'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' – Hồi ức người lính bảo vệ biên cương phía Bắc
Cuốn sách 'Tiếng vọng đèo Khau Chỉa' của tác giả Nguyễn Thái Long vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Công ty truyền thông Nhã Nam ra mắt bạn đọc.
“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” được xây dựng từ hồi ức cá nhân và những tư liệu quý giá của các đồng đội, tái hiện cuộc chiến biên giới năm xưa qua những câu chuyện chân thực và sinh động, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc trong mười năm 1979-1989.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía Đông tỉnh Cao Bằng. Tác giả Nguyễn Thái Long khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa-Khau Chỉa).
“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" của tác giả Nguyễn Thái Long đã tái hiện chân thực và sinh động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang). Sách dày 369 trang, chia làm 5 phần: Cao Bằng, một dải biên cương; Khau Chỉa mười hai ngày đêm khói lửa; Trở lại Tà Lùng; Vị Xuyên-Lời thề trên đá; Những người lính trở về.
Với tâm huyết của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đã đưa vào trong sách tất cả những tư liệu ông đã dày công sưu tầm từ các đông đội, tất cả hiểu biết về cuộc chiến tranh và tất cả cảm xúc tha thiết của mình với hy vọng truyền tải đến thế hệ hôm nay không bao giờ quên những Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567.
Ký ức về cuộc chiến tranh 44 năm về trước trong tâm trí tác giả Nguyễn Thái Long không chỉ chát chúa tiếng súng đạn, mà còn đầy vẻ bình yên và thơ mộng của non nước vùng biên. Rải rác trong toàn bộ cuốn sách là những hình ảnh mềm mại, những trang văn thiết tha cảm xúc trữ tình. Đó là vẻ đẹp khó cưỡng của hoa dã quỳ một sáng mùa thu nở bừng sắc vàng rực rỡ, là những bụi cỏ tranh sắc lẹm mọc trên khô cằn sỏi đá, thân mảnh mai nhưng kiên cường trong mưa sa gió táp, là những đêm đông ấm sực bên bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc.
Thâm chí ngay giữa cái ớn lạnh trong cuộc phá vây vượt đường số 4 luôn luôn rình rập bị địch phục kích, tác giả vẫn kịp mềm lòng “khi nhìn thấy những cánh hoa đào nở muộn bên suối lung linh trong ánh nắng sớm mai”.
Tác giả Nguyễn Thái Long muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội mình, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế của một người trong cuộc dạt dào cảm xúc: Nỗi nhớ thương đồng đội, nỗi căm phẫn quân thù, niềm đau đáu của người ở lại,… Từ góc độ này, cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa có khả năng chạm đến cảm xúc của người đọc một cách trực diện, và vì thế có một ý nghĩa đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về cuộc chiến của thế hệ cha anh.
“Cuốn sách được ra đời từ ý tưởng của cuộc gặp mặt những người đồng đội năm xưa nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc để không ai và không có gì có thể bị lãng quên của cuộc chiến ”- tác giả Nguyễn Thái Long chia sẻ.
Nói thêm về cuốn sách, Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an Việt Nam cho rằng cuốn sách không chỉ đem đến những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo.
Để bên cạnh những tổng kết đề cập đến những vấn đề chung như bối cảnh, lý do dẫn đến cuộc chiến này; các chiến lược, sách lược; đường lối lãnh đạo; các bài học rút ra…, người đọc hôm nay và mai sau thông qua những cuốn sách như “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” có thể cảm nhận được cụ thể “độ nóng” của cuộc chiến, hiểu được thế hệ cha ông đã vượt qua những đau thương tận cùng ra sao để đi đến chiến thắng.
Cuốn sách đã đáp ứng một phần nào nguyện vọng cháy bỏng của các cựu chiến binh và nhân dân, nhất là đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc được nói lên sự thật tàn khốc của cuộc chiến, để ghi ơn những hy sinh to lớn của các chiến sỹ và đồng bào đã ngã xuống.