Tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, sẵn sàng bứt phá

Các DN sản xuất sản phẩm xuất khẩu tìm kiếm được các thị trường mới với đơn hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp (TX Đông Hòa). Ảnh: NHƯ THANH

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh và hứa hẹn sẽ có bước đột phá trong năm 2023. Để đồng hành cùng DN, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, giúp DN mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Báo Phú Yên trao đổi với ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT xung quanh vấn đề nói trên.

* Năm qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Điều này được thể hiện như thế nào qua bức tranh kinh tế 2022, thưa ông?

- Năm 2022, nền kinh tế của tỉnh cơ bản phục hồi và có mặt phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,46%, vượt kế hoạch đề ra. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 19.092 tỉ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Hoạt động DN có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh có trên 550 DN gia nhập thị trường (tăng 43% so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký khoảng 4.572 tỉ đồng (tăng 8,9% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, trong năm 2022, 167 DN thông báo hoạt động trở lại trước thời hạn, tăng 7% so với cùng kỳ. Các hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức, góp phần nâng tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2022 ước đạt trên 2,2 triệu lượt, tăng gấp 5,9 lần so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 7.100 lượt, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Trong bức tranh sáng màu này có tác động không nhỏ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 mà Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Ông Võ Đình Tiến

Ông Võ Đình Tiến

* Bên cạnh một số DN gặp khó khăn, phải giải thể thì số DN tái gia nhập thị trường tăng. Các DN này đa số thuộc lĩnh vực nào và có những kỳ vọng gì khi trở lại, thưa ông?

- Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giảm gánh nặng chi phí đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo. Nhờ tận dụng nội lực cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ Nhà nước, các DN có điều kiện quay trở lại gia nhập thị trường.

Việc DN tái gia nhập thị trường tăng so với cùng kỳ cho thấy bức tranh nền kinh tế của tỉnh đang từng bước phục hồi và phát triển. Số DN hoạt động trở lại tăng cao chủ yếu thuộc các lĩnh vực như thương mại và dịch vụ, xây dựng, nông lâm thủy sản...; trong đó, DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỉ lệ lớn. Điều đó cho thấy các DN đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng thực hiện các giải pháp phù hợp để duy trì, từng bước ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới trong bối cảnh nền kinh tế, thị trường trong nước và quốc tế đang phục hồi nhanh chóng. Các DN sản xuất sản phẩm xuất khẩu tìm kiếm được các thị trường mới với đơn hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu đạt 236 triệu USD, vượt 14% kế hoạch, tăng gần 13%).

Với những nền tảng sẵn có, DN sẽ chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường trong những tháng đầu năm 2023, ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

* Vậy tỉnh có những chủ trương, chương trình hành động cụ thể gì để hỗ trợ các DN trong năm 2023?

- Để tạo điều kiện cho DN phát huy tối đa năng lực sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn mạnh, bền vững, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ DN và xem đây là đối tượng để phục vụ, không phải đối tượng quản lý.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động về hỗ trợ DN như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Kế hoạch triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI tỉnh Phú Yên cho từng năm; Kế hoạch 133/KH-UBND ngày 18/7/2022 về thực hiện Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa...

Đồng thời, trong thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển. Các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, rà soát quy trình, thủ tục đầu tư nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, DN; cùng nhà đầu tư, DN giải quyết các khó khăn trong tổ chức thực hiện nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu nâng cao số hồ sơ được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đúng thời gian quy định.

* Thưa ông, công tác thu hút, xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện thế nào để các DN thuận lợi tiếp cận với các dự án trên địa bàn tỉnh?

- Phú Yên nằm ở ngã ba giao lưu kinh tế, văn hóa của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, hai dự án hầm đường bộ đèo Cả và đèo Cù Mông đã được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự liên kết phát triển vùng. Phú Yên cũng đang sở hữu những tiềm năng lợi thế đủ để tăng tốc và phát triển bền vững, song điều kiện cần là phải xây dựng được một tầm nhìn chiến lược dài hạn và quy hoạch thật tốt, có tính khả thi cao; định hướng khai thác được tiềm năng lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

UBND tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) gồm 23 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28.000 tỉ đồng. Trên cơ sở danh mục này, hàng năm, Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh rà soát, bổ sung các dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng của tỉnh để đáp ứng nhu cầu của DN, nhà đầu tư.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN dễ dàng tiếp cận các dự án đang thực hiện kêu gọi trên địa bàn, tỉnh cũng đang tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua đó, chúng ta sẽ xác định được danh mục dự án đầu tư trọng điểm; nhất là dự án đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc; nâng cấp, mở rộng ga hành khách Tuy Hòa; tuyến đường bộ ven biển; trục giao thông đông - tây… Phương thức thu hút đầu tư được triển khai theo hướng đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Tỉnh chủ trương xúc tiến và thu hút các dự án có chọn lọc, không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

* Xin cảm ơn ông!

NHƯ THANH (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291936/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-san-sang-but-pha.html