Tiến trình dự án mở rộng sân bay dân dụng tại Thanh Hóa
Vướng mắc tại dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, Thanh Hóa đang được tháo gỡ.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa mục tiêu xây dựng Cảng hàng không Thọ Xuân (Sân bay Thọ Xuân) trở thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025 khó hoàn thành. Đồng thời, nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà ga hành khách T2 trước năm 2023 chưa thực hiện được.
Đó là nội dung báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 21/11/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 26-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện khâu đột phá về phát triển hạ tầng giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh năm 2023 mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa vừa thực hiện.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Thanh Hóa với mục tiêu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đối với hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội địa phương. Vì vậy, thời gian qua tỉnh này đang tích cực thực hiện rốt ráo mục tiêu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, là một công trình giao thông trọng điểm giúp kết nối giao thông địa phương này với các khu vực trong và ngoài nước nhưng hiện đang có dấu hiệu quá tải.
Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) được khai thác hàng không dân dụng từ ngày 5/2/2013. Sân bay đang khai thác 8 đường bay nội địa và tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế trong thời gian qua với 1 đường băng và nhà ga hành khách T1 công suất 1,2 triệu khách/năm. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, lượng hành khách qua Sân bay Thọ Xuân có dấu hiệu quá tải.
Theo ghi nhận, trong năm 2020, lượng hành khách qua sân bay này đã đạt trên 1,2 triệu lượt hành khách. Tới năm 2022, lượng hành khách đạt khoảng 1,6 triệu lượt hành khách/năm, vượt xa công suất thiết kế.
Trước thực trạng trên, năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch sân bay Thọ Xuân thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, công suất thiết kế 5 triệu khách/năm. Để đạt công suất này cần 8.200 tỷ đồng xây dựng đường băng thứ 2, nhà ga T2 và các công trình liên quan.
Tới tháng 9/2021, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã có Quyết định số 2930/QĐ-TCTCHKVN triển khai kế hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa công suất 27.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng lên 50.000 tấn/năm; thực hiện dự án triển khai đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, hạ tầng kỹ thuật khai thác nhà ga T2; mở rộng sân đỗ lên 7 vị trí; công trình dịch vụ kỹ thuật, thương mại hàng không và mua sắm trang thiết bị khai thác đảm bảo khai thác đáp ứng công suất khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm, đủ điều kiện công bố cảng hàng không quốc tế theo quy định.
Tuy nhiên, tháng 3/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị quản lý, khai thác nhà ga sân bay Thọ Xuân có công văn cho biết, dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay Thọ Xuân và kết cấu hạ tầng đồng bộ sân bay Thọ Xuân không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nên sẽ đầu tư sau năm 2025. Đồng thời ACV đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp nếu có nhu cầu đầu tư ngay.
Trước tầm quan trọng cấp thiết của dự án mở rộng nâng cấp Sân bay Thọ Xuân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tìm phương án tháo gỡ. Theo đó, địa phương này đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sân bay Thọ Xuân theo quy hoạch đến năm 2030.
Trước đề xuất trên, trong tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, tại buổi làm việc này Thủ tướng đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân theo phương thức PPP; giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn.
Trao đổi nhanh với Người Đưa tin, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết, dự án mở rộng nâng cấp sân bay Thọ Xuân là một dự án giao thông quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, dự án được thực hiện có một số điểm mới nên các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thiện nghiên cứu hồ sơ liên quan đầu tư.
"Dự án có một số điểm mới nên các cơ quan chuyên môn đang khẩn trương tích cực tháo gỡ vướng mắc như Nghi định, Thông tư liên quan công tác đầu tư để sớm tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án quan trọng này. Hiện, Thanh Hóa đã gửi xong báo cáo xin ý kiến của Bộ Giao thông vận tải", ông Tuấn cho biết.