Tiếng đàn then vang giữa trời Tây Nguyên

Tỉnh Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng chung sống, có đồng bào di cư đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong cộng đồng đoàn kết, gắn bó vì một mục tiêu chung là xây dựng tỉnh Đắk Nông phát triển ổn định và ngày càng giàu đẹp, có những người con đến từ quê hương Lạng Sơn, mang theo truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, cần cù trong lao động và trên hết là tình yêu quê hương, đất nước son sắt, thủy chung.

Bà con dân tộc Nùng vui hội lồng tồng trên quê hương mới Đắk Nông

Bà con dân tộc Nùng vui hội lồng tồng trên quê hương mới Đắk Nông

Chương trình thực tế sáng tác của Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông năm 2024 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức là một “cái duyên” cho chúng tôi tìm về xã Nam Xuân, huyện Krông Nô nơi có đông bà con người Nùng quê ở Lạng Sơn đang sinh sống.

Nam Xuân vào những ngày này, bà con đang rộn ràng chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới của người Thái. Lễ hội cúng lúa mới của người Thái phục dựng từ 2023, được bà con nô nức ủng hộ. Trước đó, từ năm 2013 huyện đã cho phục dựng và khuyến khích bà con tổ chức lễ hội lồng tồng vào ngày mười tám tháng Giêng hằng năm. Vào ngày này, bà con người Tày người Nùng ở xã Nam Xuân và Nam Đà, bà con ở các vùng lân cận, thậm chí cả ở các huyện của tỉnh Đắk Lắk lại tìm về Nam Xuân vui hội. Câu sli câu lượn trao tình, tiếng tính tiếng then rộn ràng, xôi cẩm, bánh dầy, lợn quay nhồi lá mác mật… Một không gian văn hóa đậm đặc sắc màu Lạng Sơn, Bắc Giang được tái hiện giữa đất trời Tây Nguyên. Một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hồi sinh và hiện hữu giữa Tây Nguyên.

Trong cộng đồng người Nùng quê ở Lạng Sơn đang sinh sống ở xã Nam Xuân, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện đầy cảm động.

“Nhà mình nghèo, không có nhiều thóc lúa để đổi lấy vải may áo may quần, các con phải chăm chỉ trồng bông, dệt vải thì mới có quần áo mặc…”, lời mẹ dặn vẫn như văng vẳng bên tai… Ký ức của bà Triệu Thị Mong vẫn còn nguyên hình ảnh của chính mình - cô bé Mong ngày ấy - những đêm khuya ngủ vùi bên canh cửi lạnh, ngoài trời giá buốt căm căm.

Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Triệu Thị Mong chỉ được học hết lớp bốn, rồi sớm trở thành một nông dân thực thụ. Quanh năm, bốn mùa cày bừa cấy hái, đêm về phải thức dệt vải tới khuya, cô gái đang tuổi ăn tuổi ngủ chỉ ước gì được ngủ một bữa no nê, quên trời đất.

Lớn lên Mong theo các chị các cô đi hát hội xuân Kỳ Lừa, những câu hát sli đa phần là ứng tác và truyền miệng để hát đối đáp giữa hai bên trai, gái. “Nhì à… nhoi ơi… Sloong hàu hưng lai chính hăn nả, xị và cỏn phạ tốc lồng mà…” (Hai ta lâu lắm mới thấy nhau, như từ phương trời nào mới tới đây…). Sau những ngày vui hội, trở về cúi mặt vào ruộng vườn, canh cửi, không biết bao nhiêu lần Triệu Thị Mong thầm tự hỏi, sau những rặng núi quê mình là đâu, những con đường mòn dẫn đi đâu?

Năm 1977, mười tám tuổi, theo sự sắp đặt của gia đình, Triệu Thị Mong làm dâu về xã Thanh Lòa, lấy chồng cũng là người Nùng, kém mình một tuổi. Một cô dâu người Nùng sẽ không về nhà chồng ở hẳn ngay mà chỉ về vào mỗi dịp mùa vụ. Cho tới năm 1984, mang thai đứa con đầu lòng, Mong mới chính thức về sống tại nhà chồng ở Thanh Lòa. Sau đó là bốn người con trai lần lượt ra đời. Nhà chồng cũng nếp nông dân, quẩn quanh với cấy lúa trồng ngô, trồng bông dệt vải tháng này qua năm khác. Những đêm khuya cúi đầu bên khung cửi, người mẹ trẻ ứa nước mắt, giá mà sinh được đứa con gái, sau này nó giúp mình dệt vải, nhuộm chàm thì có phải đỡ hơn không?...

Rồi những người chị gái của Mong, những người bạn của chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên từ những năm trước đó bắn tin về, họ đã có cuộc sống đủ no, đỡ vất vả hơn. Năm 1986, ngay khi mới có con trai đầu lòng, anh Hứa Nguyên Tài, chồng chị Mong đã từng có một chuyến đi vào Tây Nguyên, nhưng khi đó bước chân lang thang chưa tìm được nơi neo đậu. Đến năm 1995, khi đã có bốn người con trai, anh bàn với chị, để anh vào “khảo sát” một lần nữa, nếu được thì đón cả năm mẹ con vào. Lần đi này, anh Tài mang theo một ít tiền, để nếu cần thì đặt cọc mua đất luôn. Lang thang khắp các vùng đất phía Nam Đắk Lắk, cuối cùng anh đã chọn Nà Pheo (nay là thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân) làm nơi dừng chân. Nà Pheo, nghe cái tên đã gợi bao thân thuộc, bà con đang sống tại đó cũng đều là người Nùng đến từ tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh).

Tháng 2/1996, khi dòng suối Pai Cằm vẫn rì rầm như ngái ngủ, khi ngọn núi Khau Deng vẫn còn lẩn khuất hơi lạnh của mùa đông, chị Triệu Thị Mong về Thạch Đạn, từ biệt cha mẹ để cùng chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Thời điểm ấy, có mười hộ gia đình của huyện Cao Lộc cùng đi. Có lẽ, đây là những nhóm người di cư tự phát cuối cùng khi chủ trương định canh định cư sau đó được thực hiện quyết liệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Bắc.

Tuy là mười hộ gia đình cùng rủ nhau đi nhưng sẽ là đi khác ngày, khác giờ dựa vào “lá số” của từng gia chủ. Gia đình chị Mong anh Tài ra đi vào ngày mùng sáu tháng Hai âm lịch đến giữa buổi sáng ngày mùng chín tháng Hai thì đến nơi.

Nhìn đất rừng trải dài hút mắt, không có những rặng núi, không có ruộng bậc thang, chị Mong không khỏi ngỡ ngàng. Dựa vào sự trợ giúp của những người bà con xóm làng nơi đó, anh chị dựng một mái lều ở tạm. Anh Tài chỉ tay: Đất của mình đây! Từ đây… đến đây! Nhìn thửa đất mới khai phá, trơ trọi dưới nắng mặt trời mùa khô Tây Nguyên, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt như có khói. Lại nhìn đàn con thơ, ôm nhau ngủ dưới mái lều dựng tạm, chị Mong không khỏi lo sợ. Nhưng bây giờ, chỉ còn có một con đường, là cắm mặt vào đất mà gieo trồng. Chưa mua được trâu, vợ chồng thay nhau kéo cày, bừa.

Rồi những hạt giống đầu tiên được gieo xuống đất. Ơn trời, đất Tây Nguyên tươi tốt, khí hậu Tây Nguyên ôn hòa, nắng mưa thuận lợi, ngay mùa gieo hạt đầu tiên, anh chị đã bội thu, bưng bát cơm trắng mà như trút đi gánh nặng nghìn cân. Nếu như ở ngoài Bắc, thì phải lựa thửa ruộng tốt mới cấy được lúa nếp. Nhưng ở đây đất đều tốt, chị Mong bàn với chồng cấy nhiều lúa nếp thêm một chút, vì các con thích ăn xôi. Ngay năm đầu tiên “cấy nhiều lúa nếp thêm một chút” ấy, anh chị đã thu về hơn một tấn thóc nếp. Các con thích ăn xôi, cứ cách ngày, chị Mong lại bắc chõ đồ một mẻ, nghe tiếng các con cười giòn tan giữa đất trời Tây Nguyên, người bố, người mẹ lén kéo vạt áo chùi nước mắt.

Những đứa trẻ ăn no ngủ kỹ, lớn lên như ngô như khoai. Thóc, đậu, đỗ bội thu, bán bớt lo tiền ăn học, mua quần áo cho con. Chị Mong không còn bị ám ảnh bởi những đêm phải thức khuya dệt vải, ngày đi làm ruộng làm vườn vất vả, tối về được giấc ngủ ngon. Rồi dần dần có của ăn của để, anh chị mua đất, làm nhà, nuôi các con học hành đến nơi đến chốn, trở thành những công dân đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của Đắk Nông và đất nước. (Hiện nay hai trong số bốn người con của gia đình là cán bộ nhà nước, công tác ở tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh).

Đất lành chim đậu, phương trời nào cũng hóa quê hương. Nà Pheo khi xưa nay là thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông. “Chị có biết tại sao lại là thôn Sơn Hà không, chúng tôi lấy theo tên tỉnh Lạng Sơn và Hà Bắc khi xưa…” - Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Vi Văn Vĩnh vui vẻ nói với tôi.

Tình đoàn kết các dân tộc đã gắn bó những người con của Đắk Nông, dù họ đến đây từ mọi miền Tổ quốc. Được biết Đắk Nông hiện có 40 dân tộc, có đồng bào di cư đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước. Đưa tôi dạo quanh khu chợ giữa thành phố Gia Nghĩa, hỏi thăm ba quán hàng thì bắt gặp giọng nói của cả ba miền Tổ quốc. Thấy tôi ngạc nhiên, nhà báo Bùi Nhị Đông Khuê, cán bộ Văn phòng Hội VHNT tỉnh Đắk Nông nhỏ nhẹ “Đắk Nông của em là thế đó chị à. Ngay như cơ quan em, có mười người mà chín quê nè chị…”.

Tôi bỗng nhớ tới buổi khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông dự và có bài phát biểu sâu sắc, đầy chia sẻ về giá trị của công viên địa chất và công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các sáng tác văn học nghệ thuật. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Các anh các chị nên biết rằng về với Đắk Nông là về nhà, bởi vì bà con của các anh các chị ở đây, ở Đắk Nông của chúng tôi!...”.

Tôi hỏi chị Triệu Thị Mong “Có bao giờ anh chị nghĩ sẽ về lại Lạng Sơn sinh sống?”. Chị Mong khe khẽ lắc đầu: “Bây giờ bà con ở Lạng Sơn, ở Thanh Lòa, Thạch Đạn biết trồng rừng, cuộc sống khấm khá lắm. Nhưng mình không về nữa đâu. Mình là người Đắk Nông rồi. Mình sinh cô con gái út ở Đắk Nông. Những đứa con của mình lớn lên nhờ cơm gạo của Đắk Nông. Ở đây mình có đủ cả niềm vui, nỗi buồn, giọt nước mắt tiễn đưa người thân đã khuất. Mình là người Đắk Nông rồi!”.

Chiều muộn, chia tay Nam Xuân, anh Nông Văn Luân, thành viên trong câu lạc bộ hát then, đàn tính của xã cứ nắm tay tôi dặn dò “Chị cho em gửi lời hỏi thăm nghệ nhân Hoàng Tích Chỉ của tỉnh Lạng Sơn nhé. Chúng em đang tập hát bài then do anh Chỉ đặt lời để trình diễn trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Anh em chưa một lần gặp mặt, chỉ tìm thấy nhau qua tiếng tính lời then trên mạng xã hội. Mong một ngày được đón anh vào Đắk Nông…”.

Tôi nhớ mãi hình ảnh vội vàng mà đầy lưu luyến ấy, khi tiếng đàn tính vang lên giữa trời Tây Nguyên, và chúng tôi cùng hòa nhịp câu then: “Giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, trắng bạt ngàn cà phê thơm hương. Giữa điệp trùng giang sơn gấm vóc, nghe tiếng đàn thánh thót lời ca. Có Đảng, Bác mọi nhà no ấm, trời xanh cao thăm thẳm Tây Nguyên…”.

Lưu luyến quá Đắk Nông ơi, ở nơi đó có một phần máu thịt đồng bào quê hương tôi!...

VI THỊ THU ĐẠM - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieng-dan-then-vang-giua-troi-tay-nguyen-5031397.html