Tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân: Người khổ học thành tài
Sinh ra trong gia đình có người làm quan, song gia cảnh khá nghèo. Vì ham học, Nguyễn Lệnh Tân (1726-1777) từ nhỏ đã thuộc làu kinh sử và đỗ tiến sĩ vào năm 38 tuổi.
Về thôn Nguyên Thành, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), xưa thuộc xã Phù Lê, huyện Thụy Nguyên, nhắc đến Nguyễn Lệnh Tân là nhắc đến tấm gương “đi ở mà học nên người”. Chẳng là thuở nhỏ ông từng phải đi ở cho một nhà giàu. Chủ nhà mời thầy về dạy cho con, Tân thường hay học ghé. Nhờ thông minh nên có lúc ông dạy kèm, có lúc lại làm bài thay cho con chủ. Thầy phát hiện bèn kiểm tra, thấy Tân học hết chữ thầy, giỏi hơn thầy, nên không dám dạy nữa. Từ đó, Tân đảm nhiệm dạy luôn cho con nhà chủ.
Kiên trì là phẩm chất đáng quý của ông. Điều này thể hiện qua việc nhiều lần đèn sách đi thi. “Vạn sự khởi đầu nan”, lần đầu tiên tham gia thi hương năm 1747, gần sát ngày thi, thân phụ qua đời, ông phải chịu tang nên đành gác lại. Đến năm 1750, ông thi hương đỗ sinh đồ giải ưu (quy định thi hương phải trải qua 4 trường. Nếu đỗ 3 trường thì gọi là sinh đồ, 4 trường thì gọi là hương cống). Năm 1753, ông tiếp tục thi hương và đỗ hương cống. Mùa xuân năm 1754, ông thi hội nhưng không trúng cách để dự thi đình. Không nản chí, những năm kế tiếp, ông vẫn kiên trì dự thi hội nhưng không đạt như mong muốn. Bấy giờ gặp khoa thi sĩ vọng (khoa thi dành cho những cống sĩ có danh tiếng mà lâu nay chưa được trọng dụng) và ông đã thi đỗ, được bổ làm quan huấn đạo - một chức quan coi việc học ở một huyện (trật chánh cửu phẩm). Đến năm 38 tuổi, khoa thi Quý Mùi (1763) đời vua Lê Hiển tông, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, được ban phát áo mũ cân đai để về quê vinh quy bái tổ. Cũng trong năm ấy, nhằm ngày 2-12 vua cho khắc tên những người đỗ tiến sĩ vào bia đá dựng ở Văn Miếu - Quốc tử giám ở Thăng Long để vinh danh đời đời, tên ông được khắc ở tấm bia số 76. Câu đối “Tam giáp khoa danh thùy vũ trụ/ Thiên thu đệ trạch hoán trăm bào” cũng là để ca ngợi về sự khổ học thành tài của ông.
Không chỉ có tài, ông còn là người có đức. Được vua ban cho 3 mẫu ruộng đất làm dinh, thấy ruộng đất của làng hẹp, nếu lấy 3 mẫu làm dinh thì dân làng phải dỡ nhà tự tìm nơi ở mới. Nhưng lệnh vua ban, không thể không nhận. Thương dân, ông đã chọn bãi cát sát lòng sông không có nhà ở mà cũng không trồng trọt được gì để làm nơi quần ngựa. Tương truyền, chữ “lệnh” trong tên ông là do vua ban để ghi nhớ bề tôi biết tuân lệnh.
Sau khi vinh quy bái tổ, ông hồi kinh và được triều đình cử giữ chức cấp sự trung (trật chánh bát phẩm) ở Hiến sát ty Hải Dương đến hết tháng 8-1767. Thời kỳ này loạn thần, thổ phỉ nổi lên nhiều, cướp của dân quấy phá khắp nơi, ông được cử làm tham mưu dưới quyền chỉ huy của Bùi Thế Đạt dẹp bọn loạn thần ở Nghệ An. Sau khi dẹp giặc cỏ, tháng 1-1770, Nguyễn Lệnh Tân được bổ cử vào làm ở Hàn lâm viện. Ở đây ông đã được phong đến chức Hàn lâm viện thị độc (hàm chính ngũ phẩm) cho đến tháng 9-1774, ông lại tự nguyện xung phong vào đoàn quân của Thống soái Hoàng Ngũ Phúc đi vào đàng trong dẹp loạn. Chính tư tưởng tiên phong, dám từ bỏ chức tước trong Hàn lâm viện để xin tòng quân đánh giặc là một trong những điều đáng nhớ ở Nguyễn Lệnh Tân. Ngoài ra, ông còn có tố chất của một người làm ngoại giao, thông kinh thư, hiểu tích sử, ứng biến tài ba, cương nhu đúng lúc. Việc Nguyễn Lệnh Tân nhiều lần được triều đình cử đi làm khâm sai, sứ giả, cho thấy ông là người văn võ song toàn, cơ mưu, trí tuệ hơn người lại có tài ngoại giao, cũng là con người chính trực, dám nói thẳng. Ông từng dâng lên bản tấu: Cầu (Phạm Ngô Cầu) hèn nhát, làm lỡ việc, Thuận Quảng tất mất ở tay người ấy, xin chém đầu đi mà dùng tướng khác, may ra có thể giữ được Thuận Quảng”.
Từ hàng ngũ phẩm năm 1774, Nguyễn Lệnh Tân đã được ban lên hàng tam phẩm vào năm 1777. Trong khi theo chế độ bổ dụng, thuyên chuyển lúc bấy giờ quy định 3 năm thăng chức một lần thì ông chỉ trong vòng gần 3 năm thăng lên 2 bậc; đồng thời trực tiếp được Chúa Trịnh thăng mà không qua các quan chức Bộ Lại tấu lên xin chuẩn chỉ để triều đình phê chuẩn rồi giao lại cho Hàn lâm viện thảo chỉ trình bổ dụng. Cuộc đời làm quan trường trong 14 năm ông kinh qua các chức vụ Viện Hàn lâm thừa chỉ, Đông Các đại học sĩ, chánh sứ Sơn Nam, Sơn Tây và được ban làm Gia hành đại phu công bộ tả thị lang.
Thật tiếc là ông đã sớm ra đi khi mới 52 tuổi, đang độ chín của tài năng và kinh nghiệm để cống hiến cho dân, cho nước. Đến nay, ngoài cuốn Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa (Nguyễn Văn Thịnh chủ biên), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)... tài liệu ghi rõ nhất thân thế, sự nghiệp của ông là sách Đại Việt sử ký tục biên. Trong đó còn ghi rõ về thân phụ ông là cụ Nguyễn Cơ, một vị quan thanh liêm được xếp ở hàng ngũ đại thần của triều đình và con trai ông là Nguyễn Lệnh Khuê cũng đã từng làm quan chép sử ở Hàn lâm viện, sau làm tri phủ Hà Trung và làm Khâm sai Chưởng tả quân Bình tây đại tướng quân, tước quận công.
Về xã Thiệu Nguyên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Lệnh Bưởng, hậu duệ đời thứ 7 của tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân. Ông thuộc chi tiết từng sự kiện liên quan tới cụ Nguyễn Lệnh Tân và giới thiệu với chúng tôi: Nhà thờ Nguyễn Lệnh Tân được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 2006. Trải qua nhiều biến cố, thời tiết khắc nghiệt, nhà thờ có tuổi đời gần 120 năm với 5 gian được làm bằng gỗ xoan, sau thời gian dài xuống cấp, hư hỏng, đến năm 2012 cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, con cháu dòng họ Nguyễn Lệnh đã đóng góp tiền của để trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ. Sự tri ân tiền nhân này đã thêm lần nữa khẳng định: Công trạng sáng ngời trong sử sách/ Danh thành bia đá khắc ai quên.
Tại nhà thờ Đông Các đại học sĩ Nguyễn Lệnh Tân đến nay vẫn khắc ghi câu đối: “Phú vi văn/ Đức duy huynh” để nhắc nhớ con cháu về truyền thống trọng chữ, trọng đức của cha ông.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên Nguyễn Viết Hạnh cho biết: “Dù không phải con cháu dòng họ, nhưng mỗi khi nhắc đến Thiệu Nguyên chúng tôi đều rất tự hào khi quê hương có tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân”.