đến Tiến sĩ Lưu Đình Chất đến nay không còn nhiều. Nhà nghiên cứu Phạm Tấn - Tổng thư ký Hội KHLS Thanh Hóa cho biết, ở cánh đồng phía đông làng, dòng họ Lưu vẫn lưu giữ ngôi mộ được bao lăng khá lớn.
Mọi người trong làng và trong họ cũng khẳng định đó là mộ của Tiến sĩ Lưu Đình Chất. Theo ông Tấn, đây là ngôi mộ có quy mô khá lớn, nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo một cách xứng đáng với tên tuổi và vị thế của danh nhân. Đó là điều làm cho bất kỳ ai cũng cảm thấy mủi lòng.
Đặc biệt tại làng Đông Khê hiện nay, ở phía cuối làng - nơi sát gần với sông Môn là một khu đất rộng tới trên dưới một ngàn mét vuông, tương truyền là khu đất nhà cũ của Lưu Đình Chất, được các chí sĩ, văn thân các làng, trong tổng thống nhất chọn làm nơi xây dựng văn chỉ hồi thế kỷ 19 để thờ Khổng Tử và các nhà khoa bảng.
Mặc dù văn chỉ và dấu tích nhà xưa của Lưu Đình Chất không còn hiệu hữu, nhưng phần lớn đất đai đã từng là nhà ở của gia đình ông và văn chỉ hàng tổng vẫn còn rất rộng và chưa bị xâm lấn.
“Đây có thể là địa điểm lý tưởng để phục hồi, tôn tạo lại hai hạng mục có liên quan đến danh nhân Lưu Đình Chất, đó là đền thờ danh nhân Lưu Đình Chất và nhà văn chỉ hàng tổng. Với sắc phong, mộ chí và địa điểm để lập lại đền thờ trên nền đất cũ, cùng những tư liệu mà gia phả, bia ký, sử sách đã ghi chép về ông, hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý và khoa học để các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận, phục hồi các địa điểm di tích liên quan đến danh nhân Lưu Đình Chất”, nhà nghiên cứu Phạm Tấn đề nghị.
Tại hội thảo, giới nghiên cứu cũng đề xuất một số việc khả thi, cần thiết và có thể áp dụng được nhằm khơi dậy tinh thần hiếu học và yêu nước từ tấm gương Tiến sĩ Lưu Đình Chất.
Các môn học như “Giáo dục địa phương” và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ít nhất là ở huyện Hoằng Hóa, gần hơn nữa là ở xã Hoằng Quỳ cần đưa nhà khoa bảng Lưu Đình Chất vào nội dung giảng dạy (phần mềm) ở cả 3 nội dung: Lịch sử địa phương, Văn học địa phương và Văn hóa địa phương.
Cần tổ chức các buổi học tập, trải nghiệm tại các di tích có liên quan đến danh nhân Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Đình làng Đông Khê, Từ đường họ Lưu Đình, Khu lăng mộ Lưu Đình Chất…), tổ chức các buổi nói chuyện, hay các cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân tiêu biểu của quê hương.
“Nước ta kể từ khi nền khoa cử Nho học được tổ chức khá thường xuyên và quy củ, từ đời Trần (1225 - 1400) trở đi, người được cử vào chức Chánh sứ đều phải là bậc đỗ Đại khoa (tức Tiến sĩ, Hoàng giáp trở lên). Chính vì yêu đức độ, trọng tài học của Lưu Đình Chất cho nên Triết vương Trịnh Tùng đã cử ông làm Chánh sứ sang nhà Minh tuế cống vào năm 1613”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học Việt Nam.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tien-si-ho-luu-thanh-danh-vang-dong-yen-kinh-post692222.html