Tiến sĩ Lê Thu Hà lý giải hiện tượng 'nghiện' drama livestream của giới trẻ

Trong cuộc trò chuyện với PV Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Tiến sĩ (TS) Lê Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phân tích hiện tượng hàng triệu bạn trẻ dành hàng giờ theo dõi livestream 'drama' của người nổi tiếng từ góc độ tâm lý và truyền thông. Vì sao những nội dung này lại thu hút đến vậy? Và cần làm gì để hướng người trẻ đến những giá trị tích cực, hữu ích hơn trên không gian mạng?

Thưa TS. Lê Thu Hà, việc hàng triệu bạn trẻ thức khuya xem các livestream tranh cãi hoặc đối chất chuyện tình cảm của người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể được lý giải như thế nào từ góc độ tâm lý truyền thông? Đây đơn thuần là hành động giải trí, hay nó phản ánh những nhu cầu sâu xa hơn của giới trẻ hiện nay?

TS. Lê Thu Hà: Từ góc độ tâm lý học truyền thông, hiện tượng này có thể lý giải qua lý thuyết Social Surrogacy Hypothesis (Giả thuyết Thế thân Xã hội), cho rằng người trẻ tìm đến các nội dung kịch tính như một cách thay thế cho sự tương tác xã hội thực tế. Khi các nhân vật nổi tiếng thể hiện cảm xúc mãnh liệt hoặc giải quyết mâu thuẫn công khai, người xem có cảm giác mình được tham gia trực tiếp vào sự kiện đó, từ đó thỏa mãn nhu cầu được kết nối xã hội và cảm giác thuộc về (Sense of Belonging).

TS. Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

TS. Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngoài ra, còn có yếu tố của FOMO (Fear of Missing Out - Nỗi sợ bị bỏ lỡ). Trong bối cảnh mạng xã hội cung cấp thông tin liên tục, việc không theo kịp các "drama" khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng, lạc lõng, không thể hòa nhập với bạn bè trong các cuộc nói chuyện, thảo luận.

Theo bà, điều gì khiến những nội dung mang tính “drama”, tranh cãi lại thu hút đông đảo khán giả trẻ như vậy? Việc các bạn trẻ dành nhiều giờ đồng hồ để theo dõi những nội dung này có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm lý và nhận thức của họ?

TS. Lê Thu Hà: Trên góc độ truyền thông, hiện tượng những nội dung mang tính "drama" hay tranh cãi thu hút đông đảo khán giả trẻ là kết quả của Hiệu ứng Viral và Thuật toán Cá nhân hóa của các nền tảng mạng xã hội. Những nội dung gây sốc, chứa đựng yếu tố drama hoặc mang tính tranh cãi thường dễ dàng đạt được độ lan tỏa (viral) rộng rãi do khán giả có xu hướng chia sẻ, bình luận, phản ứng mạnh. Chính sự tương tác này lại được thuật toán ưu tiên đẩy lên cao hơn, tạo thành một vòng lặp khuếch đại thông tin.

Từ khía cạnh tâm lý truyền thông, những nội dung như vậy kích thích sự tò mò mang tính giải trí của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, con người có xu hướng bị hấp dẫn bởi những thông tin gây tranh cãi hoặc khác thường, bởi não bộ luôn tìm kiếm sự mới mẻ để giải phóng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao các livestream có tính drama, tranh cãi cá nhân lại dễ trở thành tiêu điểm chú ý của cộng đồng mạng.

Việc dành nhiều giờ đồng hồ để theo dõi những nội dung này có thể gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm lý và nhận thức của người trẻ. Trước hết, nó làm tăng nguy cơ quá tải thông tin, khi não bộ liên tục phải xử lý các thông điệp xung đột. Việc này dễ dẫn đến trạng thái căng thẳng, rối loạn chú ý và thậm chí là Hội chứng Burnout Kỹ thuật số - tình trạng kiệt sức tinh thần do tiếp xúc quá mức với các nội dung tiêu cực hoặc không phù hợp.

Ngoài ra, việc tiêu thụ nội dung "drama" quá mức còn có thể khiến người trẻ trở nên nhạy cảm hơn với những tình huống tranh cãi, đồng thời hình thành nhận thức lệch lạc về cách giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống thực tế. Khi đó, các bạn trẻ dễ bị cuốn theo lối suy nghĩ cực đoan, tìm kiếm sự thỏa mãn tức thời qua các nội dung tiêu cực, thay vì hướng tới những giá trị tích cực.

Với tư cách là chuyên gia truyền thông, TS đánh giá như thế nào về việc các hiện tượng mạng hoặc người nổi tiếng sử dụng livestream như công cụ để giải quyết mâu thuẫn, công khai chuyện cá nhân? Liệu điều này có góp phần định hình xu hướng giải trí hoặc lối sống thiếu lành mạnh cho giới trẻ?

TS. Lê Thu Hà: Việc các hiện tượng mạng, người nổi tiếng sử dụng livestream để giải quyết mâu thuẫn hoặc công khai những câu chuyện cá nhân là một hiện tượng đáng quan sát từ cả khía cạnh truyền thông lẫn tâm lý học xã hội.

Từ góc độ truyền thông, livestream được xem như một công cụ giao tiếp tức thời có khả năng tiếp cận trực tiếp đến một lượng lớn khán giả mà không cần qua bất kỳ bộ lọc biên tập nào. Điều này tạo ra sức hấp dẫn bởi tính chân thực và cảm giác tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, chính tính chất này của livestream cũng có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Khi người nổi tiếng hoặc hiện tượng mạng chọn cách công khai mâu thuẫn cá nhân qua livestream, đó không chỉ là việc truyền tải thông tin mà còn là quá trình "thao túng cảm xúc khán giả" để thu hút sự chú ý.

Một khía cạnh đáng lo ngại là việc các cá nhân sử dụng livestream như một công cụ để phản bác, công kích hoặc thậm chí đe dọa lẫn nhau trước công chúng. Điều này vô tình tạo ra một mô hình giải quyết mâu thuẫn thiếu lành mạnh và phiến diện, nhất là khi người theo dõi phần lớn là giới trẻ - nhóm tuổi đang trong quá trình hình thành nhận thức và phát triển tư duy. Nếu thường xuyên tiếp xúc với những nội dung "drama" được phát trực tiếp, khán giả trẻ có thể hình thành tâm lý ưa thích tranh cãi, dễ bị kích động, hoặc cho rằng việc công khai hóa mâu thuẫn cá nhân là cách thể hiện cá tính và sức ảnh hưởng.

Ngoài ra, sự phổ biến của livestream còn thúc đẩy hiện tượng Tiêu thụ nhanh - hiện tượng người xem tìm kiếm sự thỏa mãn tức thời qua các sự kiện gây sốc hoặc tranh cãi. Điều này làm suy giảm khả năng suy nghĩ sâu sắc, phân tích và đánh giá thông tin của người trẻ. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội lại ưu tiên những nội dung gây tranh cãi cao, dẫn đến một vòng lặp tiêu cực khiến giới trẻ ngày càng bị cuốn vào các "drama" thay vì các giá trị tích cực.

Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập những nội dung tiêu cực hoặc kém chất lượng, theo bà, đâu là những tiêu chí mà người trẻ nên cân nhắc khi lựa chọn nội dung để theo dõi? Và làm thế nào để khuyến khích họ hướng tới những giá trị tích cực, hữu ích trên không gian mạng?

TS. Lê Thu Hà: Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập những nội dung tiêu cực, kém chất lượng, việc lựa chọn nội dung để theo dõi cần được nhìn nhận như một kỹ năng sống thiết yếu của người trẻ trong thời đại số. Theo tôi, có ba tiêu chí quan trọng mà các bạn trẻ nên cân nhắc khi lựa chọn nội dung: Tính xác thực (Authenticity), giá trị tri thức (Educational Value) và tính nhân văn (Humanity).

TS.Lê Thu Hà cho rằng ba tiêu chí quan trọng mà các bạn trẻ nên cân nhắc khi lựa chọn nội dung tiếp nhận là tính xác thực, giá trị tri thức và tính nhân văn.

TS.Lê Thu Hà cho rằng ba tiêu chí quan trọng mà các bạn trẻ nên cân nhắc khi lựa chọn nội dung tiếp nhận là tính xác thực, giá trị tri thức và tính nhân văn.

Thứ nhất, tính xác thực là yếu tố tiên quyết. Các bạn trẻ cần nhận biết được những dấu hiệu của thông tin đáng tin cậy như nguồn gốc rõ ràng, người phát ngôn có chuyên môn hoặc uy tín trong lĩnh vực được nhắc đến. Tránh xa những nội dung mang tính giật gân, kích động hoặc không có căn cứ khoa học.

Thứ hai, giá trị tri thức đề cập đến khả năng học hỏi hoặc mở rộng hiểu biết từ những nội dung được tiếp nhận. Nội dung tích cực không chỉ nằm ở việc giải trí lành mạnh mà còn là những chia sẻ về kỹ năng sống, kiến thức chuyên môn hoặc những câu chuyện truyền cảm hứng có chiều sâu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Gen Z – thế hệ được coi là "Digital Natives" (người lớn lên cùng công nghệ kỹ thuật số) nhưng lại dễ bị cuốn vào các vòng lặp thông tin hời hợt.

Thứ ba, tính nhân văn giúp người trẻ định hình giá trị đạo đức và thái độ sống đúng đắn. Những nội dung khuyến khích lòng trắc ẩn, yêu thương và sẻ chia cần được ưu tiên. Điều này giúp xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, nơi mỗi cá nhân đều cảm thấy được tôn trọng và có trách nhiệm với những hành động của mình.

Để khuyến khích người trẻ hướng tới những giá trị tích cực, trước hết cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm cá nhân trong việc tiêu thụ nội dung. Đồng thời, truyền thông giáo dục cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc phổ biến các tiêu chí chọn lọc nội dung lành mạnh, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng truyền thông số hoặc các chiến dịch xã hội tích cực.

Các nền tảng mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm trong việc tối ưu hóa thuật toán để đề xuất nhiều hơn những nội dung tích cực, bổ ích thay vì chỉ ưu tiên các nội dung gây tranh cãi để thu hút lượt xem. Cuối cùng, chính người trẻ cũng cần học cách tự bảo vệ mình khỏi những tác động tiêu cực bằng cách xây dựng hệ giá trị cá nhân vững vàng và tinh thần phản biện mạnh mẽ.”

Nếu muốn tận dụng sức hút của livestream hoặc các nền tảng mạng xã hội để truyền tải những thông điệp tích cực đến người trẻ, bà nghĩ rằng cần có những giải pháp cụ thể nào từ cả người làm truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung lẫn chính bản thân người dùng trẻ tuổi?

TS. Lê Thu Hà: Nếu muốn tận dụng sức hút của livestream và các nền tảng mạng xã hội để truyền tải những thông điệp tích cực đến người trẻ, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba nhóm: người làm truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung và chính bản thân người dùng trẻ tuổi.

Đối với người làm truyền thông, cần xây dựng những chiến dịch truyền thông mang tính giáo dục, truyền cảm hứng cao, kết hợp giữa tính giải trí và giá trị nhân văn. Những nội dung này cần được thiết kế một cách sáng tạo, ngắn gọn, phù hợp với cách tiếp nhận thông tin nhanh của giới trẻ. Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia của người trẻ bằng cách tạo ra các diễn đàn thảo luận, các thử thách ý nghĩa hoặc các chương trình giao lưu trực tuyến với chuyên gia, nghệ sĩ có ảnh hưởng tích cực.

Các nhà sáng tạo nội dung đóng vai trò trung gian vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là người sản xuất nội dung mà còn định hình xu hướng, ngôn ngữ và tư duy của người trẻ. Do đó, các nhà sáng tạo nội dung cần ý thức được trách nhiệm xã hội của mình. Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm giải trí, họ cần tích cực lan tỏa những giá trị tích cực như khuyến khích học tập, phát triển bản thân, nâng cao nhận thức xã hội và rèn luyện kỹ năng sống lành mạnh. Việc kết hợp giữa nội dung giải trí và thông điệp tích cực sẽ tạo nên sự cuốn hút tự nhiên, thay vì áp đặt hoặc giáo điều.

Đối với chính người trẻ - đối tượng tiếp nhận, việc chủ động lựa chọn nội dung phù hợp là rất quan trọng. Các bạn cần học cách phân biệt giữa giải trí vô bổ và giải trí lành mạnh. Mặt khác, người trẻ cũng có thể trở thành những “người sáng tạo nội dung” bằng cách chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của chính mình. Tinh thần tự học hỏi, lan tỏa giá trị tốt đẹp sẽ tạo ra một chuỗi cộng hưởng tích cực trên không gian mạng.

Cuối cùng, để livestream và mạng xã hội trở thành công cụ truyền tải thông điệp tích cực, cần có sự phối hợp của tất cả các bên. Chỉ khi người làm truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung và bản thân người dùng trẻ cùng hành động vì mục tiêu chung, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh.

Trân trọng cảm ơn bà!

Ảnh: Lê Vượng

TS. Lê Thu Hà (1982), hiện là Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với 20 năm kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Bà là Tổng biên tập của Đặc san Báo chí trẻ và Trang tin Truyền thông trẻ, đồng thời là chủ biên nhiều công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo như Công chúng báo chí (2020), Giáo trình Công chúng báo chí - truyền thông (2024) và biên soạn nhiều sách khác.

Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tien-si-le-thu-ha-ly-giai-hien-tuong-nghien-drama-livestream-cua-gioi-tre-post1729617.tpo