Tiếng lòng của một người người con Hòa Thịnh

Tình cờ tôi được tiếp cận bản thảo Bên dòng sông Bánh Lái của Lê Huy Thơ và đồng cảm bởi những trang viết mộc mạc, chân thành. Không chỉ tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh, tác phẩm của ông thể hiện khát vọng hòa bình.

Bên dòng sông Bánh Lái là một tổng quan chiến tranh điển hình của làng quê miền Nam Việt Nam trước năm 1975 mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, tự lực, sáng tạo, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trước mắt tôi hiện lên một làng quê Hòa Thịnh thanh bình, tươi đẹp với những địa danh: Đồng Cọ, Đồng Cấy, Xóm Chiếu, Xóm Chài, Hòn Ông, Hòn Nhọn, Núi Ông, Núi Bà, sông Bến Đá, sông Bến Lái…, với đồng xanh mơn mởn, cánh cò lả lơi, những đêm sáng trăng, trẻ em vui đùa, ca hát, thả đèn, nhảy cò chuông…

Quân thù đã khiến cho “Bầu trời Hòa Thịnh khói lửa mịt mù. Tiếng gầm rú của máy bay Mỹ dội bom, bắn phá từ núi xanh đến làng quê… Các cụm đại bác từ các nơi trút đạn pháo, bên dưới có bộ binh càn lùng, sục sạo… Một buổi sáng, lính Nam Triều Tiên đi càn bắt khoảng 20 người xô xuống giếng rồi thả lựu đạn giết hại”.

Làng quê bên dòng sông Bánh Lái cứ sau mỗi trận càn là “Đêm đêm làng quê Hòa Thịnh vắng ngắt, chỉ vài tiếng chó sủa tru tréo vì vắng chủ hay đói bụng. Vài con gà cồ sống sót cất giọng gáy não nuột về khuya”.

Thế rồi “Đêm Đồng khởi Hòa Thịnh (22/12/1960) là một tín hiệu, là một niềm tin, một sức mạnh thôi thúc, cổ vũ cho nhân dân khắp miền đứng lên đánh giặc, cứu nước”.

Với giọng văn trần thuật tỉ mỉ, hào khí, thi thoảng Lê Huy Thơ cũng có những đoạn văn bay bổng: “Đồng Cọ là một bức tranh tuyệt mỹ do thiên nhiên ban tặng với núi xanh, tre xanh, ruộng xanh, nước trong xanh. Đầu thu, những chòm mây bạc lang thang theo gió từ đông bắc trôi về vắt ngang trên núi Chúa”.

Và chắc không mấy ai nghĩ người cán bộ hưu trí năm nay đã 88 tuổi còn có cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên có mối giao hòa với con người: “Hoa rừng nở rộ, hương lúa, hương nếp ngoài đồng quyện lại cùng với hương cau, hương bưởi trong làng toát ra một mùi thơm ngan ngát, dịu dàng. Với mùi hương ấy, ta có cảm giác như mùi hương mái tóc của những cô gái Đồng Xuân (gái La Hai xinh đẹp)”.

Cuộc chiến tranh vệ quốc, phần thắng thuộc về chính nghĩa. “Tiếng bôm bốp chặt cây, tiếng bình bịch đầm nền, nện gỗ, tiếng soàn soạt rong rào, cuốc cỏ xen lẫn tiếng cười vui huyên náo, xóm làng xây dựng lại cuộc sống sau chiến tranh” báo hiệu sự hồi sinh từ trong đổ nát. Trong niềm vui sướng tột cùng, quê hương đồng khởi Hòa Thịnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhưng vẫn còn đó những nỗi đau khôn nguôi: “Gia đình ông Bảy Khi có 7 người con thoát ly tham gia kháng chiến, khi hòa bình lập lại chỉ có 2 người con trở về”. Và còn biết bao người đã ngã xuống cho đất nước nở hoa, xương máu của họ đã thấm sâu vào lòng đất mẹ để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Tôi biết tác giả Lê Huy Thơ viết tác phẩm Bên dòng sông Bánh Lái không có ý khoe khoang, “lên giọng” với ai cả. Ông muốn lưu dấu một tình yêu mãnh liệt đối với quê hương, xứ sở tươi đẹp của mình, kể lại sự gian khổ, ác liệt, hy sinh, mất mát của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước mà ông đã trải qua để cho thế hệ trẻ hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập, trân quý những gì thế hệ trước đã giành được. Tôi nghĩ tác phẩm ký Bên dòng sông Bánh Lái là một tư liệu quý mà bạn đọc cần tham khảo.

Nhà văn TRẦN QUỐC CƯỠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/260697/tieng-long-cua-mot-nguoi-nguoi-con-hoa-thinh.html