Tiếng Pháp và đường đến 'kinh đô ánh sáng' của học sinh Hà Tĩnh
Sau tiếng Anh, tiếng Pháp là ngoại ngữ được học nhiều nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, đây là ngôn ngữ của văn hóa, ngôn ngữ quốc tế của sân khấu, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, thời trang… Trên thực tế, tiếng Pháp ngày càng đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và học tập cho học sinh Hà Tĩnh.
Những người Hà Tĩnh thành công nhờ tiếng Pháp
Nhà văn Trần Thị Hảo là học sinh cũ Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), từng là giảng viên tiếng Pháp và văn học Pháp ở ĐHQG Hà Nội, hiện là giảng viên - nghiên cứu viên tại Paris (Pháp). Bà bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ chuyên ngành văn học năm 2012 ở Đại học Sorbonne.
Nhà văn Trần Thị Hảo (thứ hai bên trái sang) cùng ngài Charles Josslin - nguyên Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch tỉnh Côtes d’Armor, Nghị sĩ danh dự của Nghị viện Pháp (ngoài cùng bên trái) tại buổi lễ trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật của Chính phủ Pháp
Nhà văn Trần Thị Hảo là tác giả nhiều tác phẩm văn học bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Năm 2018, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ văn học nghệ thuật. Huân chương được cấp bởi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, là tước hiệu cao nhất trong ba huân chương cấp bộ của Pháp từ năm 1957, cho các cá nhân có thành tích nổi bật hoặc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật ở Pháp và trên thế giới.
Nhà văn Trần Thị Hảo hy vọng học sinh Hà Tĩnh nếu chịu khó học và yêu thích tiếng Pháp, thì có thể viết bằng tiếng Pháp để giới thiệu về đất nước mình, quê hương mình đến với bạn bè Pháp, và cộng đồng Pháp ngữ.
Bà Hồ Thị Mỹ Dung, học sinh cũ của Trường THCS Lê Văn Thiêm và Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) là trưởng đại diện Ngân hàng Socíeté Générale của Pháp tại Việt Nam. Tiếng Pháp, bên cạnh tiếng Anh là một trong những yếu tố quan trọng đưa bà đến vị trí quan trọng này.
Bà Hồ Thị Mỹ Dung (người ở giữa) với Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Socíeté Générale (thứ hai bên phải) và các lãnh đạo trong khu vực
Trước đó, bà đã từng làm việc nhiều năm cho một công ty thương mại của Pháp, rồi Ngân hàng BNP Paribas, cùng với Socíeté Générale, là hai ngân hàng lớn nhất của Pháp. Bà Hồ Thị Mỹ Dung chia sẻ về kinh nghiệm và lợi thế ngoại ngữ trong công việc: "Mình hơn các ứng cử viên khác là có thể dùng thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, trong khi các bạn đó chỉ có tiếng Anh, và mình đã được ngân hàng Pháp chọn. Sự may mắn ban đầu này là bước đệm quan trọng để mình có những bước tiến sự nghiệp về sau. Tuy nhiên, may mắn chỉ đến khi mình có sự chuẩn bị, để khi cơ hội đến mình không bỏ lỡ".
Rộng đường du học cho học sinh Hà Tĩnh
Lợi thế của du học Pháp là chi phí rẻ, đào tạo gần như miễn phí, sinh viên được chính phủ Pháp hỗ trợ rất nhiều về chi phí ăn ở, đi lại... Năm 2018, có 7.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp, từ cấp 3 cho đến bậc học tiến sĩ.
Trước đây, Hà Tĩnh có trung tâm tiếng Pháp Chateaubriand. Các giáo viên tiếng Pháp thời kỳ đó là thầy Phan Tử Bạt, thầy Lê Trần Sửu, cô Nguyễn Thị Sâm... Những năm 1990, nhiều học viên từ các lớp tiếng Pháp đó đã có cơ hội sang thực tập hoặc học tập ở Pháp.
Phan Thị Mỹ Hạnh cùng gia đình trong lễ Tết cổ truyền Việt Nam ở Pháp
Phan Thị Mỹ Hạnh là học sinh chuyên Anh khóa 4 của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Hạnh học thêm các lớp tiếng Pháp ở Thư viện Hà Tĩnh lúc là học sinh lớp 9, lớp 10, rồi khi vào đại học thì tiếp tục học ở Alliance Française Hà Nội. Tiếng Pháp mang lại cơ hội cho Hạnh giành được học bổng Elite của Đại sứ quán Pháp để sang Pháp học cao học marketing quốc tế, rồi học thêm bằng cao học về kiểm toán. Hiện tại, Hạnh là quản lý kế toán cao cấp trong Công ty kiểm toán và kế toán BDO France.
Nguyễn Trần Hoàng (quê Nghi Xuân) là cựu học viên hệ thạc sĩ ngành vũ trụ của USTH - trường được thành lập theo Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp, một trong những trường đại học công lập đầu tiên được thành lập theo mô hình đại học công lập xuất sắc với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Năm 2017, Hoàng sang thực tập ở Đại học Montpellier của Pháp, rồi được tiếp nhận làm tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia CNES. Nguyễn Trần Hoàng đã chọn CNES để thực tập và làm đề tài nghiên cứu sinh bởi uy tín, cũng như các cơ hội học hỏi, nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ ở một trong những trung tâm nghiên cứu vũ trụ hàng đầu thế giới.
Hà Tĩnh có các lớp chuyên tiếng Pháp từ 2005, mỗi năm, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh tuyển 25 em vào lớp 10 chuyên Pháp. Theo thầy giáo Nguyễn Công Điền, hiện nay, có gần 40 em đang học, làm việc và sinh sống tại Pháp. Hằng năm, mỗi khóa có khoảng 5 đến 10 em sang Pháp du học.
Hà Thị Hoàng Quỳnh là học sinh đạt giải nhất quốc gia môn tiếng Pháp đầu tiên của Hà Tĩnh, thủ khoa của Trường Đại học Ngoại thương. Quỳnh sang Pháp tiếp tục học cao học và hiện đang làm việc cho Công ty EY ở Pháp, một trong những công ty tư vấn và kiểm toán tài chính lớn nhất thế giới.
Trần Thị Hạnh Nguyên trước cổng Trường Đại học Lumìere Lyon 2
Trần Thị Hạnh Nguyên cũng là học sinh lớp chuyên Pháp, là một trong hai thí sinh đạt số điểm tuyệt đối môn tiếng Pháp tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, hiện đang học ngành truyền thông tại Trường Đại học Lumìere Lyon 2.
Tiếng Pháp đã và đang mở cửa con đường hướng ra thế giới của học sinh Hà Tĩnh. Các em có thể học song song tiếng Pháp và tiếng Anh từ nhỏ, hoặc học tiếng Anh rồi học thêm tiếng Pháp. Ở châu Âu, học sinh từ cấp 2 trở lên học đồng thời 2-3 ngoại ngữ ở trong trường học, chưa kể các em có thể học thêm tiếng mẹ đẻ của bố mẹ và ngôn ngữ cổ La tinh, Hy Lạp.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 274 triệu người nói tiếng Pháp, trong đó 212 triệu người sử dụng hàng ngày và 77 triệu người dùng tiếng Pháp là bản ngữ. Năm 2014, có 77 triệu học sinh và sinh viên học tiếng Pháp. Theo dự án của Trường Đại học Laval và Mạng lưới Dân số học Tổ chức ĐH Pháp ngữ, tổng lượng người nói tiếng Pháp sẽ đạt 500 triệu vào năm 2025 và 650 triệu vào năm 2050. Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ước tính 700 triệu người vào năm 2050.