Tiếp đà tăng trưởng, xuất nhập khẩu gần đạt 500 tỷ USD

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu. Xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,9%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 21,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,2%...

Với riêng ngành gỗ, việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho ngành này được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc giúp ngành vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đạt được những kết quả xuất khẩu ấn tượng.

Theo số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tính đến giữa tháng 8 đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, ngành đã hoàn thành 67% kế hoạch đề ra cho cả năm 2024.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết nếu như mọi năm, tháng 4 đến tháng 8 là mùa thấp điểm sản xuất đồ gỗ thì năm nay, nhà máy hoạt động vẫn không ngừng nghỉ để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ mùa lễ hội cuối năm cho các thị trường nước ngoài.

Xuất khẩu dệt may đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD.

Xuất khẩu dệt may đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD.

Về thị trường, Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại Việt Nam tăng trưởng rất mạnh.

Bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Cổ phần Woodsland chuyên sản xuất các sản phẩm về gỗ cho hay: "Trung bình năm 2024 mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 250 container, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023. Tăng trưởng này nó sẽ còn lớn hơn cái mục tiêu đã đặt ra đầu năm".

Không chỉ có ngành gỗ đang về đích xuất khẩu 14,2 tỷ USD. Dệt may cũng đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD. khủng hoảng chính trị tại Bangladesh – quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn của thế giới, sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là dịp để các nước có thế mạnh về ngành dệt may, trong đó có Việt Nam bù đắp nguồn cung cho thị trường thế giới.

Nhiều ngành hàng khác như phần cứng, điện tử, máy móc cũng đều tăng trưởng ấn tượng.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm, động lực từ xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 5% của nửa đầu năm ngoái.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp đến1/4 tăng trưởng GDP".

Xuất khẩu các tháng đầu năm khả quan là nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong bối cảnh "ấm dần" của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Theo đó, tính đến ngày 15/8, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,2%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng 1 tăng 22,5%...

Công ty Pro-Sports Hà Nội cho biết, đơn hàng xuất khẩu quần áo thể thao của doanh nghiệp sang Mỹ, châu Âu hiện kín đến hết năm. Loại vải dệt thoi hiện trong nước chưa sản xuất được nên doanh nghiệp đang nhập khẩu về tăng khoảng 20% mới đảm bảo đủ phục vụ lượng các đơn hàng đã ký.

Tương tự, công ty Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel cho biết, năm nay ngành linh kiện điện tử dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu, do đó nhà máy đang tăng cường nhập khẩu thiết bị để nâng công suất lên gấp đôi.

"Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch nâng công suất từ 2 lên 4 triệu sản phẩm một tháng nên có kế hoạch nhập máy móc để đáp ứng kế hoạch sản xuất từ nay đến cuối năm…", ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất gia công và Xuất nhập khẩu Hanel cho biết.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến trung tuần tháng 8 đã vượt 473 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 15,5 tỷ USD, đã cho thấy, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, là động lực chính giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong cả năm nay.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tiep-da-tang-truong-xuat-nhap-khau-gan-dat-500-ty-usd-1102090.html