Tiếng đồng quê

Ông bà, cha mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng. Tôi từ làng ra đi. Ba năm quân ngũ tôi đóng quân ở thành phố. Ở cái nơi mà ánh sáng ban ngày, ánh điện ban đêm đều giống như nhau. Tôi không hòa nhập được với cuộc sống thị thành. Muốn học theo một cái gì đó lại thấy mình như thằng bé hớn hở đuổi theo bao điều phù du không có thật.

Chỉ một vầng trăng mười bốn cũng làm tôi thèm đến quay quắt cả người. Một đêm đứng gác cổng doanh trại, tôi hỏi thằng bạn: “Mày biết bây giờ tao thích cái gì nhất ?". “Một con gà quay và mấy cốc Tiger”. “Sai bét. Được chạy dưới trăng, ngửa mặt nhìn trời, hít căng lồng ngực”. Nó cười và cho tôi là “vẽ chuyện”.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bây giờ thì tôi đã về với làng. Làng tôi như nửa vành trăng nằm trong khúc vòng cung của con đê ngăn nước lũ. Ngước mặt lên là nhìn thấy núi. Cúi xuống thấp hơn là gặp được sông. Quay phải, quay trái là đồng ruộng trải dài.

Mưa. Mưa trắng trời. Làng ngập nước trong ánh chớp lòa và tiếng sấm sét rền vang. Đồng nước trắng mênh mông. Tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu ộp oạp. Và côn trùng eo ỉ. Đồng quê đang tấu lên bản nhạc buồn buồn.

Ngày đầu tiên tôi trở về làng là như vậy. Bà nội cứ thở ngắn thở dài, cẩm rẩm. Bà nói với mọi người mà như nói một mình. “Giời với chả đất. Lúa má ngập sạch. Của ăn đến miệng rồi ông giời cũng không tha”. Rồi bà lọ mọ ngồi giã trầu bằng chiếc cối đồng bé tí. Mùi trầu cay cay quyện vôi thấy nồng nồng ấm sực cả gian nhà. Bỏ miếng trầu giã nát tươm vào mồm, bà lại bảo “Ngày xưa thế này cầm chắc mất mùa”. Mẹ tôi cười giả lả: “Bà lại ngày xưa rồi. Con cháu nghe mãi”.

Trên ngọn tre mấy cánh cò chấp chới, dập dờn, dập dờn trốn vào thinh không cao ngút ngát. Xa xa tiếng sáo ngập trời huyền hoặc. Không gian chứa chan thứ tình cảm dịu dàng bí ẩn. Diều nhà ai ở tít trên cao chui vào giữa những đám mây bồng bềnh, chỉ còn tiếng sáo vẫn ngân nga, da diết. Đó là những khúc hát của đồng quê thả lên nền trời.

Bà kể lể thôi là kể lể. Đời bà cực lắm. Đi làm dâu từ năm mười ba tuổi. Lúc đầu vợ chồng mấy tháng không dám nhìn mặt nhau. Đến đận ông đi bộ đội mới dám gần gũi, rồi ông lại đi biền biệt suốt. Bà đẻ bố tôi mấy tháng, ông mới được về. Ở nhà chơi với con vài ngày ông lại phải đi.

Bà tôi kể lại rằng lúc ấy mới khoảng canh ba, ông bấm vào tay bà rồi hai người trở dậy. Bà khẽ đặt thằng bé (là bố tôi) xuống ổ rơm cho mẹ chồng rồi khoác tay nải lách cửa đi theo ông ra tận đường lớn.

Lúc xuống đò ông ngoái lại dặn: “Nhà ở lại trông nom mẹ già và con nhỏ, tôi đi đợt này dễ...”. Bà có mang cô Tâm ba tháng thì được tin ông hy sinh. Bà phiền muộn nên cô Tâm đẻ ra ốm đau, sài đẹn mãi. Bà khổ quá. Lấy chồng chưa biết nhớ, biết thương thì đã thành góa bụa. Bố mẹ tôi thương bà lắm. Tôi lớn lên đã quen nếp nghĩ bà nội tôi hiền từ nhân hậu nhất làng. Tôi khôn dần bằng lời ru bà cất lên với điệu ngân ai muôn thủa.

Mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn. Tôi không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào. Gần sáng tỉnh dậy trăng hạ tuần xuyên qua cửa sổ chiếu vào giường lành lạnh. Bố đã dậy, vừa hút xong điếu thuốc lào đang ngồi nhả khói. “Sao bố dậy sớm thế?”. “Mày ngủ nữa đi. Con nước to lắm. Tao phải ra đê xem thế nào ”. “Bố cho con đi với”. Tôi vùng dậy với bộ quân phục mặc vào người rồi bước theo bố.

Ba năm trước lúc chưa đi bộ đội, tôi cũng đã có những buổi đi canh đê chống lụt như thế này. Đêm nghe nước thon thót trở mình. Thấy mênh mang, mênh mang một nỗi buồn lo về vụ tới. Rồi những người đàn bà khi xúc gạo nấu cơm, họ không quên bốc lại một nắm. Người nông dân lúc nào cũng lo mùa màng thất bát. Điếm canh đê hôm ấy bọn con gái mang theo cả khoai lang luộc và ngô rang. Con trai chúng tôi chúi đầu vào đám tú lơ khơ đánh tiến lên. Ăn uống chán, chúng tôi lôi chuyện tiếu lâm ra kể cho nhau nghe.

Hôm ấy tôi đã kể rằng: “Có một đôi nam nữ yêu nhau, họ đưa nhau ra đồng lúa ngồi hóng mát. Ngồi mãi mà chẳng ai nói được câu nào. Anh con trai bảo: “Lúa năm nay tốt nhỉ?” Người con gái: “Phân mà lị”. Người con trai: “Trăng hôm nay sáng nhỉ”. Người con gái: “Rằm mà lị”. Rồi cuối cùng người con trai bảo: “Hôm nay em xinh thế!” Người con gái trả lời: “Yêu mà lị”. Cả lũ cười nghiêng ngả. Anh Luyện, xã đội trưởng quát: "Chúng mày đi gác đê hay ra đây cười". Rồi chính anh cũng lăn ra cười. Những đứa con gái ngày ấy bây giờ đã lấy chồng. Mấy chục năm qua rồi, quê tôi hầu như không có gì thay đổi. Cuộc sống có thể khác đi, giàu có hơn; nhưng ao bèo, hồ sen, ruộng lúa thì vẫn vậy.

Bố con tôi ra đến đầu đê đã nghe tiếng máy bơm chạy xình xịch. Ngoài sông con nước xuống dần. Trong điếm canh đê mọi người đã về ngủ hết. Khu trạm bơm mười hai vòi nước phun trắng xóa. Bố tôi nói oang oang với mấy anh trạm bơm: “Ấy chà! Định nghiêng đồng đổ nước ra sông hả?”. Chợt giọng ai đó với ra: “Chào chủ nhiệm! Nước xuống nhanh lắm, chỉ chiều mai cây lúa lại bình yên!”.

Mờ sáng bố con tôi mới về đến rìa làng. Làng quê vẫn còn yên tĩnh. Phía chân trời hừng đông đã ưng ửng. Đầu kia tốp người ra trông nước đang nói cười hể hả. Qua xóm Trại. Dưới nếp nhà thấp sau lùm tre, có bóng người trong ngõ đi ra. Bố tôi lên tiếng: “Cô Hà đấy à? Đi đâu mà gồng gánh sớm thế?”. “Bố con bác đi ngó nước về ạ? Em đi bán mấy con lợn giống. Đói kém đến nơi rồi!”. “Thôi mang về đi. Mai sang tôi, lấy mấy thúng thóc cho các cháu ăn tạm. Lúa đã chắc đòng rồi”.

Cô ngập ngừng rồi quay lại. Dáng tảo tần khuất dần sau lùm tre.

***

Con lũ sớm qua nhanh, dòng sông quê tôi lại hiền hòa êm ả. Làng tôi rổn rang bước vào mùa cưới. Hôm nay đám cưới chị Hòa. Bố tôi sang làm thịt lợn từ sáng sớm. Tôi sang đến nơi thấy các bà, các cô đang lau bát đĩa. Ngoài sân mấy người gọt bí, thái măng tấp nập. Trong nhà, chị Hòa đang gấp áo gối cưới sai người mang đến nhà trai. Quê tôi con gái lấy chồng có viên mãn hay không cứ nhìn vào gối cưới thì thấy. Họ tự tay mua vải rồi nhờ vẽ, tự thêu, tự móc và cặm cụi nắn nót như gửi gắm cả đời con gái vào đường kim mũi chỉ. Chị Hòa hỏi tôi, đầu vẫn cắm xuống cái áo gối:

- Mày ra quân rồi à? Có định đi đâu không hay ở lại quê?

- Thì em đang đứng trước mặt chị đây.

- Tao hỏi sau này cơ.

- Em ăn mòn bát đĩa thiên hạ rồi không ở đâu bằng quê mình.

- Tao biết vậy mà.

- Thế chị đã lát gạch đường làng chưa?

Không trả lời tôi, chị Hòa cười tủm tỉm. Con gái quê tôi dù lấy chồng ở làng hay lấy chồng ở thiên hạ, mỗi người đều lát một trăm viên gạch xuống đường để đánh dấu ngày chấm dứt thời con gái. Tục lệ ấy có từ lâu lắm rồi.

Quê tôi trai gái ít bỏ làng ra đi. Ngoài việc đồng áng, con gái quanh năm cắm cúi làm hàng thêu xuất khẩu nên bàn tay ai cũng nuột nà nhưng dáng ngồi thì gù hẳn xuống. Đàn ông có nghề đóng gạch xây nhà và bán gạch ra thiên hạ.

Làng tôi bao đời sinh ra những cô thôn nữ đẹp dịu dàng như dải lụa. Các cụ bảo ngày xưa mỗi năm khi còn là tổng cũ, làng đều có con gái đẹp để tiến vào cung vua. Rồi các cụ lại bảo ngày xưa khúc sông uốn quanh làng chỗ bãi cát bây giờ, những hôm trở trời thường thấy cả bầy tiên nữ bay xuống tắm. Bọn trẻ chúng tôi mong có hôm được nhìn tận mắt bầy tiên tắm nhưng chả thấy bao giờ. Chuyện tiên tắm thì không biết có hay không, nhưng dòng sông quê tôi thì lạ thật. Lúc sáng sớm mặt nước loang loáng khói bốc mù mịt. Buổi trưa khi có ánh nắng chiếu xuống, mặt nước tím sẫm lại. Rồi chiều về dòng nước lại trong veo mềm như dải lụa xanh.

Tôi đang đến với Mỵ. Con đường này Mỵ đã kể cho tôi nghe câu chuyện đàn ông, đàn bà trên trái đất. Dù đã biết từ lâu rồi nhưng câu chuyện em kể tôi nghe như mới lạ: Ngày xưa thánh Ala chỉ sinh ra trên trái đất một người đàn ông. Ba mươi vạn năm sau người đàn ông đã tìm gặp thánh Ala tâu rằng: “Tâu đức thánh tối cao. Con cô đơn quá không sao sống được”. “Người cứ về đi và sẽ không còn cô đơn nữa”. Và trái đất có thêm một người đàn bà.

Ba mươi vạn năm nữa người đàn ông lại tìm gặp thánh Ala: “Lạy đức thánh cao cả. Nó lắm mồm quá con không thể sống nổi”. “Người cứ về đi sẽ không còn ai lắm mồm nữa đâu”. Người đàn ông trở về trái đất thấy người đàn bà đã biến mất và ông ta cho đó là điều thật may mắn. Nhưng một lần nữa sau ba mươi vạn năm, người đàn ông lại tìm gặp thánh Ala: “Thôi lắm mồm cũng được. Xin đức thánh Ala cao cả. Hãy cho người ấy về với con”. Rồi phải mất hàng triệu năm sau nữa và thêm rất nhiều lần trả giá, người đàn ông và người đàn bà mới tìm được tiếng nói chung...

Có lúc tôi muốn nghĩ người đàn bà đó là Mỵ, có lúc lại không. Tôi yêu em nhưng gia đình tôi băn khoăn vì em là con gái đạo, em là con của Chúa. Cả cánh đồng dưới chân tôi mênh mang ngân lên một khúc hát. Bộ hồ sơ xin việc của tôi nó đang nằm ở đâu? Tôi đã quên tự lúc nào. Làn gió heo may se se dạo qua cánh đồng bát ngát. Ánh trăng lên cao buồn cô liêu nửa dỗi hờn, nửa như chờ đợi.

Sắp đến giữa thu rồi. Ánh trăng vằng vặc rạng rỡ tỏa khắp cánh đồng, tôi lâng lâng lăn người ra cỏ. Cỏ dưới người tôi ấm mềm như nhung. Đồng lúa rầm rì nghe như tiếng hát xa xôi. Tiếng hát hiến dâng cho con người những phút giây vui vẻ nhất. Xung quanh tôi nồng nàn mùi đất ẩm. Đất sinh ra con người, con người nặng lòng với đất. Mỵ ngớ ngẩn hỏi tôi rằng: "Mai sau đất khô cằn hết chất, con người sẽ sống bằng gì?". "Lòng đất sẽ mở ra đến vô tận và vô cùng Mỵ ạ".

Ngoài sân đình rộn rã tiếng cười. Tiếng trống ếch thì thùng mời gọi. Vầng trăng như tròn hơn, sáng hơn. Mỵ nắm chặt tay tôi chạy ra phía ấy. Điệu múa sạp gọi tuổi thơ của chúng tôi về thổn thức. Tôi bảo: “Mỵ còn nhớ ngày xưa lúc nhảy sạp, Huy hay hát xuyên tạc rồi bị mắng không?”. “Bây giờ Huy hát lại đi”.

Mỵ cười rồi bắt tôi hát lại “Bà già bà chê tôi già. Bà già bà chê tôi đen. Tôi đen tôi lấy người đen. Tôi đen lấy chi con bà...”. Ngày ấy lũ trẻ chúng tôi đã chơi đùa thâu đêm cùng gió, cùng trăng... Còn bây giờ tôi đang đứng đây. Tôi và em giữa mênh mông trăng tỏa. Từng đôi nam nữ đan tay vào nhau bước rộn ràng theo nhịp gõ. Những bước chân gái trai uyển chuyển. Tôi nắm chặt tay em, bàn tay mềm mại của em trong tay tôi có chút dịu dàng của mùa thu, rợp mát của mùa hè và nồng nàn của mùa xuân.

Trăng khuya treo tít trên trời, tôi muốn đêm dài ra mãi. Mỵ lại hỏi tôi câu hỏi ngày xưa em chưa biết. Chân trời bắt đầu từ chỗ nào? Chân trời bắt đầu từ nơi con người sinh ra.

***

Một buổi chiều cuối thu. Bố tôi đi thăm đồng. Cả cánh đồng phủ sương bàng bạc. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Bóng bố tôi ẩn hiện dưới hàng cây, bố cầm trên tay nắm lúa vàng hây hẩy. Nét lo toan thường ngày trên mặt bố giãn ra. Đâu đó tiếng gọi í ới lao xao trong ngõ xóm. Lòng thấy vui vui như một điều gì quan trọng lắm vừa mới định hình. À thì ra là hương lúa. Cái mùi ngai ngái, ngòn ngọt quấn quýt bước chân người về. Tôi bước đi mê man giữa những lớp lúa hai sương một nắng của mẹ. Bắt chước bà nội tôi rứt một cọng rơm vàng đưa lên môi nhấm nháp thấy vị ngọt tê tê đầu lưỡi hương thơm ngan ngát dâng lên nghe hồn mình lắng đọng.

Buổi chiều, bà nội giục mẹ mang liềm, hái ra lau lại. Rồi bà ngồi nhai trầu, nhìn ánh mắt hấp háy của người già tôi biết bà đang vui chờ vụ lúa mới, mặc dù lúa cũ còn đầy cả cót trong nhà. Bà nhắc mẹ hái cho bà một nắm lá thơm đủ loại: Mần trầu, ngải cứu, lá tre, lá sả... Mẹ thả tất cả lá thơm vào nồi to đun nước để bà tắm gội. Bà lên giường nằm và bà ngủ mãi. Bà nội tôi ra đi như vậy. Thanh thản, nhẹ nhàng như đi vào cõi Phật. Đám tang bà, bố tôi mặc áo xô, đầu đội nùn rơm, thắt dây chuối ngang thắt lưng, chống gậy đi giật lùi sau linh cữu.

Mẹ tôi, cô Tâm khóc vật vã. Các chị gái tôi khóc ròng ròng. Lúc đưa bà ra đồng mặt trời đã lên cao, nắng chan hòa tỏa khắp thôn xóm, cánh đồng. Sau quan tài có các đoàn thể, ban quản trị hợp tác xã. Rất đông các cụ ông, cụ bà và xóm làng đưa tiễn. Các cụ già bảo: “Cụ ăn ở phúc đức lắm nên lúc theo tổ tiên mới nhẹ nhàng như vậy”. Tôi không tin hẳn bà nội tôi đã mất vĩnh viễn. Đứng bên linh cữu bà, tôi thấy mình như bay lên. Tôi bay vào một miền cổ tích, ở đấy bà tôi đang kể chuyện: “Giếng mắt rồng”, “Mẹ lúa”... Tôi không khóc mà nước mắt cứ trào ra thành dòng lăn xuống cổ áo bộ đội đã bạc màu...

Người ta đặt bà trong nghĩa địa của làng. Mọi người chen nhau vào ném xuống huyệt những hòn đất ướt. Ai đó ấn vào tay cô Tâm một nắm đất, cô thả nhẹ xuống rồi lại dụi dặm khóc: “Mẹ ơi từ giờ con biết tìm mẹ ở đâu...”. Sáng hôm sau mọi người làm cơm cúng ba ngày cho bà. Nhìn mọi người vào ra tấp nập tôi cứ tưởng tượng thấy dáng bà lom khom lọ mọ ở góc nào đó. Tối ấy, mọi người về hết, mẹ tôi bảo bây giờ chắc bà gặp được ông rồi. Bố vẫn gục đầu xuống hai gối giọng thì thào nghe thật xa xôi: “Thương bà quá, cả một đời lo cho con cháu”.

Ở nhà vài ngày, cô Tâm tôi lại về Hà Nội, trước khi đi cô thắp hương rồi gục xuống ban thờ bà nức nở: “Hu... hu... mẹ ơi, nếu mọi ngày con chuẩn bị đi thế này là mẹ xăm xắn lo cho con rồi đây mẹ ơi... ”. Bố tôi dắt chiếc xe Cup 81 ra sân rồi dặn: “Mày đèo cô ra bến đi đứng cho cẩn thận”. Quay sang cô, bố tôi nhẹ giọng: “Thôi em ạ, đằng nào thì mẹ cũng đi rồi. Anh em đùm bọc nhau...”. Mẹ tôi quay vào lau nước mắt. Cảnh nhà trống vắng quá. Tất cả lại cuốn đi. Công việc nhà quê đang mùa gặt hái. Bố lại vắng nhà luôn lúc ở ngoài đồng, khi lên ủy ban, hôm lại xuống huyện họp. Mẹ con tôi tất bật mùa màng. Trời xầm xì nặng trịch cũng là lúc những gánh lúa cuối cùng mang về nhà gọn ghẽ.

Tôi bước trên đồng. Phía xa kia là chân trời nhuốm một màu vàng xuộm. Trên cao hơn nữa mây cuồn cuộn như một núi bông xốp xộp. Chân trời phía ấy sương xuống lạnh hơn. Một nỗi buồn da diết choán ngập lòng tôi. Cả cánh đồng đã gặt hết còn trơ gốc rạ. Mùi nồng nàn đằm thắm thiết tha. Đấy là mùi hương quyến rũ nhất của đồng quê ban tặng con người.

Cơn gió chiều xào xạc. Mấy chiếc lá vàng bay bập bênh như nỗi chia xa của mùa thu khẽ chao nghiêng rồi rơi luôn về cội. Trên ngọn tre mấy cánh cò chấp chới, dập dờn, dập dờn trốn vào thinh không cao ngút ngát. Xa xa tiếng sáo ngập trời huyền hoặc. Không gian chứa chan thứ tình cảm dịu dàng bí ẩn. Diều nhà ai ở tít trên cao chui vào giữa những đám mây bồng bềnh, chỉ còn tiếng sáo vẫn ngân nga, da diết. Đó là những khúc hát của đồng quê thả lên nền trời.

Truyện ngắn của Vũ Minh Nguyệt

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tieng-dong-que.bbg