Tiếng xe của bố Thắng

Những ngày giáp Tết, trong cái lạnh tê tái vùng biên Mường Lát, cô bé Hơ Thị Tho thơ thẩn nhìn xuống con dốc dẫn lên căn nhà nhỏ. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là một căn lều trên đồi cao gió lùa tứ phía. Tho vẫn mong ở phía cuối con dốc kia hiện ra một phép màu. Cô biết, chỉ cần phép màu sắp hiện ra thôi là cô đã nhận ra rồi.

Không phải cô có khả năng đặc biệt gì, mà đó là nhờ âm thanh trước khi phép màu ấy hiện hình. Đó là tiếng xe máy nổ ròn phá tan sự im ắng đáng sợ. Tiếng xe ấy không biết từ bao giờ đã trở nên quen thuộc với chị em cô, từ hiện hữu đi vào tiềm thức.

Tho không chỉ có một mình. Trên cô còn anh trai. Người anh ấy nói cười vô định, ngẩn ngơ vui, ngẩn ngơ buồn. Cán bộ bảo, vì bố mẹ cô lấy nhau khi còn quá nhỏ tuổi nên con cái sinh ra không được khôn ngoan. Cũng may đến khi sinh Tho thì bố mẹ đã lớn hơn một chút. Bây giờ thì bố Tho đã chết. Những chiếc lá ngón oan nghiệt đã cướp đi người bố của cô. Sau một lần cãi nhau với mẹ cô, bố cô trở nên quẫn trí hái nắm lá độc ấy về nhai ngấu nghiến. Mẹ Tho giờ đã có chồng mới, đi rất xa chị em cô rồi. Dưới Tho còn hai người em nữa. Từ khi bố mẹ mỗi người mỗi ngả, ngôi nhà này chỉ còn 4 anh em cô. Là thứ hai nhưng Tho phải vươn lên đóng vai trò chị cả thay cho người anh nhận thức không bình thường. Ngôi nhà bốn anh em Tho ở là bản Cá Tớp, xã Pù Nhi. Nơi này có Đồn Biên phòng Pù Nhi đóng. Các chú Bộ đội Biên phòng cũng đã đến động viên giúp đỡ, Tho cũng nằm trong danh sách đỡ đầu của đồn. Nhưng bố Thắng thì lại ở Đồn Biên phòng Tam Chung, xa hơn một chút. Bố Thắng cũng đến với cả những người con nuôi khác của đồn, ngoài ra là những đứa con nuôi của riêng bố, trong đó có chị em cô.

 Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng với trẻ em các dân tộc tại Mường Lát.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng với trẻ em các dân tộc tại Mường Lát.

Sự xuất hiện của bố Thắng đã đem ánh sáng đến cho cuộc sống của chị em Tho. Cái ăn cái mặc đã đành, nhưng từ khi bố mẹ chia lìa, bốn anh chị em cô luôn mang trong mình cảm giác trống vắng, thiếu thốn một thứ gì đó không rõ hình hài. Cho đến khi bố Thắng đến thì cô hiểu, đó là hơi ấm gia đình. Chị em cô được giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần. Khi thì bao gạo, khi thì quần áo ấm, chiếc chăn bông, khi thì đồ dùng sinh hoạt, học tập… Ngôi nhà chống chếnh giữa đồi cao dần trở nên ấm áp. Bố Thắng đã kéo điện về để bốn anh em Hơ Thị Tho có cái dùng, có ánh sáng để học tập. Bố Thắng che lại vách nhà cho gió khỏi lùa, lợp lại chỗ dột trên mái nhà cho mưa khỏi thấm. Cô đã nhìn thấy hình bóng một người cha mới.

 Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng trong một lần về bản.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng trong một lần về bản.

*

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng sinh năm 1976 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Anh nguyên là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Chung. Anh cũng có một gia đình và ba cậu con trai của riêng mình. Mỗi lần vượt quãng đường 250 cây số từ địa đầu Mường Lát về thăm nhà ở Sầm Sơn, khi quay trở lại đơn vị bao giờ anh cũng lễ mễ những thứ từ quê biển, vài bọc moi khô, vài cân cá biển, nước mắm, mì chính… Những thứ ấy là để cho các con đỡ đầu, trong đó có chị em cô bé Tho. Những đứa trẻ vẫn ngóng trông anh, vẫn chờ mong tiếng xe quen thuộc rẽ trong làn bụi đỏ, sục trong bùn lầy của bố Thắng biên phòng những lần về bản.

 Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng trao quà tặng học sinh đỡ đầu tại Mường Lát.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng trao quà tặng học sinh đỡ đầu tại Mường Lát.

Mười tám đứa trẻ Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 300 đến 500 nghìn đồng một tháng từ nguồn kinh phí của đơn vị, của cá nhân anh cộng với sự hỗ trợ từ anh em, bạn bè và các nhà hảo tâm mà anh có kết nối. Chỉ trong mấy năm, từng thôn bản của các xã Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Mường Lý của huyện miền núi xa xôi Mường Lát đều hằn in dấu xe anh. Chiếc xe có gắn cốp với tiếng nổ đặc trưng đã trở nên quen thuộc với không chỉ chị em cô bé Tho mỗi lần bố Thắng xuất hiện. Trong cốp là bánh kẹo, bim bim, đồ dùng sinh hoạt, học tập… Chiếc xe màu đỏ ấy đã bao lần ẩn hiện trong bụi đỏ mờ xa, là một thứ hút ánh nhìn con trẻ các bản làng. Chiếc cốp nhỏ phía sau xe bố Thắng như đựng những ánh mắt, đựng cả những điều ước và tương lai của lũ trẻ.

 Bố Thắng và các con.

Bố Thắng và các con.

 Các em nhỏ vây quanh chiếc xe máy của bố Thắng.

Các em nhỏ vây quanh chiếc xe máy của bố Thắng.

Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng là người khéo tay hay làm. Từ thời trẻ, anh đã có bề dày tham gia công tác Đoàn, Đội. Khi vào quân ngũ, trải khắp các vùng miền với những khác biệt về văn hóa, phong tục, anh cũng đã tích lũy được nhiều vốn sống. Thắng có nhiều tài lẻ. Anh có thể chăm tỉa, tạo dáng cây cảnh rất đẹp. Anh cũng có thể quay chụp, dựng clip, phim ngắn. Thắng còn biếtđộ xe máy. Nghề này anh học lỏm từ những ngày công tác ở phía Nam. Những chiếc Honda 67 được anh độ lại trông rất bắt mắt, lại phù hợp với địa hình miền núi. Đó cũng là một công việc giúp anh kiếm thêm thu nhập. Thắng làm tất cả những việc có thể kiếm ra tiền bằng lao động chính đáng. Anh không ham kiếm tiền để làm giàu. Tiền kiếm được anh dành phần lớn cho công việc thiện nguyện. Nói là thiện nguyện nhưng cũng là công việc liên quan mảng công tác anh đảm nhiệm tại Đồn Biên phòng Tam Chung, từ cái tâm của người lính biên phòng. Mười tám đứa trẻ Thắng thay mặt Đồn đứng ra nhận đỡ đầu đều là những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đó có những hoàn cảnh rất thương tâm như chị em cô bé Tho. Với đồng bào vùng cao, anh Thắng có những phương pháp tiếp cận và giúp đỡ hết sức phù hợp. Chẳng hạn để dạy xóa mù cho người lớn, nếu học bằng giấy bút sẽ rất khó để bà con tập trung, anh đã nghĩ ra cách dạy chữ bằng phương pháp hát karaoke là hình thức giải trí đồng bào rất thích, qua đó cái chữ cũng vào đầu nhanh hơn, thú vị hơn.

Thế nhưng câu “tài hoa bạc mệnh” lại gắn với anh khi Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng mãi mãi dừng lại ở tuổi 47. Anh đã ra đi sau một sự cố sức khỏe bất thường cuối năm 2022.

*

Những ngày áp Tết Giáp Thìn tôi về Thanh Hóa nhận giải Cuộc thi ký “Biên cương một dải vững bền” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức. Tôi có một nguyện vọng nhỏ, đó là đến thăm gia đình và thắp hương cho Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng. Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã cử Trung tá Lê Ngọc Đông, Trưởng ban Tuyên huấn đưa tôi xuống nhà anh Thắng.

Các cán bộ biên phòng, đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội thăm gia đình Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng.

Các cán bộ biên phòng, đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội thăm gia đình Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng.

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở Phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn, chị Hồ Thị Hiền vợ anh Thắng không giấu nổi những giọt nước mắt. Đã hơn một năm kể từ khi anh Thắng không may qua đời, chị vẫn chưa thể quen với sự vắng mặt của chồng, cho dù do đặc thù nhiệm vụ, khi còn sống, anh cũng chẳng mấy khi có mặt ở nhà cùng vợ con. Chị Hiền không bao giờ có thể quên được một buổi chiều tháng bảy năm 2022, khi chị được báo tin dữ. Hôm ấy anh Thắng đang nghỉ ở nhà nên tranh thủ đi lấy hàng từ thiện mọi người ủng hộ để mang lên đồn tiếp tục hành trình thắp lửa tương lai cho đàn con thơ. Chị và anh em đơn vị được kể lại, chiếc xe gắn cốp của Thắng đang chạy trên đường cứ tấp dần, tấp dần vào lề và anh khuỵu xuống, mặt tím tái. Người dân gần đó phát hiện đã trợ giúp đưa anh vào bệnh viện nhưng Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng đã ra đi. Một sự ra đi nhẹ nhàng, bất ngờ đến ngỡ ngàng đối với người thân, đồng đội và những người anh quen biết.

Trò chuyện với chị Hiền tôi được biết, chị quê Quảng Trạch, Quảng Bình. Anh chị quen nhau khi chị Hiền từ Quảng Bình vào Vũng Tàu làm công nhân may, còn anh Thắng cũng từ Thanh Hóa nhập ngũ vào Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó được cử đi học Trường Trung cấp Biên phòng 2. Vũng Tàu cũng là mảnh đất chắp cánh cho tình yêu của anh chị. Ra trường, cưới nhau xong thì anh được phân công về Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh, thế là mang vợ con theo. Năm 2000, cháu Trịnh Hồ Hoài Nam ra đời. Năm 2007 chị Hiền sinh lần thứ hai, thai đôi với hai cậu con trai Trịnh Hồ Việt - Trịnh Hồ An. Chuyển công tác đi đâu anh Thắng lại mang vợ con theo đó, chị Hiền bồng bế các con theo anh suốt từ Vũng Tàu, Trà Vinh, ra Quảng Bình khi anh chuyển công tác về Đồn Biên phòng Cà Roòng, huyện Bố Trạch năm 2012. Nhưng chưa dừng ở đó, năm 2017 anh Thắng được cấp trên điều động về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thì mấy mẹ con lại bồng bế nhau theo anh về quê, ở Sầm Sơn bây giờ. Tại Thanh Hóa, ở Bộ Chỉ huy một thời gian anh lại xuống Đồn Biên phòng Nghi Sơn, sau đó mới chuyển lên Đồn Tam Chung làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng.

 Chị Hồ Thị Hiền và con trai Trịnh Hồ Hoài Nam.

Chị Hồ Thị Hiền và con trai Trịnh Hồ Hoài Nam.

Khi tôi hỏi về cha, Trịnh Hồ Hoài Nam trầm ngâm một lát rồi bảo, thực ra cháu và ba không hiểu hết về nhau, vì khi cháu còn nhỏ thì ba đi vắng suốt, cháu chỉ ở với mẹ, khi ba ở nhà nhiều hơn thì lại là lúc cháu đã đi học xa nhà. Tốt nghiệp Đại học FPT và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, nhưng từ sau khi ba mất Hoài Nam tạm thời về làm việc từ xa tại nhà để mẹ đỡ buồn một thời gian, đầu năm 2024, Nam mới vào lại TP chạy Grab kiếm tiền học thêm chứng chỉ tiếng Anh để xin việc. Hai em trai của Nam năm nay lên lớp 12 cũng đang là mỗi lo lớn của mẹ khi chị Hiền cũng không có việc ổn định, chỉ làm công việc may vá thêm tại nhà.

Chị Hiền cho biết, chị vẫn giữ liên hệ với một số cháu anh Thắng từng giúp đỡ, vì có một số người biết công việc anh Thắng làm vẫn gửi quà hỗ trợ, thay mặt anh chị lại chuyển lên cho các cháu. Mới đây, cháu Lò Việt Anh, một trong những người con đỡ đầu của anh Thắng ở xã Tam Chung cũng xuống thăm nhà và thắp hương cho bố Thắng. Đây cũng là nguyện vọng của cô bé Hơ Thị Tho nhưng em chưa thực hiện được. Dù vậy thì tấm lòng của bố Thắng với chị em Tho cô luôn ghi nhớ. Nhờ bố Thắng, Tho đã trưởng thành hơn, nghị lực hơn để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Những gì người cha đỡ đầu mang đến cho chị em cô không chỉ là những vật chất bình thường, mà cao hơn thế là gieo một niềm tin sống, niềm tin vào sự tốt đẹp tồn tại trong cuộc đời này. Trong Tho luôn văng vẳng tiếng xe máy quen thuộc, âm thanh báo hiệu mỗi lần bố Thắng lên thăm chị em cô…

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/tieng-xe-cua-bo-thang-778473