Tiếng Việt giàu đẹp: Cà kê dê ngỗng

Hoạt động báo chí cùng thời với Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng…, có người về sau đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu sự giàu đẹp của tiếng Việt

Đó là nhà báo, nhà nghiên cứu Lãng Nhân Phùng Tắc Đắc (1907-2008). Trong số các tập sách về chủ đề này, có thể nhắc đến "Chuyện cà kê" (NXB Văn Học, tái bản năm 1993).

Thế nào là cà kê?

Hỏi như thế vì lâu nay ta thường nghe nói đến "chuyện như pháo ran", "chuyện nở như bắp rang", "chuyện nọ xọ chuyện kia", "chuyện hươu chuyện vượn", "chuyện trên trời dưới đất"… Thậm chí ở Quảng Nam còn có câu "chuyện ông huyện để dái" là ngụ ý câu chuyện mà họ đang nói đến, bàn đến chỉ tàm xàm, bá láp, nói dông dài mất thời gian, chẳng đâu vào đâu.

Chuyện ở đây là hiểu theo nghĩa từ hai đến vài người cùng trò chuyện, nói chuyện với nhau lúc "trà dư tửu hậu", họ nói chuyện gẫu, nói cách khác chính là lúc rảnh rỗi cùng "buôn dưa lê". Ủa, sao lại "buôn lê"? Chẳng có trái lê, trái lựu gì đây sất, đơn giản là người ta tách "lê" từ câu quen thuộc "ngồi lê đôi mách" để tạo ra cụm từ mới mang sắc thái bông phèng, tếu táo khiến nội dung không còn "nghiêm trọng" như vốn có.

Cà kê dê ngỗng (Ảnh minh họa từ Internet)

Cà kê dê ngỗng (Ảnh minh họa từ Internet)

Khi đặt tên tập sách "Chuyện cà kê", ông Lãng Nhân giải thích thế nào? Một nhân vật đặt câu hỏi: "Chuyện gì là chuyện cà kê?".

- Rõ khéo, chuyện con cà con kê mà còn phải hỏi!

- Kê là gà đành rồi. Thế cà là con gì? Hay là gà kê, nói chạnh ra cà kê cho xuôi tai?

- Ồ, thế thì khi người ta nói cà kê dê ngỗng, gà là kê, không lẽ dê lại là ngỗng?

Hòa nhấp một ngụm trà, chậm rãi nói:

- Thì ta cứ cho chuyện cà kê là chuyện "dây cà ra dây muống", "ông nói gà bà nói vịt", "râu ông nọ cắm cằm bà kia", cũng là được đi. Chúng ta ngồi đây, có thiếu gì chuyện, chuyện mưa nắng, chuyện nhạt chuyện nồng, "chuyện bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng", chuyện "muốn cho chợ họp đến chiều, cho lắm kẻ bán cho nhiều người mua", tóm lại là "nói bỡn nói cợt mà chơi", chứ "áo ai nấy mặc có mùi gì đâu" (tr.2-3).

Đối thoại này ít nhiều phản ánh đươc tính chất của chuyện cà kê, nói đầy đủ là "chuyện cà kê dê ngỗng"/ "chuyện con cà con kê con dê con ngỗng". "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) ghi nhận cách nói này và giải thích ngắn gọn: "Nói chuyện dông dài". Vấn đề đặt ra ở đây là các tên gọi này, ta hiểu thế nào cho đúng? Con cà, con kê là gì? Có phải cà là nói tắt của con cà cưỡng, cà cuống, cà dúi, cà tong…? Còn con kê là con gà? Kìa, sao kê hiểu theo nghĩa của từ Hán - Việt lại nhảy xổm vào đây?

"Chuyện cà kê", như đã nói là cách rút gọn của "chuyện con cà con kê con dê con ngỗng". Xét về cấu trúc hình thành nên câu tục ngữ, ta thấy thông thường có hai vế "tiểu đối" trong một câu, thí dụ "Ăn vóc // học hay", "Ông nói gà // bà nói vịt", "Đi tát sắm gầu // đi câu sắm giỏ", "Chọn bạn mà chơi // chọn nơi mà ở"… Từ "quy luật" này, ta xác định được con cà, con kê không thể là "con" bởi như thế làm sao đối xứng với con/ con dê, con ngỗng?

Vậy, con trong ngữ cảnh này là gì? Xin thưa, chính là cây. Khi nói như thế dẫu có lật hết từ điển hiện nay cũng khó có thể tìm ra cách giải thích này, nhưng không phải không có. Bằng chứng là "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) trong mục từ "con", ta thấy con còn được sử dụng cho cây như "Con thuốc: Cây thuốc mới ương, mới mọc". Ương chính là ươm, gầy cây giống.

Cách nói này nay ta nghe thấy lạ, còn có thể nêu thêm: "Con ong cái kiến kêu gì được oan" (Truyện Kiều), "Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn" (Nguyễn Trãi), "Ông Trăng mà lấy bà Trời/ Tháng năm đi cưới, tháng mười nộp cheo (ca dao), "Tôi xa mình chưa mấy con trăng/ Nhà hư cột gãy, nhện giăng tứ bề" (ca dao)… Ngay cả sợi mì Quảng, người Quảng Nam lại gọi con mì; từ sợi này ở trong Nam cũng xuất hiện ở con bún… Ta hiểu là cách nói không đóng khung cố định mà thay đổi linh hoạt tùy ngữ cảnh, như thế mới là cái sự lắt léo trong cách nói của người Việt.

Tóm lại, chuyện cà kê là tán gẫu, tán hươu tán vượn, nói chuyện phiếm lan man, dông dài, chuyện nọ xọ chuyện kia không theo chủ đề, lớp lang gì cả, chẳng khác gì nói từ chuyện cây cà, cây kê qua chuyện con dê, con ngỗng. Mà, từ cây này đến cây kia, từ con kia đến con nọ chẳng có gì tương đồng, thế thì cà kê là ngụ ý cuộc trò chuyện này mọi người cùng "gẫu chuyện" - cùng nói góp vào một cách tùy hứng, tùy thích…

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tieng-viet-giau-dep-ca-ke-de-ngong-196250524203238549.htm