Tiếp cận vốn: 'Chìa khóa' mở cánh cửa phát triển cho HTX
Vấn đề tiếp cận vốn từ lâu đã được xem là 'điểm nghẽn' lớn nhất cản trở sự phát triển của các hợp tác xã tại Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, nhu cầu về nguồn vốn ổn định, linh hoạt càng trở nên cấp bách. Tuy vậy, những chuyển động tích cực gần đây từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cùng với sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại đang mở ra những tín hiệu lạc quan, tạo cú hích mới cho khu vực kinh tế tập thể.
Tại Hội nghị “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay, kết nối giao thương và chuyển đổi số” tổ chức ngày 12/4 vừa qua, câu chuyện từ HTX Than Uyên (Lai Châu) đã cho thấy tác động tích cực từ việc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc HTX – chia sẻ: nhờ được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, doanh số của HTX đã tăng trưởng ấn tượng tới 25%, từ 16 tỷ đồng năm 2023 lên dự kiến 27 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Vẫn còn những rào cản
Theo ông Tuấn Anh, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã được kết nối nhanh chóng với Quỹ, hồ sơ vay vốn được xử lý đơn giản qua ứng dụng Zalo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh phát biểu tại hội nghị.
“Hiện nay, HTX đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đầu tư lên đến 24 tỷ đồng, và mong muốn tiếp tục được Quỹ hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô sản xuất”, Giám đốc HTX cho biết.
Không chỉ là cứu cánh cho các HTX đang phát triển, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn góp phần giải quyết một “điểm nghẽn” kéo dài nhiều năm trong khu vực kinh tế tập thể.
Ông Phạm Công Bằng – Tổng Giám đốc Quỹ – cho biết, thời gian qua Quỹ đã cho hàng trăm HTX và thành viên vay vốn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế tập thể trên cả nước.

Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam – Quỹ đang từng bước khẳng định vai trò là đầu mối quan trọng, phối hợp cùng các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn cho các HTX. Đặc biệt, tại một số địa phương, việc giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản của Quỹ đã cho thấy những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, bà Hoài Linh cũng thẳng thắn chỉ ra, hoạt động của Quỹ hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Cụ thể, trong số 100 HTX tiêu biểu được vinh danh tại Giải thưởng “Ngôi sao HTX - CoopStar Awards 2025”, chỉ có 16 HTX nhận được 31 khoản vay từ Quỹ. Điều này phản ánh thực trạng còn hơn 80 HTX chưa tiếp cận được vốn – một phần do cơ chế cho vay trước đây của Quỹ còn bó hẹp về đối tượng, chỉ giới hạn cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX và vay đầu tư; phần khác là do nhiều HTX chưa có đủ thông tin hoặc hiểu biết về các chính sách, thủ tục vay vốn từ Quỹ.

Toàn cảnh hội nghị.
Không chỉ riêng với Quỹ, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng là một trở ngại lớn. Ông Lưu Văn Diễn – Chủ tịch HĐQT HTX Cơ giới – Xây dựng Vĩnh Thái (Khánh Hòa) – chia sẻ: HTX hiện đang đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang tại Phan Rang, nhưng việc dùng đất nghĩa trang làm tài sản thế chấp vẫn còn nhiều vướng mắc pháp lý. Sắp tới, HTX tiếp tục triển khai dự án lò hỏa táng, nhưng vẫn chưa rõ thiết bị và công trình này có đủ điều kiện để thế chấp vay vốn hay không.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) – phản ánh rằng các khoản vay từ Ngân hàng Nông nghiệp hiện có lãi suất cao hơn nhiều ngân hàng thương mại khác, tạo áp lực tài chính không nhỏ cho HTX trong giai đoạn đầu tư mở rộng.
Khơi thông dòng vốn
Theo bà Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban Tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội – hiện mức cho vay tối đa trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ dừng lại ở 2 tỷ đồng/dự án, tương đương không quá 100 triệu đồng/người lao động được tạo việc làm. Hạn mức này quá khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư thực tế của các HTX đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất hiện đại, xanh và tuần hoàn.
Bên cạnh đó, một rào cản khác đến từ chính đặc điểm tổ chức của HTX: tài sản bảo đảm phần lớn là tài sản cá nhân của các thành viên, thay vì tài sản sở hữu chung – khiến việc tiếp cận vốn theo các quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc.

Chủ tịch HĐQT HTX nấm Tam Đảo chia sẻ khó khăn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng.
“Đối với các HTX nhỏ, mới thành lập – những đơn vị đang rất cần vốn để đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình – thì rào cản về tài sản thế chấp và năng lực lập hồ sơ là trở ngại lớn. Chính phủ cần có chính sách tín dụng ưu tiên cho nhóm HTX này, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn giúp nâng cao năng lực tiếp cận vốn”, bà Chương nhấn mạnh.
Ở góc độ ngân hàng, ông Lê Văn Tuấn – đại diện Agribank – cho biết ngân hàng này đang triển khai các gói tín dụng chuyên biệt dành cho các HTX, liên hiệp HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ông Tuấn khuyến khích các HTX chủ động thu hút thêm thành viên, hoặc sáp nhập theo ngành nghề, địa bàn nhằm nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc HTX Than Uyên (Lai Châu) – cho biết: “Cán bộ HTX thường không có chuyên môn sâu về tài chính, nên rất cần sự hướng dẫn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đảm bảo quy trình vay vốn đúng quy định pháp luật, nhất là khi Luật HTX sửa đổi 2023 vừa có hiệu lực.”

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trên thực tế, nhiều HTX dù hoạt động hiệu quả vẫn gặp khó khăn khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Đơn cử, ông Lưu Văn Diễn – Chủ tịch HĐQT HTX Cơ giới – Xây dựng Vĩnh Thái (Khánh Hòa) – chia sẻ rằng HTX đang đầu tư vào công viên nghĩa trang và dự án lò hỏa táng, nhưng chưa rõ có thể sử dụng các hạng mục này làm tài sản thế chấp được hay không.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) – phản ánh lãi suất tại Agribank còn cao hơn một số ngân hàng thương mại khác, gây khó khăn cho HTX trong đầu tư mở rộng sản xuất. “Nếu là ngân hàng phục vụ nông nghiệp thì cần tạo điều kiện công bằng hơn cho nông dân và HTX”, ông Huy đề xuất.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và phát triển số đang tăng nhanh, các bộ ngành và địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng – không chỉ dừng ở quản lý, mà phải “kiến tạo” môi trường phát triển thuận lợi cho HTX.
“Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cần tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay theo hướng gọn – nhanh – minh bạch hơn nữa. Việc tháo gỡ bài toán vốn không chỉ giúp HTX phát triển bền vững, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và hiện đại hóa khu vực nông thôn”, bà Linh nhấn mạnh.