Tiếp nhận hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024): 'Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm' và hoạt động 'Đền ơn đáp nghĩa', ngày 12/6/2024 tại Hà Nội, Tổ chức 'Trái tim người lính Việt Nam' phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ); Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và CLB 'Mãi mãi tuổi 20' trang trọng tổ chức lễ tiếp nhận 'Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam'.

Hình ảnh buổi lễ diễn ra vào sáng 12/6 tại Hà Nội. Ảnh: TP

Hình ảnh buổi lễ diễn ra vào sáng 12/6 tại Hà Nội. Ảnh: TP

Tới dự và chứng kiến sự kiến, có các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân là đồng đội của các liệt sĩ có “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” được trao trả và các cựu chiến binh; đại diện của lực lượng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân, những người đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cùng đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ, đến từ nhiều vùng miền trên cả nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa thu được trên chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được chụp lại và lưu giữ dưới hình thức microfilm, tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ (viết tắt là VNCA). Những bản copy này cũng có thể được xem như là “bản gốc”, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng và có thể trợ giúp việc tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sĩ…

Theo đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng (người sáng lập và hiện là Chủ tịch “Trái tim Người lính Việt Nam”) - Trưởng Ban Tổ chức sự kiện, cho biết: “Hiện chúng tôi đã phối hợp với VNCA thực hiện một dự án phi lợi nhuận và nhân văn mang tên “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”. Chúng tôi đã sử dụng các tài liệu được sàng lọc từ kho microfilm, với gần 3 triệu trang, đang lưu giữ tại VNCA, để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh, hoặc mất tích trong chiến tranh; đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức và cá nhân, tiến hành tìm kiếm thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh còn sống sót qua chiến tranh, để có thể trao trả “Hồ sơ chứng tích” (nhật ký, thư riêng...) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ tại Việt Nam. Từ đầu tháng 5/2024, căn cứ nguồn tư liệu độc quyền do VNCA gửi, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã tiến hành biên soạn và giới thiệu trên mạng xã hội facebook và Tạp chí điện tử “Văn hóa và Phát triển” hơn 30 hồ sơ “Chứng tích chiến tranh”. Đó là nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 10 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp, chung tay góp sức của nhiều bạn đọc, 12 hồ sơ trong đó đã có phản hồi tích cực của thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh và thương binh. Chúng tôi đã liên hệ được với các nhân chứng nêu trên, hiện đang ở nhiều vùng miền trên cả nước để mời tham dự sự kiện.

Cụ thể, nhiều gia đình thân nhân của liệt sĩ đã xin đăng ký cả đoàn, gồm anh, em, con cháu... Ai cũng mong muốn được trực tiếp tham dự sự kiện. Điển hình như đoàn thân nhân của liệt sĩ Đặng Văn Tế, tại Phú Thọ, đoàn thân nhân của liệt sĩ Trần Xuân Linh, tại Hà Tĩnh. Đặc biệt, số 11 hồ sơ tìm được người nhận, có 3 trường hợp còn sống sót qua các trận đánh đẫm máu. Đó là cựu tù binh Mai Xuân Ngọc tại Hải Phòng, thương binh Đỗ Xuân Thuyên tại Thái Bình và thương binh Nguyễn Tiến Đồng tại Hà Tĩnh. Đáng tiếc là cụ Mai Xuân Ngọc đã mất 2 tháng trước, vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 87 tuổi. Ông Đỗ Xuân Thuyên (SN 1945) đang ở Thái Bình, dù đã 80 tuổi, phải đi xe lăn và cần người đi cùng hỗ trợ, nhưng cụ Thuyên vẫn đăng ký từ Thái Bình về Hà Nội để tham dự sự kiện.

Thân nhân liệt sĩ đã rất hồi hộp, xúc động và chờ đón, khi nhận được thông tin có thể tiếp nhận “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” liên quan đến gia đình mình. Bởi những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất, cùng nội dung chứa đựng bên trong mỗi lá thư, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến. Tất cả cùng rưng rưng, nghẹn ngào, chứng kiến một phần sự “trở về” của những người thân yêu, sau nhiều chục năm hi sinh…

Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai, với cuộc sống hòa bình tốt đẹp hơn; Viện Khoa học và Nghệ thuật, phối hợp với Viện Hòa bình và Xung đột, cùng Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ của Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu sang Việt Nam tìm hiểu thực tế; đồng thời, phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” bàn giao “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” (lần thứ 2) cho thân nhân các gia đình liệt sĩ tại Hà Nội vào dịp này.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tiep-nhan-ho-so-chung-tich-chien-tranh-viet-nam-384184.html