TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH ĐỒNG NAI NHIỆM KỲ 2025-2030 Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước sau 40 năm đổi mới

Đại hội XIV của Đảng là dấu mốc tròn 40 năm Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Sau đổi mới, đất nước đã vươn lên phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Tổng kết 40 năm đổi mới đất nước để đúc kết những thành quả đã đạt được, nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và đề ra những giải pháp phù hợp là công việc hệ trọng. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng (gọi tắt là dự thảo văn kiện) dành hẳn một mục đánh giá về 'Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước sau 40 năm đổi mới'.

Đại hội XIV của Đảng không chỉ tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, mà còn là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng để Việt Nam phấn đấu xây dựng một quốc gia hùng cường, phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong ảnh: Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Đại hội XIV của Đảng không chỉ tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, mà còn là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng để Việt Nam phấn đấu xây dựng một quốc gia hùng cường, phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong ảnh: Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tổng kết 40 năm đổi mới đất nước

Đại hội VI của Đảng mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sau đại hội, hàng loạt chủ trương, chính sách mới được ban hành để gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh. Với những chủ trương đúng đắn, chỉ chưa đầy 2 năm sau, năm 1988, nền kinh tế đất nước bắt đầu xuất hiện những thành quả thấy rõ, lạm phát và tốc độ tăng giá đã giảm, đời sống của nhân dân bắt đầu được cải thiện. Đặc biệt, “khoán 10” đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Chỉ sau một năm khi thực hiện “khoán 10”, Việt Nam không chỉ sản xuất lương thực đủ cho nhu cầu trong nước, mà còn xuất được hơn 1 triệu tấn gạo vào năm 1989…

Từ một nền kinh tế với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, sau 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều hàng nông sản đứng hàng đầu thế giới. Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993, xuống còn khoảng 1,1% (theo chuẩn nghèo đa chiều) năm 2025. Quy mô nền kinh tế đến hết năm 2024 tăng gần 100 lần so với năm 1986, đứng thứ 4 Đông Nam Á và thứ 32 thế giới, GDP bình quân đầu người hiện nay gấp gần 25 lần sau 4 thập kỷ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên khoảng 74,7 tuổi năm 2025, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm nước trung bình cao của thế giới. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước trên thế giới và thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia, trong đó có 4/5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đại hội XIV của Đảng không chỉ tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, mà còn là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng để Việt Nam phấn đấu xây dựng một quốc gia hùng cường, phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.

Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, nhất là tiến tới mốc 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045), Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá tổng kết 40 năm đổi mới đất nước thật sự thẳng thắn, nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện cũng như dự báo được bối cảnh tình hình thế giới, khu vực; tâm tư, tình cảm, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài... Chỉ có như vậy Đảng mới có thể đề ra những quyết sách phù hợp. Muốn vậy, cần hạn chế tối đa những đánh giá định tính chung chung, mà cần những con số cụ thể.

Cần tư duy, tầm nhìn mới

Văn kiện, nhất là những đánh giá về 40 năm đổi mới đất nước phải chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam dự kiến sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, ít nhất là cho tới năm 2045. Ngay cả sự phát triển kinh tế của Việt Nam những năm qua cũng cần đánh giá một cách thẳng thắn, trung thực, nhìn thẳng vào sự thật để rút ra những bài học kinh nghiệm và có những điều chỉnh chiến lược phù hợp. Chẳng hạn, tính bền vững của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhưng vấn đề bảo vệ môi trường, các chính sách xã hội… đã thật sự tương xứng với tăng trưởng kinh tế hay chưa…

Có nghĩa là trong bối cảnh mới hiện nay, cần có một tư duy, tầm nhìn mới, những tư duy, tầm nhìn mới này chắc chắn phải là những nội dung hệ thống logic xuyên suốt trong các văn kiện trình đại hội. Chẳng hạn, chủ đề của báo cáo cũng là chủ đề của đại hội nêu trong dự thảo văn kiện là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII) vừa qua, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo văn kiện, còn tiếp tục có những chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và đã bỏ cụm từ “quyết tâm”, thay vào đó là khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn thông điệp mang tính hiệu triệu ngắn gọn, súc tích tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của đại hội. Có thể thấy, đã đến lúc các từ mang tính hô hào chung chung như “tăng cường”, “nâng cao”, “đẩy mạnh”, “tiếp tục phát huy”, “tăng cường hơn nữa”, “đẩy mạnh hơn nữa”, “quyết liệt” phải giảm tối đa trong dự thảo văn kiện, mà nên thay thế bằng những từ khẳng định ngắn gọn, mạnh mẽ, chắc chắn.

Từ tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, dự thảo văn kiện đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm “mang tầm lý luận về đường lối đổi mới”. Đây có lẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của dự thảo văn kiện đại hội lần này, vì sau 40 năm đổi mới đất nước, từ thực tiễn phong phú, Đảng ta đã “từng bước hình thành và hoàn thiện được lý luận về đường lối đổi mới ở
Việt Nam”.

Phân tích một cách khách quan, thấu đáo cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước sau 40 năm đổi mới, đánh giá thật chính xác những khó khăn, thách thức, rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là làm rõ nội hàm “lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam” chính là góp phần vun đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước trong kỷ nguyên mới của đất nước và dân tộc.

TS Vũ Trung Kiên

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị khu vực II

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-tinh-dong-nai-nhiem-ky-2025-2030-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-dat-nuoc-sau-40-nam-doi-moi-fb818d7/