Tiếng chuông xanh trên miền đất khát

Tôi thả từng bước chân thong dong đi qua ngõ 'La Hán Sơn Môn', một vòm cổng mái ngói theo kiểu 'tam quan', tự lẩm nhẩm một mình theo những kiến thức cơ bản rời rạc về ba ngõ vào ra: 'Vô tác, vô tướng, vô không...'.

Bỗng một tiếng chuông vang lên, ngân mãi, ngân mãi trong những cây xanh mướt, tiếng chuông có lẽ được thỉnh từ một người có chánh tâm, thành ý lắm nên âm thanh mới trong sáng đến vậy. Và tôi chợt hình dung, chợt hiểu ra ý nghĩa sâu xa của cả khu thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện này là một tiếng chuông xanh thành ý trên miền đất khát thuộc thôn An Bình, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Âu cũng là chánh tâm, thành ý của các bậc tu hành mà duyên khởi xây dựng nên không gian thiền Trúc Lâm đặc thù của dân tộc Việt nơi xứ sở heo hút, quá nhiều khó khăn, thiếu thốn và cháy nắng quanh năm này.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện.

Tiếng chuông xanh nối kết đạo - đời, giúp cho mọi người hạnh phúc hơn, an bình hơn, chưa kịp chạm chánh thiện thì cũng không làm việc ác được, tập sống vì người để bớt vì mình, tập quên mình để có thể sống vì người. Chẳng phải đó là mục tiêu nhân văn của một xã hội phát triển trong an hòa sao?! Tiếng chuông xanh tỏa lan trên đá sỏi làm mát lành cả một vùng đất và là nơi cần lắm cho những ai hướng đến tâm tĩnh lặng, nơi cần lắm để cân bằng một xã hội với nhịp sống nhanh ít nhiều bấn loạn của một thực tại đang trên đà phát triển.

Được biết với tâm nguyện tha thiết muốn “sống tốt đời đẹp đạo” của các phật tử trong đạo tràng Thiền phái Trúc Lâm nên một lòng thành tâm cúng dường mảnh đất khô cằn sỏi đá nói trên. Được sự chấp thuận của Hòa thượng Tôn Sư và quý thầy trong Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm, ngày 9/11/2009 (nhằm ngày 23/9 năm Kỷ Sửu) Hòa thượng Trúc Lâm đã cắt cử hai thầy: Thầy trụ trì Thượng tọa Thích Đạt Ma Khế Định và thầy Phó trụ trì Thượng tọa Thích Đạt Ma Bảo Tú về mảnh đất này để trông coi và tiến hành xin thủ tục đặt đá xây dựng thiền viện. Thời gian bắt đầu đặt đá xây dựng công trình đầu tiên là chánh điện vào tháng 11/2014. Ngày nay, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện đã tương đối hoàn mỹ phần xây dựng, tạo dựng những không gian xanh cần thiết cho các thiền sinh khắp nơi tụ hội. Hiện thiền viện đã mang lại sự yên tĩnh cần thiết và các điều kiện thiết yếu cũng như mỹ quan xung quanh để các khóa tu thiền mang lại hiệu quả tốt nhất có thể. (Các khóa tu một ngày vào giữa các tháng, số phật tử tham gia khoảng 200-300 vị, khóa tu 1 năm và 2 khóa tu 3 ngày vào dịp tết mùng 4,5,6 và ngày lễ Quốc khánh 2/9: Số phật tử tham dự khoảng 500-600 vị).

Ngoài ra, hằng năm vào những dịp lễ Quốc khánh và Tết Nguyên đán, chính nơi không gian xanh này đều có diễn ra các cuộc phát quà từ thiện cho các hộ dân tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Trong những ngày này, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện như một ốc đảo xanh dành cho người có tâm ý sẻ chia và những người được sẻ chia. Người đến với người trong tình yêu thương, san sẻ và sự tĩnh lặng, an hòa thật sự. Người đến với người để có sự vững dạ, tin yêu mà vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, khó khăn, khổ tâm, lao trí. Sự đoàn kết từ trong tâm ý chẳng phải đó là mục tiêu của một xã hội hiện đại, văn minh hay sao?!

Được biết dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác. Đây là dòng thiền thuần túy Việt Nam mà một trong ba vị Tam tổ chính là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, tức vua Trần Nhân Tông. Đến cuối thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Thanh Từ, người có tâm huyết muốn khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, khôi phục một dòng tu thiền nhập thế “Phật tại tâm” với tinh thần bồ tát gần gũi, cảm hóa được muôn người hành thiện, vừa đem lại thành tựu ngộ đạo mà cũng vừa đảm đương được trách nhiệm làm người, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với xã hội, dân tộc và đất nước.

Tôi vừa bước đi trên con đường rợp mát bóng hai hàng cây xanh, các đoạn đường ngắn, dài, lên dốc, xuống dốc đều được chăm chút, quét dọn sạch sẽ. Các chậu kiểng được cắt sửa dáng thế gửi gắm nhiều ý tưởng nhân sinh. Tôi nghĩ đến không gian sống, đến môi trường, đến một nơi đi về khá lý tưởng để giúp ai kia vượt qua dông gió cuộc đời, để tìm được sự bình an trong tâm hồn. Hết sức tự nhiên tôi cũng ngồi xuống cạnh một bờ cỏ sạch sẽ và từ đâu đó trong tâm hồn mình, tôi thì thầm mấy câu thơ của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, như đang trò chuyện với chính mình, cho một mình mình nghe, một mình mình thấu:

“Thiền là gì?/ Thiền là biển nước/ Thiền là không trung/ Thiền là núi non/ Thiền là sấm là sét.../ Thiền là con người...”

Quả như vậy, “Thiền là con người”, mỗi hành giả đều mang những nghiệp lực hoặc những công phu thời xa xưa, bây giờ có chút ít dụng công để đối diện chính mình, để quy chiếu về bản tâm của mỗi người, theo dõi cái biết của mình để sống tốt, để không dính mắc ưu phiền, tham sân... như lời Đại đức Thích Đạt Ma Khế Định, trụ trì Thiền viện đã từng giảng như thế.

Trong Thiền viện chính thức chỉ có 41 tăng và 25 ni nhưng từ Chánh điện đến các ngõ lúc nào cũng đông phật tử, thiền sinh, mọi người cùng chung tay “cúng dường” công sức của mình để chăm chút, tạo dựng và giữ sạch một không gian xanh mát quanh năm, phục vụ tốt cho việc tĩnh tâm, tu tập. Tất cả mọi khổ đau trong cuộc đời đều từ vọng tưởng điên đảo mà sinh ra, muốn chuyển vọng tưởng như dìu ba đào về chân trời khác thì phương pháp tọa thiền là thù thắng nhất. Tôi chợt nhận ra điều đó trong buổi sáng thăm thú này.

Bởi vậy mà sáng nay, đâu chỉ mình tôi nghe được tiếng chuông xanh, tiếng chuông trong trẻo của người chánh tâm, thành ý. Cả vùng đất nắng gió Sông Phan này dường như đâu đâu cũng ngân ngân những âm thanh mang lại sự tĩnh lặng, an hòa từ trong tâm hồn. Hương giới hạnh bay ngược chiều gió là vậy đó!

BÚT KÝ CỦA NGUYỄN HIỆP

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tieng-chuong-xanh-tren-mien-dat-khat-130222.html