Nỗ lực đáng ghi nhận của người Việt trẻ tuổi ở Vương quốc Anh

Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được đề cập nhiều nhưng đến nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cho nên, một số người Việt Nam trẻ tuổi ở Vương quốc Anh đã thành lập nhà xuất bản Major Books và xúc tiến tổ chức dịch thuật, xuất bản, phát hành một số sách văn học Việt Nam tại Anh.

Nhà xuất bản gặp gỡ, giao lưu với bạn đọc nhân dịp sách mới phát hành.

Nhà xuất bản gặp gỡ, giao lưu với bạn đọc nhân dịp sách mới phát hành.

Nhân Dân điện tử giới thiệu Bài phỏng vấn chị Trần Thủy Thiên Kim - Giám đốc điều hành, chịu trách nhiệm xuất bản, người đồng sáng lập của Major Books tại London.

Phóng viên (PV): Major Books mới ra đời lại hoạt động ở châu Âu, nên đến nay với trong nước, thông tin về mục đích, phương châm, các việc đã làm,… của Major Books còn chưa nhiều, chị có thể phác họa đôi nét về Major Books?

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Về cơ bản Major Books là một nhà xuất bản sách độc lập tại London (Anh), có mục tiêu đưa đến với cộng đồng văn chương thế giới. Có thể tạm dịch Major Books là “Sách lớn”, hoặc "Sách chủ yếu" vì đó là lời phản kháng thẳng thắn trước sự phân cấp vẫn ngầm tồn tại giữa các nền văn học tới từ các nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau trong công nghiệp xuất bản phương Tây.

 Chị Trần Thủy Thiên Kim.

Chị Trần Thủy Thiên Kim.

Thành lập cuối năm 2022, tới nay Major Books đã đạt được một số thành quả nhất định như giải thưởng dịch thuật PEN với bản dịch tác phẩm "Biên sử nước" (Nguyễn Ngọc Tư), hay chuỗi ba tác phẩm về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ văn học (trung đại, Pháp thuộc, đương đại) nhận được sự tài trợ của Quỹ nghệ thuật Anh (Arts Council England)…

PV: Làm thế nào để các thành viên Majorbooks đến với nhau, ngành học của các bạn có liên quan xuất bản hay không, và vì sao trong khi không ít bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập rồi tìm công việc thu nhập cao, thì các bạn lại chọn xuất bản - một công việc có thu nhập khá thấp?

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Ba thành viên chính của Major Books có độ tuổi từ 21 đến 35, phần lớn cùng trẻ như chính tuổi đời của công ty vậy. Trong đó, tôi là dân học văn nên cũng không bị coi là quá "trái tuyến" khi đến với ngành này.

 Logo của nhà xuất bản.

Logo của nhà xuất bản.

Major Books may mắn có một người anh em ở Việt Nam là công ty phát hành sách và truyền thông San Hô Books. Có cơ hội thành lập và vận hành công ty sách San Hô tại Việt Nam suốt gần bốn năm qua, tôi đã học được thật nhiều điều, nhận được thật nhiều sự hỗ trợ một cách thật hào phóng từ các đồng nghiệp, từ những người đi trước.

Câu hỏi của bạn chạm đến một sự thật không ai muốn nói đến là sự khắc nghiệt của ngành xuất bản. Ở Anh, Mỹ, trên các diễn đàn chung của xuất bản, mỗi tháng lại thấy thêm bài đăng, lời bình luận chứa đầy sự bất mãn, mệt mỏi của người đang làm hay muốn bước chân vào ngành xuất bản.

Mức lương trung bình của người lao động trong ngành xuất bản ở Anh luôn thuộc hàng thấp, khó để cho một người trẻ có thể trang trải cuộc sống hay đủ dư thừa để tiết kiệm.

Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều người, sau khi làm trong ngành một vài năm, quyết định rời đi. Thực trạng này có lẽ không phải chỉ riêng ở Anh, mà còn là của ngành xuất bản toàn cầu.

Suy cho cùng, tôi nghĩ ai đến với ngành sách cũng vì mang trong mình một tình yêu đối với sách vở, ao ước mang niềm vui tới cho người khác theo cái cách mà sách đã mang tới niềm vui cho chính mình. Nhưng thực tế, sách là một ngành kinh doanh. Ta tạm không tính tới việc có loại sách "thị trường" hay "dễ bán" hơn các loại sách khác, nhưng nhìn chung, sách là một mặt hàng vừa mang tính thiết yếu nhưng lại không đủ sự "thiết yếu" để đạt được nhu cầu tiêu thụ hằng ngày.

Là người làm sách, không ai muốn đặt cái giá để được tiếp cận tri thức quá cao, nên phần lớn giá bìa hay giá bán của một cuốn sách không phản ánh thực chất sự đầu tư đằng sau một cuốn sách. Đằng sau một cuốn sách hoàn chỉnh, chỉn chu là quá trình của cả một tập thể, với vô vàn giá thành và những công đoạn vô hình.

Trừ phi bán được nhiều nghìn bản, chứ bình thường lợi nhuận thu về cho một công ty sách hay nhà xuất bản độc lập vô cùng ít ỏi, nếu không muốn nói là khả năng lỗ là chắc chắn.

Bằng một cách kỳ diệu nào đó, họ phải tiếp tục làm ra các cuốn sách tiếp theo, với chất lượng ngày càng cải thiện. Đổi lại, được làm điều mình yêu thích, nghĩ đến việc cuốn sách nhỏ bé này có thể đến tay một ai đó, mang cho họ niềm vui như mình đã từng được trải nghiệm, có lẽ vậy là đủ để giữ chân, hay khiến bao người vẫn quyết dấn thân vào con đường này, ít nhất theo tôi là vậy.

PV: Từ các tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Anh do Major Books xuất bản, bước đầu có thể thấy Major Books cố gắng đưa những tác phẩm văn học cổ điển như Truyện Kiều, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam,… sát cánh cùng Biên niên sử nước, Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng) đến với bạn đọc thể giới.

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Đúng là chúng tôi nuôi mộng lớn, song chỉ dám nói sẽ đặt từng viên gạch nhỏ làm nền móng cho ước mơ này, qua từng cuốn sách.

Nguồn cơn có lẽ đến từ sự bất bình ngầm, âm ỉ suốt mười năm học tập ở nước ngoài mà tôi không nhận ra là có tồn tại trong mình. Nó đến từ lúc ngồi trên ghế tại giảng đường của một trường đại học được coi là tân tiến bậc nhất trong học thuật quốc tế, với sự nhận thức rằng văn học Việt Nam, cùng với rất nhiều nền văn học khác nằm ngoài những thứ tiếng của văn học "lớn" (như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha), bị xếp vào văn học từ ngôn ngữ "thiểu số", mặc dù các dân tộc "thiểu số" này đại diện cho phần lớn dân số toàn cầu (cái mà ngày nay ta dùng thuật ngữ global majority - “đa số toàn cầu” để đề cập).

Nó còn đến từ cuộc sống hằng ngày, giao tiếp với bạn bè quốc tế, khi mà phần đông họ nhắc tới Việt Nam chỉ qua hai khía cạnh: phở/bánh mì/cà-phê hoặc chiến tranh. Chúng ta có cả một nền văn học, văn hóa rực rỡ mà chúng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ rất quan tâm và hứng thú, chỉ cần cho họ một cơ hội tiếp cận, như cách ta đã tiếp cận văn học quốc tế.

Chúng ta có cả một nền văn học, văn hóa rực rỡ mà chúng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ rất quan tâm và hứng thú, chỉ cần cho họ một cơ hội tiếp cận, như cách ta đã tiếp cận văn học quốc tế.

Chị Trần Thủy Thiên Kim

PV: Trong khi nỗ lực giới thiệu văn chương Việt Nam với độc giả sử dụng tiếng Anh, Major Books cũng nỗ lực giới thiệu tác phẩm văn chương tiếng Anh có giá trị đến với độc giả Việt Nam. Đây là xu hướng thú vị, độc đáo nhưng đòi hỏi cần chi tiết, cụ thể, Major Books giải quyết việc đó như thế nào?

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Qua công ty sách San Hô, chúng tôi hy vọng có thể đưa thật nhiều tác phẩm chất lượng cao đến với độc giả Việt Nam. Lấy giá trị văn học, nhân văn, kiến thức làm cốt lõi chứ không phải những bảng xếp hạng làm tiêu chí chọn sách, chúng tôi chấp nhận rằng có thể những tác phẩm này sẽ khó bán, khó mang lại lợi nhuận, nhưng miễn rằng nó sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp cho người đọc.

Ngoài ra, qua sự tồn tại hai chiều của cả San Hô, cuộc thi Sáng tác mới, Major Books là đơn vị có thể tiếp nhận và phát hành sách không chỉ ở Việt Nam mà còn là quốc tế. Chúng tôi mong muốn các cây bút ở Việt Nam sẽ có thêm động lực để tiếp tục viết, tiếp tục chọn nghề văn, tiếp tục mang những làn gió mới đến với văn học Việt Nam.

PV: Để quyết định xuất bản một cuốn sách, Major Books rất quan tâm tới bản gốc, chất lượng bản dịch, cố gắng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm đã sinh tồn như thế nào trong môi trường văn hóa-lịch sử Việt Nam?

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Nhận thức được rằng văn học Việt Nam còn là một phạm trù khá mới mẻ với độc giả quốc tế, chúng tôi cố gắng hết sức để khiến bạn đọc được tiếp cận với tác phẩm một cách trọn vẹn nhất. Với chúng tôi, điều này có nghĩa là tác phẩm cần được dịch theo cách mà truyền tải được cái thần của bản gốc tiếng Việt nhất có thể, cả về yếu tố văn hóa, lịch sử, lẫn yếu tố ngôn ngữ. Vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên chọn dịch giả là người Việt bản xứ.

Trong ngành xuất bản phương Tây, các NXB văn học dịch vốn đề cao ngôn ngữ đích (thường là tiếng Anh) hơn là ngôn ngữ gốc, khiến cơ hội cho những dịch giả dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ thứ hai giảm thiểu rất nhiều. Tôi không đồng tình với thói quen này, vì nó có phần hạ thấp tầm quan trọng của ngôn ngữ gốc.

Với sự hội nhập văn hóa toàn cầu, lịch sử di cư, tốc độ phát triển chóng mặt của chính ngôn ngữ tiếng Anh cũng yêu cầu cách tiếp cận dịch thuật phải được thay đổi.

 Giám đốc Thiên Kim tại buổi ra mắt sách "Biên niên sử nước".

Giám đốc Thiên Kim tại buổi ra mắt sách "Biên niên sử nước".

Mới ngày nào, Mark Harman còn đang chỉ trích cách mà vợ chồng nhà Muirs dịch Kafka thành một thứ tiếng Anh quá mượt mà, ủi phẳng tất cả những cú pháp trúc trắc như mê cung trong văn phong tiếng Đức của đại văn hào, thể hiện rõ về nhu cầu thay đổi của cách dịch giả và người đọc tiếp cận với việc dịch thuật.

Tôi chọn những dịch giả của Major Books với niềm tin tuyệt đối rằng họ không chỉ đủ sự nhạy cảm về mặt ngôn ngữ và trình độ tiếng Anh để chuyển ngữ tác phẩm, mà họ còn là những con người am hiểu và hết lòng tôn trọng các bản gốc tiếng Việt.

PV: Hiện tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Anh do Major Books xuất bản đã có mặt trên kệ của nhiều cửa hàng sách ở phương Tây, có tên trong danh mục nhiều địa chỉ phát hành sách trên thế giới như Amazon, Asterism Books… Và vì còn nhiều việc phải làm, bạn có thể phác họa công việc sắp tới của Major Books trong khi nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới một cách hiệu quả?

Chị Trần Thủy Thiên Kim: Sắp tới, sau bốn tác phẩm hướng tới độc giả trưởng thành, Major Books mong muốn có thể tiếp cận với các độc giả nhí qua việc phát hành bản dịch của 11 truyện trong "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi sang tiếng Anh, với minh họa sống động của họa sĩ tài năng Jeet Zdũng (nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên nhận được huân chương minh họa Carnergie danh giá), và sách tranh phi hư cấu về tập tục đón Tết khắp các miền trong cả nước "Muôn miền Tết".

 Bìa Truyện Kiều mới xuất bản tại Anh

Bìa Truyện Kiều mới xuất bản tại Anh

Không chỉ giúp quảng bá văn học và văn hóa dân gian Việt Nam, việc này còn hướng đến cộng đồng con em kiều bào quốc tế, giúp các bé và gia đình được tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mà không nề hà rào cản ngôn ngữ.

Chúng tôi đã lên kế hoạch cùng họa sĩ Jeet Zdũng, nhà sản xuất đa lĩnh vực người Anh gốc Việt, Tuyết Vân Huỳnh, bảo tàng Museum of the Home tại Anh, với sự hỗ trợ của trung tâm ươm mầm khởi nghiệp tại trường đại học University College London để làm một chuỗi sự kiện tại London và Hà Nội, nhằm đưa cổ tích Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Đây là kế hoạch “đinh” của năm 2025 đối với Major Books. Chúng tôi đang hy vọng sẽ xin được tài trợ của Quỹ Nghệ thuật Anh (Arts Council England) và Hội Đồng Anh cho chuỗi sự kiện này, nhưng cũng rất mong muốn có thể nhận được sự ủng hộ từ các cá nhân, tập thể, cơ quan, đoàn thể có hứng thú ủng hộ. Đôi khi, chỉ cần một lời động viên thôi cũng đủ để chúng tôi tiếp tục cố gắng rồi!

PV: Cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích.

Trần Thủy Thiên Kim, sinh năm 1997 tại Hà Nội; Cử nhân Văn học so sánh tại University College London, Thạc sĩ Làm phim thể loại Tài liệu và Dân tộc chí/Nhân học Miêu tả tại University College London, hiện là Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm xuất bản, đồng sáng lập Major Books.

(Hà Yên thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-dang-ghi-nhan-cua-nguoi-viet-tre-tuoi-o-vuong-quoc-anh-post892935.html