Tiếng Anh không là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT: Vừa mừng, vừa lo
Dù phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT nhận được sự đồng tình của đông đảo học sinh, giáo viên nhưng vẫn còn không ít ý kiến lo ngại khi Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc.
Tập trung ôn tập theo phương án thi mới
Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn còn lại, thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, nguyên tắc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.
Phương án này nhận được sự đồng tình của học sinh và phụ huynh. Đây cũng là phương án được học sinh mong chờ nhất trong những ngày qua. Bởi theo các em, giảm một môn thi bắt buộc là giảm thêm áp lực thi cử.
Sau khi Bộ GDĐT chốt phương án thi, nhiều học sinh đã lên kế hoạch ôn luyện chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025.
Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 11A9, Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay, em thở phào với phương án thi mới. Các em sẽ không mất nhiều công sức, ôn tập dàn trải các môn mà có thể tập trung học và ôn 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn phù hợp với năng lực.
“Dù Tiếng Anh không phải môn thi bắt buộc nhưng em dự kiến vẫn chọn môn này để thi tốt nghiệp và thêm 1 môn lựa chọn khác, có thể là môn Lịch sử hoặc Địa Lý. Đây là những môn học mà chúng em được học trong suốt những năm qua nên không quá lo”, Châu nói.
Chuẩn bị kế hoạch ôn luyện thi theo phương án thi mới, em Dương Quỳnh Nhi, học sinh lớp 11 Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) cũng cho rằng, việc Bộ GDĐT công bố các môn thi sẽ giúp học sinh sớm xác định môn thi phù hợp với khả năng.
Theo Nhi, dù Tiếng Anh không phải môn thi bắt buộc, nhưng hầu hết các bạn trong lớp của em cũng dự kiến lựa chọn môn này để thi tốt nghiệp THPT. Bởi thực tế, tiếng Anh là một phương tiện để giúp học sinh có thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp tương lai.
Lo ngại học sinh sẽ ngại học Tiếng Anh
Dù phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT nhận được sự đồng tình của đông đảo học sinh, phụ huynh nhưng vẫn còn không ít ý kiến lo ngại khi Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc.
Về vấn đề này, GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Tổng chủ biên môn Toán của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nêu quan điểm, Ngoại ngữ là một công cụ và hiện nay hầu hết học sinh có cơ hội học từ bậc phổ thông tới đại học, khi đi làm… Ngoại ngữ cũng có thể được đánh giá ở nhiều thời điểm, mục đích khác nhau.
“Việc học ngoại ngữ hiện nay đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh chứ không phải vì thi tốt nghiệp các em mới học”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thu Hải, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, phương án thi từ năm 2025 không chỉ giảm áp lực mà còn giúp học sinh phát huy tối đa năng lực.
Để đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm nay, nhà trường đặc biệt coi trọng môn Tin học và Ngoại ngữ và thực tế rất được học sinh hưởng ứng.
Thế nên, theo cô Hải, phương án này không ảnh hưởng nhiều tới việc dạy học ngoại ngữ, và tin rằng, sẽ có nhiều học sinh chọn Ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp.
Trước băn khoăn rằng, học sinh sẽ chểnh mảng việc học ngoại ngữ khi Tiếng Anh không còn là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) phân tích, tiếng Anh là một trong các ngoại ngữ lựa chọn thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, hiện nay môn Ngoại ngữ cũng là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Như vậy, trong quá trình ở bậc phổ thông, học sinh được lựa chọn và học ngoại ngữ yêu thích. Đây là nền tảng quan trọng nhất để các em nâng cao năng lực ngoại ngữ.
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) phân tích, tiếng Anh là một trong các ngoại ngữ lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, hiện nay môn Ngoại ngữ cũng là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ông Chương khẳng định, quá trình dạy và học ngoại ngữ được Bộ GDĐT rất quan tâm và lồng ghép vào các chuẩn đầu ra ở các bậc học của học sinh. Do vậy, không thể vì không thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT mà ảnh hưởng tới quá trình dạy và học.Các em có thể lựa chọn môn Tiếng Anh là môn thi và xét tuyển vào đại học và vào nghề trong tương lai.