Tiếp cận theo phương pháp đánh giá rủi ro

Tại thời điểm thông qua năm 2012, Luật Phòng, chống rửa tiền đã được xây dựng theo hướng phù hợp, nội luật hóa các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Song từ đó đến nay, FATF đã có 11 lần sửa đổi các khuyến nghị. Do đó Luật Phòng, chống rửa tiền cần được bổ sung kịp thời các quy định cần thiết theo phương pháp đánh giá rủi ro để khắc phục các thiếu hụt, chưa đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần bộ khuyến nghị của FATF.

Khác tiêu chí khó thu thập thông tin

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 chưa có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền ở cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo cũng chưa đầy đủ. Trong khi đây là một trong những yêu cầu thuộc nhóm các vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong Bộ 40 Khuyến nghị của FATF về phòng, chống rửa tiền.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Nguồn: ITN

Các quốc gia cần phải xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình. Dựa trên đánh giá này, các quốc gia cần áp dụng phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro nhằm bảo đảm các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định; yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành nghề phi tài chính xác định, đánh giá và thực hiện các hành động có hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố (Khuyến nghị số 1 của FATF).

Hiện nước ta đang sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng. Việc đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) lần thứ nhất được thực hiện từ tháng 12.2016 đến tháng 4.2019 trên 15 lĩnh vực với Ban điều phối gồm đại diện của 6 cơ quan, bộ, ngành chia thành 8 nhóm làm việc. Quá trình triển khai cho thấy một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề thông tin, số liệu như: một số đơn vị, bộ, ngành thống kê số liệu theo các tiêu chí hoặc phương thức khác với các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia; thông tin, số liệu khó thu thập đầy đủ, chính xác do những hạn chế trong phương pháp quản lý, thống kê...

Sau lần triển khai thứ nhất, để giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020, ngày 30.4.2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch gồm 51 hành động liên quan đến 5 nhóm vấn đề chính: nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; hợp tác trong nước; các sản phẩm tài chính toàn diện và hợp tác quốc tế.

Triển khai NRA lần hai, ngày 29.4.2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban điều phối đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền/tài trợ khủng bố gồm đại diện của 13 cơ quan, bộ, ngành chia thành 11 nhóm làm việc, tăng thêm 3 nhóm mới so với lần triển khai NRA đầu tiên là nhóm đánh giá rủi ro từa tiền đối với pháp nhân, thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi; nhóm đánh giá rủi ro lừa tiền đối với tài sản ảo và nhóm đánh giá rủi ro lừa tiền về tội phạm môi trường.

Phân loại theo mức độ rủi ro

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung các quy định đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền, đối tượng báo cáo (các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan) trên cơ sở luật hóa và quy định chi tiết cụ thể hơn các nội dung đã được nêu tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, Thông tư số 20/2019/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.

Cụ thể, đối với việc đánh giá rủi ro quốc gia và rủi ro ngành về rửa tiền, cần quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành thuộc phạm vi quản lý, phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về rửa tiền trong nội bộ của bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý, đồng thời có biện pháp giảm thiểu rủi ro đã xác định.

Mặt khác, trên cơ sở kết quả này, đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền để nhận diện và xác định các rủi ro rửa tiền đối với khách hàng, quốc gia hoặc khu vực địa lý, các sản phẩm, dịch vụ, giao dịch hoặc kênh phân phối. Kết quả đánh giá phải được cập nhật hàng năm, được cấp có thẩm quyền của đối tượng báo cáo phê duyệt ban hành. Đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro bao gồm các biện pháp kiểm soát tăng cường đối với các lĩnh vực hoạt động có rủi ro cao về rửa tiền và các biện pháp kiểm soát giảm nhẹ đối với các lĩnh vực có rủi ro thấp.

Hoàng Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tiep-can-theo-phuong-phap-danh-gia-rui-ro-i296391/