Tiến sĩ người nước ngoài đầu tiên do Trường ĐH Kinh tế Huế đào tạo
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế đã trao bằng cho tân tiến sĩ nước ngoài đầu tiên do nhà trường đào tạo.
Chiều 4/12, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế đã tổ chức Lễ trao bằng cho 2 tân tiến sĩ và 104 tân thạc sĩ các lớp K21 khóa 2020-2022 và các khóa trước.
Trong 2 tân tiến sĩ có 1 tiến sĩ mang quốc tịch Lào. Điều đặc biệt, đây là tiến sĩ nước ngoài đầu tiên do nhà trường đào tạo.
Được biết, tân tiến sĩ quốc tịch Lào là bà Manivanh Lobriayao (SN 1984, hiện đang công tác tại Văn phòng Quốc hội Lào). Tân tiến sĩ Manivanh Lobriayao là nghiên cứu sinh hệ đào tạo tập trung từ năm 2015 tại Trường Đại học Kinh tế, ĐH Huế chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Do dịch Covid-19 kéo dài nên quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ của bà Manivanh bị gián đoạn, tuy nhiên với tinh thần không quản khó khăn, bà đã bảo vệ luận án thành công vào tháng 6/2022 với đề tài “Hoàn thiện quản lý điểm du lịch tại thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào”. Trong quá trình học, bà Manivanh đã đăng 2 công trình khoa học trên Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương và Tạp chí Khoa học Đại học Huế - Kinh tế và Phát triển.
Trong 104 học viên tốt nghiệp thạc sĩ đợt này đã có 21 học viên đạt điểm trung bình chung học tập từ 8-9 điểm, chiếm 16,94%; có 78 học viên đạt từ 7-cận 8 điểm, chiếm 62.9 %. 5 học viên đạt từ 5-7 điểm, chiếm 4%.
Đến nay, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã đào tạo được 3.311 thạc sĩ và hiện có 347 học viên đang theo học ở 2 chuyên ngành: Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh. Về đào tạo trình độ tiến sĩ, đến nay đã đào tạo được 35 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh đang chờ cấp bằng và hiện có 2 nghiên cứu sinh đang theo học.
Cũng trong chiều cùng ngày, nhà trường đã tổ chức Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân hệ chính quy khóa học 2018-2022 và các khóa khác cho 247 sinh viên, gồm 160 sinh viên của khóa 52 và 87 sinh viên của các khóa khác.
Tại buổi lễ tốt nghiệp, PGS.TS Trần Văn Hòa - Hiệu trưởng nhà trường đã chúc mừng kết quả học tập, nghiên cứu các tân tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân. Hiệu trưởng khẳng định, trong quá trình đào tạo, nhà trường chỉ mới trang bị những kiến thức cơ bản và để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội trong thực tiễn, đòi hỏi mỗi cá nhân tiếp tục học tập, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, từ đó vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của doanh nghiệp, địa phương, và đất nước.