Tiếng hát then nơi biên giới

Giữa vùng đất biên giới xa xôi, tiếng đàn tính trầm ấm, ngân nga câu hát then mộc mạc của những người phụ nữ dân tộc Tày, Dao thôn Hà Thông, xã Đắk Wil, tỉnh Lâm Đồng, thắp lên tình yêu quê hương, duy trì và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các bà, các chị thôn Hà Thông tập luyện đánh đàn tính, hát then

Các bà, các chị thôn Hà Thông tập luyện đánh đàn tính, hát then

Thôn Hà Thông có hơn 80% là người dân tộc thiểu số, trong đó, người Tày chiếm đa số. Từ vùng đất Cao Bằng (quê gốc của đa số người dân Hà Thông hôm nay) đến Lâm Đồng lập nghiệp, những người con xa quê vẫn mang trong mình những ký ức, tình yêu với tiếng đàn tính, câu hát then quen thuộc.

Mong muốn duy trì bản sắc văn hóa, một nhóm nhỏ với khoảng 5, 6 chị em trong thôn Hà Thông đã tranh thủ các buổi tối khi đã xong việc rẫy nương và các ngày nghỉ cuối tuần để tụ tập nhau lại học cách đánh đàn tính, hát then, ôn lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Không chỉ dạy nhau cách đánh đàn, cách ca vang lời then, mỗi lần tụ họp những nông dân tại đây lại có cơ hội được trò chuyện về cuộc sống, chia sẻ về lao động sản xuất.

Bằng tình yêu văn hóa dân tộc, niềm đam mê, gắn bó, số lượng chị em tham gia ngày càng tăng. Đầu năm 2024, nhóm phát triển thành câu lạc bộ với hơn 20 thành viên, không chỉ riêng người Tày mà còn có cả người Dao và phụ nữ ở các thôn lân cận. Các thành viên câu lạc bộ tự túc mọi thứ, từ trang phục truyền thống, nhạc cụ cho đến chi phí sinh hoạt, biểu diễn.

Mỗi buổi tối, hội trường thôn Hà Thông trở thành không gian văn hóa sống động. Những người phụ nữ sau một ngày lao động vất vả lại cùng nhau gảy đàn, cất tiếng hát then dịu dàng. Có người khi mới đến không biết gì, chỉ lặng lẽ nghe, dần dần học từng nhịp đàn, từng câu hát. Giai điệu mộc mạc, kết hợp tiếng đàn tính và chùm xóc nhạc… cùng tiếng cười đùa vui vẻ của chị em tạo nên không khí gắn bó, ấm cúng nơi thôn quê.

Bà Vương Thị Lìn, thành viên câu lạc bộ vui vẻ cho biết, ban ngày đi làm mệt mỏi là vậy nhưng chỉ cần buổi tối được cầm đàn, được ngân câu hát, cùng tập luyện với các chị em là như được tiếp thêm năng lượng mới. “Từ ngày tham gia câu lạc bộ, tinh thần tôi trở nên phấn chấn hơn, yêu đời hơn, thấy tự hào và gần gũi với gốc gác của mình hơn bao giờ hết”, bà Lìn cho hay.

Không chỉ đàn, hát những bài có sẵn, chị em câu lạc bộ còn tập luyện bài hát then do chính họ tự viết lời với những bài then ca ngợi quê hương, đất nước, vùng đất con người nơi quê hương mới Đắk Wil - nơi họ chọn làm mảnh đất để an cư lập nghiệp.

Những tiết mục của câu lạc bộ không chỉ biểu diễn nội bộ, mà còn được mời tham gia các chương trình văn nghệ trong và ngoài xã, góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc giữa đời sống cộng đồng. Họ không đơn thuần là hát để vui, mà là đang gìn giữ một phần cội nguồn, tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc giữa thời đại hội nhập.

Bà Lâm Thị Thuyến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then thôn Hà Thông cho biết, tôi rất tự hào và mong muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc nơi vùng đất mới nên vận động, động viên chị em trong thôn thành lập câu lạc bộ đàn tính, hát then. Qua thời gian, chị em tham gia sinh hoạt rất nhiệt tình, tự mua đàn, trang phục truyền thống để tập luyện và biểu diễn mỗi khi có dịp. Câu lạc bộ trở thành nét đẹp văn hóa, tinh thần cho chị em, người dân nơi đây.

Linh Thư

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/tieng-hat-then-noi-bien-gioi-381883.html